Cả nước hiện có hơn 500.000 doanh nghiệp, tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng có thể dễ dàng tiếp cận được với nguồn vốn của các ngân hàng, nhất là trong thời điểm các ngân hàng đang siết chặt cho vay như hiện nay, kể cả một số ngân hàng có chính sách ưu đãi.
Để duy trì hoạt động, không ít doanh nghiệp đã phải tự cứu mình bằng cách tìm đến bạn bè, thậm chí là thị trường tín dụng đen với mức lãi suất cao ngất ngưởng.
Lãi suất cao cùng những thủ tục rườm rà khi vay vốn ngân hàng khiến nhiều doanh nghiệp phải tìm vay vốn ở quỹ tín dụng đen. (Ảnh minh họa: KT)
Là một công ty chuyên sản xuất các thiết bị điện, ông Trần Văn Quang, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Thiết bị điện Đông Anh (Hà Nội) cho biết, muốn tìm vốn cho việc kinh doanh, cũng như hàng trăm nghìn doanh nghiệp khác, doanh nghiệp này nghĩ ngay đến ngân hàng.
Tuy nhiên, thời gian từ khi làm hồ sơ đến khi được ngân hàng đồng ý giải ngân cho khoản vay tín chấp thường phải mất tới vài tháng, với các loại thủ tục rườm rà. Các ngân hàng đều đòi hỏi tài sản đảm bảo, trong khi đó, chi phí lãi vay vẫn ở mức cao (gấp 2 đến 3 lần so với mức lãi suất ở các nước trong khu vực).
“Sản phẩm của doanh nghiệp giá trị rất lớn, nhưng nguồn vốn lưu động còn hạn hẹp nên kinh doanh chủ yếu bằng nguồn vốn vay. Tuy nhiên, khi lãi suất vay của các ngân hàng thương mại lên đến 10-15% thì khả năng cạnh tranh của sản phẩm ngành cơ khí bị kém đi so với hàng nhập khẩu, bởi sản phẩm cơ khí nhập khẩu của các nước phát triển lãi suất vay sản xuất kinh doanh, vốn lưu động chỉ vào khoảng 1-2%”, ông Quang cho biết.
Theo thống kê của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), có tới 30% doanh nghiệp nhỏ và vừa “không thể tiếp cận” với nguồn vốn của ngân hàng và 30% doanh nghiệp khác cho biết “rất khó tiếp cận” nguồn vốn này.
Cũng vì khó tiếp cận vốn ngân hàng nên để giải “cơn khát vốn”, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa phải tìm vốn thông qua việc huy động vốn từ bạn bè, gia đình, thậm chí là thị trường tín dụng (chợ đen). Việc vay vốn từ thị trường tín dụng đen với mức lãi suất “cắt cổ” khiến cho không ít doanh nghiệp rơi vào “bẫy phá sản”.
Ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho rằng: Vay tiền phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh qua con đường không chính thức là điều cực kỳ bất lợi, bởi đã là một tổ chức cho vay không chính thức, bên cho vay có thể không tuân theo bất cứ một quy định gì. Hơn nữa, lãi suất vay của các tổ chức này cao hơn rất nhiều, điều đó sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất của doanh nghiệp và tổng thể nền kinh tế.
Ngân hàng Nhà nước đang chỉ đạo các Ngân hàng thương mại tiếp tục đẩy mạnh cho vay sản xuất kinh doanh, trong đó chú trọng cho vay tín chấp thay vì yêu cầu doanh nghiệp có tài sản đảm bảo. Song, để vay được nguồn vốn này, doanh nghiệp cần chứng minh năng lực tài chính, cũng như tính khả thi hiệu quả của từng dự án, phương án sản xuất kinh doanh. Nếu không khả thi, thì đương nhiên ngân hàng không thể rót vốn.
Ngân hàng đã nỗ lực nhưng sao DN vẫn gặp khó?
Trong khi đó, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận vốn tín dụng, nhưng kết quả cho vay vẫn đạt thấp, tỷ lệ dư nợ cho vay đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa trong giai đoạn 2011 - 2015 trung bình khoảng 25% tổng dư nợ cho vay toàn bộ nền kinh tế.
Để tháo gỡ khó khăn này, cuối tháng 4 vừa qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chính thức khởi động Quỹ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đây là tổ chức chuyên thực hiện chức năng hỗ trợ đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa có nhu cầu về vốn để thực hiện các dự án, phương án sản xuất kinh doanh khả thi. Thế nhưng, đến nay, nhiều doanh nghiệp khẳng định là vẫn chưa tiếp cận được quỹ.
Ông Lê Duy Bình, Giám đốc công ty Economica cho biết, với cơ chế hoạt động hiện nay của các quỹ bảo lãnh tín dụng và của Quỹ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, những khó khăn trong việc thẩm định cho vay và cơ chế về bảo lãnh, cơ chế về khả năng tiếp cận nguồn vốn cũng gây rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp. Các quy định về mặt thủ tục, quy định về điều kiện để được vay, quy chế cho vay cũng chưa hoàn toàn phù hợp với doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, nguồn cung tín dụng hạn hẹp cũng như mức lãi suất cho vay cao mà các doanh nghiệp đang phải gánh bao gồm cả nợ xấu của các ngân hàng từ những doanh nghiệp không hiệu quả, những khoản đầu tư không chuẩn mực trước đó.
Do đó, xử lý dứt điểm nợ xấu để dòng vốn tín dụng được thông suốt là một trong những nhân tố quan trọng nhất trong việc hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có thêm cơ hội phát triển./.
Cẩm Tú/VOV