Tiếng Việt | English

07/02/2023 - 09:57

Khổ vì dự án 'treo'

Dự án (DA) Khu công nghiệp (KCN) Đông Nam Á (giai đoạn 2) có
chủ trương xây dựng đã lâu nhưng chủ đầu tư chậm triển khai công tác bồi thường, thu hồi đất, hỗ trợ tái định cư (TĐC),... gây khó khăn cho người dân xã Phước Vĩnh Đông và Tân Tập, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An.

1. Nhiều năm qua, ông N.H.T. (ấp Vĩnh Hòa, xã Tân Tập) có đất nằm trong quy hoạch DA khổ sở vì ruộng bỏ hoang, đất ở cũng không thế chấp ngân hàng hay xây dựng gì được. “Nhà dột, tôi chỉ biết lấy nồi, thau hứng nước, chứ không dám sửa chữa, xây mới, vì vướng quy hoạch DA. Chúng tôi đề nghị chính quyền địa phương chỉ đạo, đôn đốc chủ đầu tư DA sớm triển khai, thực hiện, tránh tình trạng gây khó khăn, vướng mắc cho người dân như hiện nay” - ông N.H.T. chia sẻ.

Người dân xã Tân Tập, huyện Cần Giuộc bức xúc vì dự án Khu đô thị Đông Nam Á Long An đang “ì ạch” xây dựng, nay lại thêm Dự án Khu công nghiệp Đông Nam Á (giai đoạn 2) chậm triển khai

Được biết, DA KCN Đông Nam Á có diện tích quy hoạch 396ha, tọa lạc địa bàn xã Phước Vĩnh Đông và Tân Tập, do Công ty Cổ phần KCN Long An làm chủ đầu tư. Giai đoạn 2 của DA có diện tích 288ha, trong đó, xã Tân Tập 126ha, xã Phước Vĩnh Đông 162ha.

Qua rà soát của ngành chức năng, DA chậm triển khai ngoài nguyên nhân chủ quan từ phía nhà đầu tư, còn có nguyên nhân khách quan là Thủ tướng Chính phủ chưa cho phép chuyển mục đích sử dụng từ đất trồng lúa để làm cơ sở triển khai thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ TĐC, đầu tư hạ tầng,... Từ đó, gây ảnh hưởng nhiều đến đời sống của người dân trong khu vực DA.

Thông tin từ UBND tỉnh, để đẩy nhanh tiến độ triển khai DA KCN Đông Nam Á (giai đoạn 2), tỉnh đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp các ngành tham mưu UBND tỉnh văn bản giải trình, bổ sung hồ sơ chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận để làm cơ sở triển khai các thủ tục tiếp theo theo quy định. Đồng thời, yêu cầu nhà đầu tư phối hợp, hỗ trợ các ngành chức năng trong thực hiện hồ sơ, thủ tục để sớm được Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận chủ trương cho phép chuyển mục đích sử dụng đất từ đất trồng lúa.

2. Bà N.T.N.N. (ấp Vĩnh Hòa, xã Tân Tập) thắc mắc: "Trong quá trình triển khai DA, các hộ gia đình chính sách, hộ nghèo trong khu vực giải tỏa, thu hồi đất có được chính quyền địa phương hỗ trợ?".

Theo điểm a, b, khoản 1, Điều 21 Quyết định số 09/2018/QĐ-UBND, ngày 20/3/2018 về việc ban hành Quy định về bồi thường, hỗ trợ và TĐC khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh thì ngoài được hỗ trợ theo quy định, hộ gia đình chính sách (có giấy chứng nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền) nếu bị giải tỏa trắng nhà nhưng không bị thu hồi toàn bộ đất thì được hỗ trợ 10 triệu đồng/hộ; nếu bị giải tỏa trắng nhà và bị thu hồi toàn bộ đất thì được hỗ trợ 15 triệu đồng/hộ.

Đối với hộ gia đình thuộc diện hộ nghèo (có giấy chứng nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền còn trong thời gian có hiệu lực), ngoài được hỗ trợ theo quy định, nếu bị giải tỏa trắng nhà nhưng không bị thu hồi toàn bộ đất được hỗ trợ một lần bằng tiền tương đương 30kg gạo/tháng/hộ, thời gian hỗ trợ 3 năm; nếu bị giải tỏa trắng nhà và bị thu hồi toàn bộ đất được hỗ trợ một lần bằng tiền tương đương 30kg gạo/tháng/hộ, thời gian hỗ trợ 6 năm. Đơn giá gạo để tính hỗ trợ được quy định tại khoản 3, Điều 13 của Quy định về bồi thường, hỗ trợ và TĐC khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh.

Thiết nghĩ, ngành chức năng cần sớm có giải pháp kịp thời nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc đối với DA KCN Đông Nam Á (giai đoạn 2), tránh để kéo dài làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân trong vùng quy hoạch./.

Phong Nhã

Chia sẻ bài viết