Trụ sở làm việc của Sở Khoa học và Công nghệ
Hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp
Nhiệm vụ tăng cường ứng dụng tiến bộ KH&CN phục vụ phát triển KT-XH địa phương đã được xác định rõ trong nghị quyết đại hội Đảng các cấp và được cụ thể hóa thành các chương trình, kế hoạch hành động cụ thể của tỉnh cũng như của ngành KH&CN. Trong giai đoạn 2015-2020 cũng như trong năm 2021, tỉnh thực hiện 10 nhiệm vụ KH&CN cấp Nhà nước, cấp Bộ và khoảng 100 nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh, cấp cơ sở thuộc hầu hết các lĩnh vực sản xuất, đời sống. Trong đó, phải kể đến các nhiệm vụ nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ KH&CN trong cải tạo, lai tạo, phục tráng giống cây trồng, vật nuôi; hoàn thiện công nghệ, quy trình, kỹ thuật sau thu hoạch,... Qua đó, đóng góp tích cực trong việc từng bước nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị nông sản của địa phương. Ngành cũng phối hợp các sở, ngành, địa phương tham mưu tổ chức triển khai, thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy ứng dụng tiến bộ KH&CN trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp (DN) thông qua các chương trình, dự án.
Ông Nguyễn Minh Hải cho biết, từ các chính sách thuộc lĩnh vực KH&CN, thời gian qua, trên địa bàn tỉnh có khoảng 1.000 lượt DN được tiếp cận, chia sẻ thông tin, tuyên truyền về ứng dụng KH&CN; trên 100 lượt DN được hỗ trợ từ chính sách của địa phương để đào tạo chuyên gia năng suất, chất lượng; thực hiện nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ KH&CN trong quản trị năng suất chất lượng như hệ thống quản lý ISO 9001, ISO 14001, ISO 22000; các công cụ năng suất chất lượng Kaizen, 5S, Giải thưởng Chất lượng Quốc gia, Giải thưởng Chất lượng Châu Á - Thái Bình Dương; ứng dụng công nghệ Blockchain trong truy xuất nguồn gốc. Đến nay, Long An có trên 20 tổ chức, DN được chứng nhận là DN KH&CN, trong đó, có 1 DN được chứng nhận DN công nghệ cao thuộc lĩnh vực cơ khí chính xác. Ngoài ra, có 4 DN được chứng nhận là DN nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Sẵn sàng đồng hành
Việc phát triển, ứng dụng KH&CN là nhiệm vụ trọng tâm, được xem như điều kiện tiên quyết trong triển khai, thực hiện chương trình phát triển tài sản trí tuệ của địa phương, nhất là trong xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm hàng hóa, dịch vụ của địa phương. Vừa qua, ngành cũng tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình Quốc gia hỗ trợ DN nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa trên địa bàn giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Điều này sẽ góp phần nâng tỷ trọng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh kinh tế của tỉnh.
“Thời gian qua, cùng với các địa phương khác trong cả nước, Long An vừa trải qua đợt bùng phát dịch Covid-19. Dịch bệnh đã tác động tiêu cực đến mọi mặt của đời sống KT-XH, trong đó có ngành KH&CN, hầu hết nhiệm vụ theo chương trình, kế hoạch đều bị gián đoạn và chậm tiến độ. Song, trong hoàn cảnh nào, phương châm của ngành vẫn là “lấy DN làm trung tâm”” - ông Nguyễn Minh Hải cho biết. Ngành cũng xác định 2 nhóm nhiệm vụ trọng tâm chính là ưu tiên góp phần phục hồi, phát triển KT-XH sau dịch Covid-19 trên cơ sở hỗ trợ giải quyết các dịch vụ KH&CN, trong đó, ưu tiên cho các nhiệm vụ khoa học mang tính cấp thiết, phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh; các nhiệm vụ hỗ trợ phát triển đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, thích ứng điều kiện, tình hình mới.
Theo đó, mục tiêu tổng quát đến năm 2025, tỉnh có trình độ phát triển KH&CN đạt mức trung bình tiên tiến so với cả nước. Để đạt mục tiêu này, ngành đưa ra 3 chỉ tiêu quan trọng. Một là, góp phần nâng cao đóng góp của KH&CN vào phát triển KT-XH địa phương thông qua chỉ số năng suất các yếu tố tổng hợp TFP, giai đoạn 2020-2025 đạt tối thiểu 47-50% (hiện đạt khoảng 43- 45%). Hai là, chỉ số tốc độ đổi mới công nghệ các DN tăng tối thiểu 15%/năm. Ba là, hệ sinh thái Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo địa phương đạt ở mức phát triển theo các thang cấp độ đánh giá của Bộ KH&CN.
Lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ đón tiếp Hội Doanh nhân trẻ và Tỉnh đoàn đến thăm, làm việc
Các mục tiêu đặt ra đều xuất phát từ nhu cầu thực tiễn; đẩy mạnh cơ chế khoán chi trong nghiên cứu khoa học; nghiên cứu phải gắn liền với địa chỉ ứng dụng...; đẩy mạnh đầu tư, nâng cao năng lực đơn vị sự nghiệp công lĩnh vực KH&CN, nhất là năng lực tự chủ kinh phí. Thời gian tới, Sở KH&CN sẽ đẩy mạnh triển khai các chính sách đặc thù của tỉnh về khuyến khích ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ vào đời sống, sản xuất, các chính sách hỗ trợ DN, nhất là DN nhỏ và vừa. Sở tiếp tục nghiên cứu cải tiến, đổi mới công nghệ, áp dụng các tiến bộ KH&CN nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa và sức cạnh trạnh.
Thời gian tới, ngành tích cực tham mưu, phối hợp triển khai hiệu quả các chương trình, đề án, dự án trọng điểm quốc gia về các chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030 (Quyết định 2205/QĐ-TTg, ngày 24/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ); Chương trình Quốc gia hỗ trợ DN nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2021-2030 (Quyết định 1322/QĐ-TTg); Chương trình Đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2030 (Quyết định số 118/QĐ-TTg); Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2030 (QĐ 157/QĐ-TTg); Kế hoạch tổng thể nâng cao năng suất dựa trên nền tảng khoa học và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021-2030 (QĐ 36/QĐ-TTg),... Có thể thấy, ngành KH&CN đang từng bước hiện thực hóa mục tiêu đề ra, sẵn sàng đồng hành cùng sự phát triển của tỉnh trong mọi giai đoạn./.
Gia Hân