Tiếng Việt | English

19/06/2022 - 15:15

Kiến Tường tiếp tục gỡ khó, đẩy mạnh sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao

Những năm qua, chương trình sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC) trên địa bàn thị xã Kiến Tường mang lại những hiệu quả nhất định, góp phần tạo ra sản phẩm nông nghiệp chất lượng, nâng cao thu nhập cho nông dân.

Giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận

Hiện tại, thị xã Kiến Tường, tỉnh Long An đã hoàn thành quy hoạch vùng lúa ƯDCNC 5.456ha. Trong đó, xã Thạnh Hưng 2.164ha, xã Tuyên Thạnh 1.574ha, xã Bình Hiệp 991ha, xã Bình Tân 175ha, xã Thạnh Trị 398ha, phường 2 là 154ha.

Từ năm 2020 đến năm 2021, Phòng Kinh tế thị xã chủ trì, phối hợp Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp, Hội Nông dân thị xã và UBND các xã trong vùng quy hoạch tổ chức tuyên truyền, vận động người dân tham gia thực hiện 11 mô hình sản xuất lúa ƯDCNC với diện tích 550ha, có 149 hộ tham gia, kinh phí hỗ trợ trên 1,3 tỉ đồng. Qua đánh giá kết quả thực hiện mô hình, đa số nông dân bắt đầu thay đổi tập quán canh tác; áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất; sử dụng giống lúa xác nhận; giảm lượng giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật;... Lợi nhuận bình quân trong mô hình tăng từ 16,6 - 26,5%/ha so với bên ngoài.

Thị xã Kiến Tường đã hoàn thành quy hoạch vùng lúa ứng dụng công nghệ cao 5.456ha

Ông Lê Văn Chinh (ấp Cả Gừa, xã Thạnh Hưng) cho biết: “Khi tham gia thực hiện mô hình, nông dân áp dụng các kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất như gieo sạ thưa, áp dụng quy trình “1 phải, 5 giảm”, “1 phải, 6 giảm”, đầu tư cơ giới hóa từ khâu làm đất đến khi thu hoạch,... Nhờ đó, chi phí sản xuất giảm 2-3 triệu đồng/ha, tăng hiệu quả kinh tế”.

Đến nay, 100% diện tích vùng lúa ƯDCNC trên địa bàn thị xã được đê bao khép kín; 100% đường trục chính nội đồng trong vùng quy hoạch được cứng hóa, bảo đảm phương tiện cơ giới phục vụ sản xuất lưu thông thuận tiện. Bên cạnh đó, 10 trạm bơm điện đang hoạt động hiệu quả đã giúp 32,56% diện tích trong vùng bảo đảm tưới, tiêu. Thị xã đang đầu tư và kêu gọi đầu tư xây dựng 14 trạm bơm điện, trong đó có 2 trạm bơm điện thuộc dự án VnSAT hỗ trợ và 12 trạm bơm điện đã được UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch thực hiện trong giai đoạn 2021 - 2025. Các địa phương đã thành lập được 7 hợp tác xã hoạt động trên lĩnh vực nông nghiệp trong vùng lúa ƯDCNC, hỗ trợ nông dân sản xuất ngày càng hiệu quả hơn.

Lúa công nghệ cao nhưng giá bán chưa cao

Dù đạt những kết quả tích cực nhưng chương trình phát triển vùng lúa ƯDCNC trên địa bàn thị xã cũng gặp nhiều khó khăn. Việc triển khai, nhân rộng các mô hình sản xuất lúa ƯDCNC chưa bền vững. Diện tích cánh đồng lớn theo hình thức liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản còn thấp so với diện tích gieo sạ của thị xã, số lượng doanh nghiệp tham gia chưa nhiều. Các hợp tác xã hoạt động hiệu quả chưa cao, còn tư tưởng trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Đầu ra sản phẩm chưa ổn định, giá bán chưa cao so với ngoài vùng quy hoạch,...

Nông dân trong vùng quy hoạch phun thuốc bằng máy bay điều khiển từ xa

Phó Chủ tịch UBND xã Thạnh Hưng - Nguyễn Phú Quốc thông tin: Địa phương được quy hoạch, triển khai, thực hiện 2.164ha lúa ƯDCNC. Nhìn chung, nông dân sản xuất trong mô hình đều áp dụng khoa học - kỹ thuật, từ đó giảm chi phí đầu tư, tăng lợi nhuận. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là chỉ có khoảng 30% diện tích lúa ƯDCNC của xã được doanh nghiệp bao tiêu.

Vụ lúa Hè Thu 2022, toàn thị xã xuống giống được 14.483ha, đạt 100% kế hoạch. Đến thời điểm hiện tại, nông dân đã thu hoạch hơn 2.000ha, năng suất từ 7 - 8 tấn/ha, còn trên 10.000ha trong giai đoạn đẻ nhánh, số còn lại đang giai đoạn mạ và làm đòng, nông dân tích cực chăm sóc. Hiện giá lúa dao động từ 5.700-5.900 đồng/kg tùy từng loại giống, nông dân có lợi nhuận thấp do giá vật tư nông nghiệp tăng cao trong thời gian qua.

Ông Đinh Văn Ri (ấp Gò Ớt, xã Tuyên Thạnh) chia sẻ: "Sản xuất lúa ƯDCNC bước đầu mang lại hiệu quả nhưng diện tích sản xuất còn thấp. Tôi mong rằng, Nhà nước có chính sách kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư, bao tiêu sản phẩm, quan tâm hỗ trợ đầu ra cho nông dân. Có như vậy mới thu hút được đông đảo nông dân tham gia các mô hình".

Để thực hiện thành công chương trình vùng lúa chất lượng cao và ƯDCNC, địa phương đang tranh thủ các nguồn vốn hỗ trợ từ các dự án, chương trình của tỉnh đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển nông nghiệp; đồng thời, tăng cường hoạt động liên kết, hợp tác với doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh đó, địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nông dân tham gia tổ hợp tác, hợp tác xã nhằm tổ chức lại sản xuất theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, góp phần tạo ra những sản phẩm có giá trị cao, tăng thu nhập cho nông dân./.

Kỳ Nam - Tuấn Hùng

Chia sẻ bài viết