Tiếng Việt | English

21/08/2017 - 20:09

Du lịch ở xứ biển Bình Định

Kỳ 1: Trải nghiệm thành phố biển Quy Nhơn

Trên đường đi ra Bắc bằng ôtô, khi qua Ghềnh Ráng (Bình Định), nhìn xuống biển Quy Nhơn về đêm nhấp nháy ngàn vạn ánh đèn thuyền chài và bên trong thành phố rực sáng như 2 cánh tay từ chân núi Ghềnh Ráng dang ra và từ bán đảo Phương Mai vòng lại như ôm biển vào lòng.

Xem rạn san hô với các sinh vật biển ở Kỳ Co

Theo tư liệu, từ thời Minh Mạng, nơi đây là thương cảng lớn, có tầm quốc tế. Gắn với Cảng Quy Nhơn là Cảng Thị Nại (cảng Nước Mặn).

Theo tác giả Nguyễn Thanh Quang, nổi bật trong hệ thống thương cảng kết nối với thế giới với thị trường Nam Á và Tây Á là Cảng Thị Nại. Sau khi chiếm Việt Nam, một trong những nơi Pháp buộc triều đình Huế phải mở cửa cho người nước ngoài vào buôn bán là Cảng Thị Nại.

Cảng biển, cảng cá Quy Nhơn ở ngay trong lòng thành phố. Cầu Thị Nại vượt biển dài hơn 6km nối TP.Quy Nhơn với bán đảo Phương Mai và Khu công nghiệp Nhơn Hội với những cụm công nghiệp, sân golf,... đến giáp làng chài Nhơn Lý với những công trình phục vụ du lịch biển, đảo và nghỉ dưỡng.

Tại đây, du khách mua vé canô (loại 12-16 chỗ) đi bãi tắm Kỳ Co. Canô lướt sóng ào ào, 12 phút sau là tới eo biển Kỳ Co với bãi cát trắng, sạch trải dưới chân núi Eo Gió. Nhiều du khách phượt bằng môtô trên đường đèo rồi đổ xuống bãi biển. Biển xanh ngắt, trong veo đến có thể nhìn thấy cát dưới chân mình cũng sạch. Từ đây, du khách muốn đi cù lao Xanh thì mua vé lên canô, đi chừng 10 phút là tới cù lao với các rạn san hô muôn hồng ngàn tía.

Rời bãi tắm Kỳ Co, trên đường về, canô dừng lại bên dãy núi đảo Eo Gió với tầng tầng đá tảng. Du khách đeo kính lặn, nằm trên tấm mút nổi lềnh bềnh trên sóng biển, úp mặt lên nệm và mở to mắt để xem rạn san hô đủ màu dưới đáy biển trong veo.

Đêm, TP.Quy Nhơn lộng lẫy mà hiền lành. Có đến 2 nhà sách to bên trung tâm thương mại. Siêu thị Co.opMart cũng ở gần đó. Chợ trung tâm Quy Nhơn 2 tầng rộng mênh mông, có thang máy cuốn lên lầu tràn ngập hàng hóa. Bãi biển Quy Nhơn nhộn nhịp từ 5 giờ và từ 17 giờ, du khách tắm biển, tập thể dục, dạo chơi,... Ghế nằm đặt đầy ra đó, ai thích cứ nằm thoải mái, không ai bắt trả tiền!

Từ bãi biển Quy Nhơn nhìn lên hòn núi xanh nổi bật hàng chữ “Ghềnh Ráng Tiên Sa”. Tiên Sa xuất phát từ truyền thuyết dân gian về mối tình giữa cô gái con nhà ngư phủ yêu chàng ngư phủ nghèo. Nàng đẹp như tiên sa khiến viên quan sở tại háo sắc, rắp tâm chiếm đoạt. Y buộc nàng trong vòng một tháng phải nộp cho y 10kg yến sào, nếu không thì phải về làm tì thiếp cho y.

Người yêu nàng quyết dong thuyền ra biển tìm yến. Quá một tháng chưa thấy chàng về, nàng sợ viên quan ác bắt, bèn bỏ trốn. Quan cho quân truy tìm. Lúc ấy, chàng đang trên đường về, bị bão bất ngờ khiến thuyền và túi yến sào chìm xuống đáy biển, còn chàng thì bị sóng đánh giạt vào chân Ghềnh Ráng.

Chuyện kết thúc bằng cuộc trùng phùng giữa chàng và nàng trên dòng suối trời mới mở như cõi tiên đón đôi trẻ về xây tổ uyên ương. Nơi đây, năm 1927, vua Bảo Đại ngự du, thấy phong cảnh quá đẹp, bèn cho xây dinh thự để nghỉ mát và săn bắn.

Còn Hoàng hậu Nam Phương thì phát hiện dưới chân Ghềnh Ráng có bãi đá sáng bóng như trăm ngàn quả trứng xếp lên nhau trải lên bãi biển. Nước biển trong veo mê đắm Hoàng hậu. Đó là bãi tắm Hoàng hậu cực kỳ nên thơ tồn tại tới bây giờ. Gần đó là dốc Mộng Cầm với mấy chục bậc tam cấp đá đi lên khu mộ Hàn Mặc Tử. Mới đây, Sài Gòn Tourist đầu tư tôn tạo khu mộ thêm phần uy nghiêm.

Từ Ghềnh Ráng, du khách lên xe vượt dốc núi cheo leo, vòng qua bên kia núi là khu Nhà thương phong Quy Hòa và Trung tâm Quốc tế khoa học và giáo dục liên ngành do vợ chồng Việt kiều ở Pháp - GS.TS Trần Thanh Vân dày công sáng lập.

Chiều mát. Gió lộng một vùng thung lũng ba bề núi non bao bọc, còn một bề là biển Quy Nhơn xanh rờn. Một không gian yên tĩnh, xanh sạch hài hòa với thiên nhiên trong lành bởi một bên là núi, một bên là biển. Nhà thương phong Quy Hòa ngày xưa là một không gian khép kín, cách biệt với thế giới bên ngoài.

Ngày nay, y học phát triển, chứng minh bệnh này không có tính lây truyền và có thể chữa khỏi. Bằng chứng là những bệnh nhân phong được chữa lành quần tụ nên một làng chài ở ngay khu nhà thương này. Họ trở thành những ngư dân thực thụ và con cháu của họ đều khỏe mạnh trong những gia đình ấm êm nằm dọc hai bên những con đường nhựa dọc ngang đầy bóng dương và bóng dừa. Nhà thương ngó ra bãi biển; ở đó, dưới bóng dương mát rượi là vườn tượng danh nhân Đông - Tây kim - cổ.

Một góc xóm chài bên trong Nhà thương phong Quy Hòa

Qua khỏi nơi ấy là Đại lộ Khoa học vừa mới khánh thành, dẫn vào chiếc cổng hoành tráng nổi bật hàng chữ ICISE, bên trong có cụm công trình Trung tâm Khoa học Quốc tế (ICISE) do Kiến trúc sư người Pháp Jean Francoi Milou thiết kế, đi vào hoạt động từ 3 năm nay với hàng ngàn lượt nhà khoa học trên thế giới đến tham dự hội thảo, hội nghị và nghiên cứu khoa học.

Cũng bên Đại lộ Khoa học, một công trình hoành tráng với tòa nhà hình tròn khổng lồ, mái như chiếc đĩa bay lên vũ trụ. Đó là Tổ hợp Không gian khoa học, có đài thiên văn, nhà khám phá vũ trụ,... đang xây dựng. Tỉnh Bình Định còn đang xúc tiến việc quy hoạch thiết kế Khu đô thị Khoa học tại thung lũng Quy Hòa rộng tới 130ha. Sau khi hình thành, đây sẽ là khu phố biển chứa đựng các công trình phục vụ khoa học./.

Du ký của Quang Hảo

Kỳ 2: Khám phá quê gốc của Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực 

Chia sẻ bài viết