Tiếng Việt | English

31/05/2019 - 06:35

Kỷ niệm ngày quốc tế thiếu nhi 1-6: Phát huy sự sáng tạo của thiếu nhi

"Kế hoạch nhỏ" là phong trào có sức sống lâu bền của thiếu nhi Việt Nam. Trải qua nhiều năm, phong trào ngày càng khẳng định ý nghĩa và nội dung quan trọng với hoạt động công tác Ðội, nhằm thực hiện lời dạy của Bác Hồ: "Tuổi nhỏ làm việc nhỏ, tùy theo sức của mình". Tuy nhiên, để phong trào không đi vào lối mòn và tránh hình thức, Trường tiểu học Chu Văn An (quận Ngô Quyền, TP Hải Phòng) đã có cách làm đổi mới, phát huy sức sáng tạo và niềm hứng khởi khi tham gia của học sinh.

Học sinh Trường tiểu học Chu Văn An (TP Hải Phòng) sáng tạo mô hình từ phế liệu.
Học sinh Trường tiểu học Chu Văn An (TP Hải Phòng) sáng tạo mô hình từ phế liệu.

Đã từ lâu, làm Kế hoạch nhỏ bằng cách thu gom sách, báo cũ, đồ dùng học tập, vật dụng cá nhân ủng hộ các bạn thiếu nhi vùng sâu, vùng xa đã trở thành hoạt động quen thuộc của nhiều thế hệ học sinh. Với mong muốn phong trào trở nên thiết thực, thu hút sự chung tay vào cuộc hơn từ các em thiếu nhi, Thành đoàn Hải Phòng đã chỉ đạo các cấp đội và liên đội trên toàn thành phố thực hiện đổi mới phong trào Kế hoạch nhỏ. Chị Vương Toàn Thu Thủy, Phó Bí thư Thành đoàn Hải Phòng cho biết: "Trong nhiều năm qua, các em học sinh thực hiện phong trào Kế hoạch nhỏ theo nhiều hình thức: "Hũ gạo tình thương", "Gạch hồng tri ân", "Thu gom phế liệu", "Ðàn gà khăn quàng đỏ"… Chúng tôi hy vọng, việc đổi mới cách thực hiện phong trào, giúp thiếu nhi ở Hải Phòng nói riêng và các tỉnh, thành phố nói chung tăng cường ý thức tiết kiệm, tình yêu với môi trường, chia sẻ với cộng đồng".

Xác định nhiệm vụ trọng tâm đó, năm học 2018-2019, Liên đội Trường tiểu học Chu Văn An đã đổi mới phong trào Kế hoạch nhỏ bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Liên đội phát động phong trào thu gom phế liệu để sáng tạo các sản phẩm hữu ích, thân thiện môi trường thông qua mô hình "Ðưa Stem vào trong trường tiểu học". Từ đó, tổ chức ngày hội Stem nhằm báo cáo kết quả; trưng bày các sản phẩm của các em và bán gây quỹ Kế hoạch nhỏ. Ðồng thời, từng bước đưa ứng dụng các môn khoa học, tự nhiên xã hội, kỹ thuật, toán học vào chương trình Stem – một chương trình trải nghiệm sáng tạo, nhằm tạo ra một môi trường học tập tích cực, góp phần giải quyết các vấn đề thực tiễn nói chung, cũng như trong học tập, sinh hoạt nói riêng. Em Nguyễn Ngọc Thạch (Trường tiểu học Chu Văn An) chia sẻ: "Em cảm thấy rất vui khi tự mình làm ra những món đồ yêu thích với mong muốn gây quỹ Kế hoạch nhỏ. Năm nay, dưới sự hướng dẫn của cô giáo chủ nhiệm, em cùng các bạn trong lớp đã dành thời gian thu gom phế liệu và cùng nhau thiết kế, lắp rắp thành các mô hình".

Sau bốn tháng phát động phong trào, việc sáng tạo thông qua mô hình Stem đã mang đến niềm vui cho thầy và trò Trường tiểu học Chu Văn An qua các giờ học khoa học, kỹ thuật lớp 4, lớp 5 hay giờ học tự nhiên, xã hội, thủ công lớp 1, lớp 2. Không khí giờ học trở nên sôi nổi hơn, các em học sinh có thêm niềm đam mê, sự thích thú khi tự mình làm ra những sản phẩm sáng tạo từ các vật liệu bỏ đi như các que kem, ống nhựa thoát nước, hộp sữa, vỏ ốc... để tạo ra mô hình các ngôi nhà xinh xắn, lược đồ Việt Nam, các giỏ hoa trang trí, hay hình thành những ý tưởng lớn hơn là vườn cây di động… Tất cả đều được làm nên từ sự khéo léo, tinh thần đoàn kết, trí tuệ tập thể của thầy, cô và học sinh nhà trường. Sau khi làm xong mỗi sản phẩm, các thành viên cùng suy nghĩ cách trình bày, giới thiệu sản phẩm, giải đáp thắc mắc của người nghe. Ðiều này giúp tăng khả năng thuyết trình, phản biện cũng như tư duy khoa học.

Tại ngày hội Stem, các em học sinh đã báo cáo những kết quả mà mình đã thực hiện được thông qua các nội dung: "Stem bắt nguồn từ cuộc sống", "Stem gắn liền với lịch sử đấu tranh bảo vệ đất nước", " Stem qua sự tiếp cận chúng em ngày nay". Thông qua phương pháp giáo dục mới vừa học mà chơi, vừa chơi mà học, các bạn học sinh lứa tuổi nhi đồng của nhà trường đã sáng tạo ra nhiều sản phẩm độc đáo, thiết thực với cuộc sống, góp phần ủng hộ, giúp đỡ những bạn học sinh thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn.

Ðề cập vấn đề nêu trên, thầy giáo Phạm Văn Tuấn, Phó Hiệu trưởng Trường tiểu học Chu Văn An, cho biết: "Trường chúng tôi đã đưa giáo dục Stem vào giảng dạy, xây dựng thành chuyên đề Ðội cấp thành phố. Việc gây quỹ bằng hình thức này đem lại tính hiệu quả cao hơn, mang lại sự thích thú cho các em học sinh cũng như tạo sự gắn kết giữa các em học sinh, phụ huynh với nhà trường".

Rõ ràng mỗi gia đình, nhà trường cần có sự thấu hiểu học sinh để tìm ra những phương thức mới, thúc đẩy niềm đam mê học tập cũng như niềm hăng say tham gia các phong trào đội cho các em thiếu nhi. Chính vì vậy, việc đổi mới cách thức triển khai để duy trì phong trào Kế hoạch nhỏ và rèn luyện thói quen tiết kiệm, tình yêu lao động và phát huy sức sáng tạo cho các thế hệ học sinh là điều cần thiết và nên được nhân rộng trong thời gian tới./.

Theo NDO

Stem là tên viết tắt tiếng Anh của các từ: Khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học. Các kiến thức này cần phải được tích hợp, lồng ghép và bổ trợ cho nhau, giúp học sinh không chỉ có hiểu biết về nguyên lý, mà còn có thể thực hành và tạo ra được những sản phẩm trong cuộc sống hằng ngày. Giáo dục Stem còn cung cấp cho học sinh những kỹ năng mềm như giải quyết vấn đề, tư duy phản biện, kỹ năng cộng tác, khả năng giao tiếp và hướng đến thành quả chung của cả đội.
Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích