Khi sinh viên “né” nông nghiệp
Từ một vài năm nay, các trường ĐH thuộc khối Nông – Lâm – Ngư nghiệp đều công bố mức điểm chuẩn vào trường bằng điểm sàn ĐH theo khối thi tuy nhiên vẫn không tuyển đủ chỉ tiêu được giao. Tỷ lệ sinh viên trúng tuyển nhưng không đến nhập học cũng khá cao, có trường chỉ có 1/3 số sinh viên trúng tuyển đến nhập học. Tuyển sinh đã khó, giữ được sinh viên với các trường này cũng không đơn giản. Tình trạng sinh viên chỉ học tạm một thời gian, sau đó thi lại và chuyển sang trường khác thường xuyên xảy ra.
Nguyên nhân khiến các ngành học này "ế" trước hết phải kể đến sự nhận thức của mọi người về ngành học này. Theo PGS.TS Huỳnh Thanh Hùng, phó hiệu trưởng ĐH Nông Lâm TPHCM, nhiều bậc phụ huynh và học sinh đều có tâm lý cho rằng học Nông – Lâm ra trường sẽ xuống ruộng, lội bùn, làm các công việc chân lấm tay bùn hoặc chỉ giữ rừng là cùng. Thực tế, sau khi ra trường các em có thể làm quản lý dự án, chương trình phát triển nông thôn, các cơ sở nghiên cứu ngành nông - lâm- ngư nghiệp cấp huyện, cấp xã, hoặc các Sở NN&PTNT của các địa phương.
Trong khi thế hệ trẻ ở phương Tây cho rằng cuộc sống ở nông thôn là an toàn nhất, thì không ít thanh niên trẻ của Việt Nam, phần lớn xuất thân từ nông thôn lại muốn thoát khỏi cuộc sống nông thôn bằng con đường Đại học. Đây chính là yếu tố quyết định nhận thức nghề nghiệp của không ít thí sinh khi chọn ngành, chọ n trường học cho mình.
Theo lý giải của một số chuyên gia trong ngành Giáo dục, còn có những nguyên nhân sâu xa hơn dẫn đến thực trạng trên đó là: hệ thống các cơ sở đào tạo còn yếu; chương trình đào tạo, bồi dưỡng không cân đối giữa lý thuyết và thực hành; đánh giá nhu cầu đào tạo, kết quả sau đào tạo yếu; phương pháp giảng dạy, học tập chậm đổi mới...
“Đặt hàng” tất cả sinh viên nông nghiệp
Nhu cầu tuyển dụng kỹ sư nông nghiệp rất nhiều trong khi số lượng sinh viên ra trường hàng năm lại ít. Lượn một vòng qua các website tuyển dụng có thể thấy hiện có rất nhiều công ty, xí nghiệp (trong đó có các tập đoàn lớn nhập nguyên liệu từ nước ngoài về để sản xuất và tái xuất khẩu…) đang rao tuyển nhân lực trong lĩnh vực này. Sinh viên các ngành như: Trồng trọt, Bảo vệ thực vật, Khoa học nghề vườn, Chế biến lâm sản... ra trường đều có việc làm với mức lương từ 4,5-6 triệu đồng/tháng. Bên cạnh đó, có không ít công ty đã đến tận trường các trường để tuyển dụng, thậm chí “đặt hàng SV” làm việc cho công ty sau khi ra trường.
Mỗi khóa tốt nghiệp, các công ty, doanh nghiệp trong cả nước như: Viện Nghiên cứu thuốc lá, Công ty thuốc lá phía Nam, Công ty giống cây trồng miền Nam, Công ty cao su Kon Tum, Công ty Nông Hữu (TP.HCM), Công ty Bông Lúa Vàng, Viện Nông nghiệp Việt Nam... đều về trực tiếp tại các trường để tuyển dụng. Thế nhưng, hầu như các trường đào tạo nguồn nhân lực này hằng năm vẫn không thể nào đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của họ. Ngoài ra thị trường nước ngoài cũng có nhu cầu lớn về kỹ sư nông nghiệp có chuyên môn cao và sẵn sàng tiếp nhận lao động Việt Nam với mức thu nhập 40-45 triệu đồng/tháng tại Nhật, 18-23 triệu đồng/tháng tại Lào, Campuchia, 30-34 triệu đồng/tháng tại các nước Trung Đông như UAE, Quatar, Kuwait,…
Hiện cả nước ta mới có 13 trường đại học, cao đẳng có ngành đào tạo về nông, lâm nghiệp; 60% trường trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng nghề, trung cấp nghề, trung tâm nghề có dạy nghề nông, lâm nghiệp. Trong đó có: Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Đại học Lâm nghiệp, Đại học Nông lâm (ĐH Thái Nguyên), Đại học Hải Phòng, Đại học Nông Lâm - ĐH Huế, Đại học Cần Thơ…/.
VOV.VN (Theo Hanoimoi)