Trong không khí cả nước hân hoan kỷ niệm 46 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, chúng tôi có dịp đến thăm những người lính năm xưa từng trực tiếp tham gia chiến đấu để cùng ôn lại quá khứ hào hùng của dân tộc.
1. Hơn 80 tuổi, cựu chiến binh Nguyễn Văn Cậy (khu phố 2, thị trấn Đông Thành, huyện Đức Huệ, tỉnh Long An) vẫn nhớ như in những năm tháng hào hùng. Bên tách trà thơm, ông Cậy bùi ngùi kể chuyện kháng chiến, những câu chuyện mà có lẽ suốt cả cuộc đời này, ông không thể nào quên.
Dù tuổi cao nhưng ông Nguyễn Văn Cậy vẫn nhớ rất rõ những năm tháng hào hùng của tuổi trẻ
Năm 1960, hưởng ứng phong trào Đồng Khởi lan khắp miền Nam. Cũng như bao thế hệ thanh niên lúc bấy giờ, trước cảnh quân thù tàn phá quê hương, ông tham gia công tác thanh niên, hoạt động bí mật tại địa phương rồi tham gia công tác Đoàn tại địa phương (Bí thư Đoàn xã Mỹ Thạnh Tây, Bí thư Huyện đoàn Đức Huệ, cán bộ Ban Tuyên huấn huyện Đức Huệ).
Đến năm 1967, ông tham gia lực lượng bộ đội huyện Đức Huệ, được giao nhiệm vụ Trung đội trưởng Trung đội Pháo binh. Với sức trẻ và lòng căm thù giặc, ông luôn lập được nhiều chiến công. Những năm 1967-1968, ông cùng đồng đội trực tiếp tham gia nhiều trận đánh đồn, chống càn ở Đức Huệ, Đức Hòa,...
Ông Cậy cho biết, dù phải đối mặt với mưa bom, bão đạn của kẻ thù nhưng ông và đồng đội không hề nao núng hay sợ hãi, bởi tinh thần “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” luôn rực cháy. Trận đánh mà ông không bao giờ quên chính là trận đánh ém bót kênh Sáng, xã Bình Hòa Bắc. Tháng 11/1967, nhận lệnh của cấp trên, Trung đội Pháo binh do ông làm Trung đội trưởng đánh ém bót kênh Sáng cho lực lượng tỉnh đánh vào lộ 8. Lúc đó, Trung đội gồm 16 người được trang bị 2 khẩu cối 82 ly, khoảng 20 trái pháo và gần chục súng bộ binh; trong đêm, địch dùng hỏa lực phản kích, lực lượng Trung đội ông bắn trả và hoàn thành nhiệm vụ hỗ trợ lực lượng tỉnh đánh vào lộ 8.
Sáng hôm sau, biết lực lượng ta còn trụ lại, lực lượng kênh Sáng phản kích, 2 bên bắn trả từ 11 giờ trưa đến 4 giờ chiều, thấy không thể vào được, địch dùng phi cơ bắn phá hủy điểm, khi đó lực lượng ta kịp thời rút lui. Trong trận chiến này, ông đã bị thương bàn tay, 1 đồng chí bị thương và 2 đồng chí khác hy sinh, phía địch chết hơn 10 người.
Từ năm 1969-1975, ông giữ chức vụ Chỉ huy phó, Chính trị viên trưởng Huyện đội Đức Huệ, trong thời gian này, ông trực tiếp chỉ huy và tham gia hàng chục trận đánh lớn, nhỏ (độc lập, phối hợp) vào đồn, bót, chốt, tiêu diệt hàng trăm tên địch. Với sự dũng cảm, mưu trí và lòng yêu nước, ông cùng đơn vị giành nhiều thắng lợi quan trọng, góp phần đưa cuộc chiến đấu giành độc lập, tự do cho dân tộc đi đến ngày toàn thắng.
Hòa bình lập lại, ông tiếp tục giữ chức vụ Chính trị viên trưởng, Huyện đội trưởng Huyện đội Đức Huệ đến năm 1985. Thời điểm năm 1977-1979, bọn phản động Pol Pot-Ieng Sary mở cuộc tiến công với quy mô lớn dọc biên giới Campuchia - Việt Nam, tàn sát nhân dân ta, phá hoại nhiều làng mạc, tài sản,... Ông Cậy cùng đồng đội tiếp tục cuộc chiến bảo vệ tuyến biên giới Tây Nam. Năm 1986, ông giữ chức vụ Chủ tịch UBND huyện Đức Huệ; đến năm 1997, ông về nghỉ theo chế độ.
Chiến tranh lùi xa nhưng ký ức về những năm tháng chiến đấu gian khó nhưng rất đỗi tự hào, vẫn vẹn nguyên trong tâm trí của người lính 81 tuổi đời, 55 tuổi Đảng. Hiện nay, không còn tham gia công tác, ông Cậy luôn sống có trách nhiệm với gia đình, địa phương, con cháu ngoan hiền, thành đạt, được mọi người xung quanh kính trọng.
2. Vào một ngày đầu tháng tư lịch sử, dưới cái nóng như thiêu đốt của vùng biên giới, chúng tôi đến thăm cựu chiến binh Trần Vinh. Căn nhà cấp 4 của ông nằm nép sâu trong tuyến kênh Đòn Dong, ấp Vĩnh Bửu, xã Vĩnh Đại, huyện Tân Hưng. 73 tuổi nhưng ông còn nhanh nhẹn lắm, giọng nói sang sảng. Khi chúng tôi hỏi về kỷ niệm trong những năm chiến đấu, ký ức của một thời kề vai, sát cánh cùng đồng đội chợt ùa về, ông bồi hồi kể lại: Năm 1962, tròn 14 tuổi, ông tham gia du kích hoạt động bí mật tại địa phương, chịu trách nhiệm nắm tình hình địch để báo cho bộ đội ta. Năm 1966-1968 tham gia vào lực lượng bộ đội tỉnh Kiến Tường, tham gia cơ sở mật, Ban Binh vận Vùng 8. Năm 1972, được điều ra làm Xã đội trưởng xã Vĩnh Châu, đến năm 1973 được đưa đi học đặc công 12 tháng sau khi trở về công tác tại Đội biệt lập Vùng 8 Kiến Tường. Đến năm 1975, chiến đấu tại Tiểu đoàn 504 Kiến Tường.
Từ những chiến công, ông Trần Vinh được Nhà nước trao tặng Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Ba
Ông Vinh nhớ lại: "Trong suốt những năm binh nghiệp của mình, tôi tham gia khá nhiều trận đánh và trận đánh mà tôi nhớ nhất có lẽ là trận đánh đồn Mới (đồn kênh Phước Xuyên)". Khoảng 12 giờ trưa ngày 12/3/1973, sau khi hợp đồng tác chiến cùng Đội công tác biệt lập xã Vĩnh Châu, Ban Binh vận Vùng 8, ông cùng đồng chí Cheng và đồng chí Tuốt mang theo 2 khẩu AK, 1 khẩu M79, đi trên xuồng máy, ngụy trang tiến sát đồn. Khi đến đồn, ông cùng 2 đồng chí bắn hạ 1 tên địch, 1 tên khác bị thương, lúc này lính trong đồn chạy tán loạn. Sau đó, cùng với Đội công tác biệt lập xã Vĩnh Châu và Ban Binh vận vây ráp, hơn 30 tên địch ra đầu hàng, thu giữ hàng chục súng các loại, 2 máy truyền tin.
Trong suốt những năm binh nghiệp của mình, ông tham gia hàng chục trận chống càn, đánh đồn, bót. Trong quá trình tham gia đánh trận, ông luôn giữ lập trường kiên định, mưu trí, nhạy bén, tiêu diệt và bắt sống nhiều tên địch. Mỗi trận đánh đều để lại trong ông niềm tự hào, một niềm vui sướng khôn tả vì góp phần vào công cuộc đánh đuổi kẻ thù xâm lược. Từ những chiến công đó, ông được Nhà nước trao tặng Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Ba.
Sau khi hòa bình lập lại, đất nước thống nhất, ông tiếp tục giữ chức vụ Xã đội trưởng xã Vĩnh Đại, huyện Vĩnh Hưng; năm 1978 tham gia chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và sau đó, ông xin nghỉ về nhà làm kinh tế. Dù ở cương vị nào, ông cũng luôn thể hiện tính tiên phong, cương trực, hết lòng phục vụ vì cách mạng, vì quê hương, đất nước, vì nhân dân. Hiện nay, hàng ngày, ngoài việc sản xuất phục vụ đời sống gia đình, ông luôn vận động và giáo dục con cháu tiếp bước truyền thống cha ông, cùng với địa phương xây dựng quê hương giàu đẹp.
Thật cao cả biết bao với tấm lòng của những người chiến sĩ Cụ Hồ, tất cả họ hầu như sống cho thế hệ mai sau. Kể sao cho hết những đóng góp và việc làm cao cả của những người chiến sĩ năm xưa, họ đã một đời cống hiến không mệt mỏi cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, mang lại sự bình yên cho nhân dân. Họ là những ngọn đèn soi sáng cho thế hệ trẻ hôm nay noi theo./.
Văn Đát