Tiếng Việt | English

05/08/2021 - 09:29

Làm anh khó đấy!

Có lẽ thế hệ 7x, 8x đã quá quen với bài thơ Làm anh khó đấy của tác giả Phan Thị Thanh Nhàn: “Làm anh khó đấy/ Phải đâu chuyện đùa/Với em gái nhỏ/ Phải người lớn cơ...”. Câu chuyện “làm anh” đó đã theo nhiều thế hệ nhưng đến nay vẫn còn nhiều vấn đề cần bàn.

Tôi có người bạn là bác sĩ tâm lý. Bạn tôi kể, vừa rồi có tiếp nhận một “khách hàng” nhí đến phòng khám với bà ngoại. Ban đầu, cậu bé 9 tuổi tỏ ra cứng đầu, ngỗ nghịch nhưng khi được bác sĩ bắt “đúng mạch”, cậu khóc nức nở như đã chịu ấm ức lâu lắm rồi. Quốc Hưng (tên cậu bé) là con trai lớn trong gia đình khá giả. Cậu bé được cưng chiều từ nhỏ nên luôn xem mình là nhất. Mọi việc trở nên rắc rối từ khi mẹ cậu sinh em bé. Từ vị trí độc tôn, Hưng bỗng dưng bị “ra rìa” vì cha mẹ bận chăm em nên ít quan tâm đến cậu. Áp lực công việc lại chăm con nhỏ nên có những lúc, cha mẹ thiếu kiềm chế, la mắng khi Hưng phạm lỗi.

Chính điều này đã khiến cậu bé nghĩ cha mẹ có em rồi nên không còn thương mình nữa. Tính ích kỷ luôn có trong mỗi đứa trẻ lại không được cha mẹ giải thích, chia sẻ nên Hưng rất ghét em. Có lần, mẹ pha bình sữa cho em, thấy vậy, cậu bé liền đem đổ hết sữa để em khỏi uống. Những “tổn thương” trong lòng cậu bé cứ lớn dần khi thấy cha mẹ chăm sóc em mà “bỏ quên” mình. Muốn được quan tâm, Quốc Hưng bày nhiều trò phá phách để gây sự chú ý nhưng cậu bé đâu biết chính những hành động đó lại làm cha mẹ thêm mệt mỏi và không ít lần Hưng đã “ăn” đòn vì những trò quậy phá của mình. Vừa rồi, do không chăm nổi cùng một lúc 2 đứa trẻ, cha mẹ Hưng gửi cậu bé về nhà ngoại. Thấy những biểu hiện lạ của cháu và muốn tham khảo cách giáo dục trẻ hiệu quả, bà ngoại đã đưa Hưng đến bác sĩ tâm lý.

Ảnh minh họa: Internet

Với những lời khuyên và chia sẻ của bác sĩ, dần dần Hưng cũng cởi mở và thương yêu em hơn trước. Trong những trường hợp như thế, cha mẹ không nên dùng đòn roi vì điều đó càng làm trẻ cảm thấy tủi thân, cô đơn và cho rằng vì em mà cha mẹ đánh mình. Và điều quan trọng hơn, chính cha mẹ phải là người chuẩn bị tâm lý để các con quen dần với những thay đổi sau khi có em.

Làm anh khó đấy, quả thật đúng như vậy bởi trước khi có em, đứa trẻ nào cũng nghĩ mình được thương yêu nhất nên khi phải san sẻ tình cảm với em là một việc khó chấp nhận. Chia sẻ về vấn đề “làm anh”, Thùy Trang - học sinh Trường THCS Lê Đại Đường (huyện Tân Trụ), còn nhớ như in cái ngày quyết định “bỏ nhà ra đi” chỉ vì mẹ thương em hơn thương mình.

Thùy Trang kể: Năm mình học lớp 5 thì mẹ sinh em bé. Lúc trước, mỗi ngày, mẹ đều chở mình đi học nhưng từ khi có em, mẹ phải nhờ cậu đưa đón mình. Từ lúc có em, mình phải dọn ra phòng riêng, không còn được ngủ chung với cha mẹ nữa. Lúc đó, mình rất ghét em, giống như là em giành mất cha mẹ của mình vậy. Rồi một lần, chiều tan học, cậu đi chơi với bạn mà quên đón mình. Mẹ lại tưởng cậu chở mình về bên ngoại. Sau khi chờ gần 1 tiếng đồng hồ, mình quyết định bỏ đi… tìm cha mẹ ruột. Từ khi có em, mình cứ nghĩ cha mẹ là cha mẹ nuôi, chỉ thương em, không thương mình nên dự định một ngày nào đó sẽ đi tìm mẹ ruột. Lần đó, cả gia đình nội, ngoại đều vất vả đi tìm mình.

Đã 3 năm qua nhưng mỗi lần nhớ đến chuyện cũ, Thùy Trang vẫn còn mắc cỡ bởi sự cạn nghĩ của mình. Đến giờ thì Trang chăm em giỏi lắm rồi, biết đút cơm, pha sữa, chơi cùng em. Mỗi lần được đi nhà sách, điều đầu tiên là Trang đến khu vực bán đồ chơi, chọn món đồ mua cho em.

Làm anh khó đấy, làm anh phải biết yêu thương, chăm sóc em, không ganh tị và không giành đồ chơi với em cũng giống như đoạn thơ cuối trong bài: “Làm anh thật khó/ Nhưng mà thật vui/ Ai yêu em bé/ Thì làm được thôi” ./.

Kiều Trang

Chia sẻ bài viết