Tạo thói quen đọc báo in cho học sinh
Tin tức trong nước, quốc tế, thời sự, chính trị là những chuyên mục hấp dẫn đối với Nguyễn Đức Nhật Tiến (SN 2007, HS Trường THPT Đức Hòa, huyện Đức Hòa). Tiến thường xuyên đọc Báo Thanh Niên, Báo Tuổi Trẻ,... để cập nhật những thông tin mới nhất. Bên cạnh đó, để nắm bắt tình hình thời sự trên địa bàn tỉnh, Tiến cũng dành thời gian đọc tin tức trên Báo Long An và xem các bản tin của Đài Phát thanh và Truyền hình Long An.
Tiến có thói quen đọc báo từ nhỏ, em chủ yếu đọc thông tin trên Internet, báo điện tử. Còn trong thời gian học tập tại Trường THPT Đức Hòa, em được đọc báo in ở thư viện. Tiến chia sẻ: “Để tiếp cận thông tin đúng, chính xác, em thường ưu tiên đọc các trang báo chính thống do Nhà nước quản lý và được nhiều độc giả tin tưởng. Tại thư viện, em được đọc nhiều loại báo mới, tiếp cận đa dạng thông tin và biết thêm nhiều kiến thức bổ ích".
Trong thời đại công nghệ thông tin, HS dễ dàng cập nhật tin tức ở bất cứ đâu thông qua các thiết bị thông minh. Tuy nhiên, báo in vẫn chiếm vị trí quan trọng bởi tính chính thống khi được kiểm duyệt kỹ lưỡng hơn, nhiều nội dung có chiều sâu, được đầu tư và đem lại trải nghiệm đọc chân thật. Đặc biệt, với môi trường học đường, đọc báo in còn góp phần trau dồi tư duy phản biện, cải thiện vốn từ ngữ cho HS. Phụ huynh có thể yên tâm vì con em được tiếp cận với các nguồn thông tin chất lượng, đúng đắn, phù hợp thuần phong, mỹ tục.
Học sinh Trường THCS Lợi Bình Nhơn (TP.Tân An) đọc báo tại thư viện
Đây cũng là mục tiêu mà Trường THCS Lợi Bình Nhơn (TP.Tân An) hướng đến khi phát động phong trào đọc báo in trong trường học. Vào giờ ra chơi, ngoài căng tin hay sân trường, thư viện còn là nơi nghỉ ngơi lý tưởng đối với nhiều HS. Khi đến đây, các em có thể đọc nhiều loại sách hay, tham khảo tài liệu và cập nhật kiến thức qua nhiều tờ báo được trưng bày. Mỗi ngày, thư viện mở vào giờ giải lao của từng buổi học sáng và chiều, từ thứ hai đến thứ sáu.
Theo giáo viên Lê Thị Tiến, hiện kiêm nhiệm Thư viện, nhà trường luôn khuyến khích HS tạo thói quen đọc sách, báo. Cô Tiến cho biết: “Mỗi quí, trường sẽ chi hơn 1 triệu đồng để đặt mua 6 đầu báo, tạp chí: Báo Long An, Mực Tím, Sức khỏe và Đời sống, Giáo dục, Toán học và Tuổi trẻ, Văn học và Tuổi trẻ. Thư viện đang trang bị các kệ sách để sắp xếp các tờ báo, tạp chí cho HS thuận tiện đến đọc tại chỗ. Bên cạnh đó, các thầy cô và HS có thể sử dụng dàn máy vi tính được bố trí trong góc phòng để đọc sách, báo điện tử, tìm kiếm tài liệu”.
Thư viện trường có hơn 4.500 đầu sách, tài liệu. Để góp phần phát triển văn hóa đọc cho HS, thư viện còn phát động thêm nhiều phong trào tặng sách giáo khoa cũ, sách tham khảo cũ, tổ chức nhiều cuộc kể chuyện dưới cờ, kể chuyện về Bác Hồ, làm tập san để khuyến khích HS có thói quen đọc.
Đọc và làm theo báo đội
Những Tủ sách Bác Hồ, Măng non, Kim Đồng với nhiều tờ báo Đội dần trở nên quen thuộc với HS Trường THCS Phước Vân (huyện Cần Đước) và Trường Tiểu học - THCS Thạnh An (huyện Thạnh Hóa). Đây là phong trào do Tỉnh Đoàn triển khai rộng rãi đến các trường học trên địa bàn tỉnh trong năm học 2023-2024. Từ đó, các em HS có thể tiếp cận nhiều loại sách, báo phù hợp lứa tuổi, rèn luyện kỹ năng đọc hiểu, viết, cập nhật thông tin về đội viên trên cả nước. Không những vậy, phong trào còn giúp giảm thiểu tác hại của việc sử dụng điện thoại quá mức ở trẻ, góp phần cho trẻ học hỏi và làm theo những điều tích cực, rèn luyện đạo đức và lối sống tốt đẹp, phấn đấu trở thành con ngoan, trò giỏi, cháu ngoan Bác Hồ.
Hoạt động Đọc và làm theo báo Đội thu hút nhiều học sinh Trường THCS Phước Vân (huyện Cần Đước) tham gia
Giáo viên Tổng phụ trách Đội Trường THCS Phước Vân - Nguyễn Ngọc Trâm thông tin: “Mỗi quí, Liên đội trường đều phối hợp thư viện đặt mua báo phù hợp với HS cấp 2 như Báo Thiếu niên Tiền phong, Mực tím, Hoa học trò,... Chi phí hàng quí là 643.600 đồng. Báo được đặt trong phòng truyền thống, nằm chung dãy các lớp học nên thuận tiện cho HS đến đọc. Vào mỗi giờ ra chơi, Ban Chỉ huy Liên đội sẽ thay phiên nhau mở cửa phòng để cho các em đến đọc”.
Để HS biết đến mô hình, trường còn tổ chức tuyên truyền tại buổi sinh hoạt dưới cờ. Theo cô Trâm, các em đều hào hứng với mô hình mới vì có thêm hoạt động giải trí sau giờ học căng thẳng. Cô Trâm hy vọng: “Trong tương lai, Liên đội mong muốn có thể phối hợp thư viện để tạo điều kiện cho HS mượn sách, báo Đội về nhà đọc; đồng thời, mở rộng phòng truyền thống để làm nơi sinh hoạt cho HS, tạo không gian cho nhiều lượt em đến đọc báo hơn”.
Tham gia sôi nổi vào phong trào Đọc và làm theo báo Đội còn có Trường Tiểu học - THCS Thạnh An (huyện Thạnh Hóa). Theo giáo viên Tổng phụ trách Đội của trường - Nguyễn Thị Kim Hằng, nhà trường mua 4 cuốn báo Đội mỗi tháng. Có nhiều loại báo như Thiếu niên Tiền phong, Học trò cười, Nhi đồng chăm học, Cười vui, Măng non, Thiếu nhi dân tộc, Khoa học khám phá, Kỹ năng sống, Khăn quàng đỏ,...
Trong ngày phát động phong trào Đọc và làm theo báo Đội, học sinh Trường Tiểu học - THCS Thạnh An (huyện Thạnh Hóa) được đọc nhiều loại báo, tạp chí mới, bổ ích
“Mỗi tuần, Liên đội sẽ tổ chức 3 ngày cho đội viên đến đọc sách, trong đó có 1 ngày dành riêng để đọc báo Đội. Trong buổi đọc báo Đội, đại diện Ban Chỉ huy Liên đội sẽ cùng tham dự để chia sẻ những câu chuyện hay, gương sáng của các đội viên trên báo, từ đó khơi gợi niềm đam mê đọc sách và tạo thói quen tốt cho HS. Để lan tỏa rộng rãi thông điệp của phong trào, nhà trường yêu cầu mỗi lớp cử ít nhất 3 em tham gia đọc báo Đội, luân phiên nhau hàng tuần” - cô Hằng cho biết.
Đọc báo in là một hoạt động bổ ích góp phần để HS phát triển toàn diện. Nhờ các hoạt động thiết thực và ý nghĩa, phong trào đọc sách, báo dần lan tỏa trong môi trường học đường, góp phần định hướng đạo đức và lối sống cho thế hệ trẻ, giúp các em trở thành những công dân có ích cho xã hội./.
Hoàng Lan