Vào mùa mai tết
Thời điểm này, những người trồng mai tại xã Tân Thành, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An tất bật chăm bón, tỉa cành và canh ngày cho mai rụng lá để nở hoa đúng dịp tết. Mỗi người một việc, ai cũng mong muốn vườn mai thật tốt, thật đẹp để bán được giá, tăng thu nhập cho gia đình và mang lại mùa xuân vui tươi, may mắn cho mọi người.
Vườn mai gia đình ông Lương Văn Nhỏ sẵn sàng phục vụ tết
Ngày thường, tôi thuê 10 nhân công làm vườn, thời gian này tăng lên 30-40 người/ngày mới kịp phục vụ nhu cầu thị trường tết. Khoảng ngày 11 tháng Chạp, tôi xử lý cho mai rụng lá để 25 tháng Chạp là ra nụ và sẽ nở rực rỡ vào đúng những ngày tết”.
Ông Lương Văn Nhỏ, ấp 3, xã Tân Thành, huyện Thủ Thừa
|
Một trong những hộ trồng mai lâu năm tại xã Tân Thành là gia đình ông Lương Văn Nhỏ (56 tuổi), ngụ ấp 3. Ông Nhỏ trồng mai hơn 10 năm nay. Bắt đầu từ 1ha trồng thử nghiệm, thấy hiệu quả nên ông mở rộng diện tích vườn mai qua từng năm, đến nay lên đến 12ha. Không chỉ trồng để bán gốc mai lớn, mai bông mà ông còn cung cấp cây giống cho người dân, thương lái trong và ngoài tỉnh. Ông Nhỏ cho biết: “Tôi bán mai giống và mai gốc quanh năm nhưng đến dịp tết thì số lượng nhiều hơn”.
Mỗi hécta, ông Nhỏ trồng 7.000 gốc mai. Khi mai được 6-7 tháng tuổi, ông bắt đầu cắt, tỉa cành, tạo dáng, đến khi mai được 3 năm tuổi thì xử lý rụng lá để bán vào dịp tết. “Ngày thường, tôi thuê 10 nhân công làm vườn, thời gian này tăng lên 30-40 người/ngày mới kịp phục vụ nhu cầu thị trường tết. Khoảng ngày 11 tháng Chạp, tôi xử lý cho mai rụng lá để 25 tháng Chạp là ra nụ và sẽ nở rực rỡ vào đúng những ngày tết. Tôi thường bán mai theo hécta, thương lái đến mua và tiếp tục xử lý để bán gốc mai ra thị trường. Riêng mai bông, tôi chỉ bán khoảng 1.000 gốc/năm vào dịp tết” - ông Nhỏ chia sẻ.
Được biết, Tân Thành hiện có 150ha mai. Đây là một trong những cây trồng hiệu quả, mang lại thu nhập ổn định cho nhà vườn, nhất là vào dịp tết.
Bánh tráng vào xuân
Làng nghề bánh tráng phường 5 vào xuân
Các lò bánh tráng mang lại thu nhập cho nhiều gia đình vào dịp tết nên ai cũng phấn khởi, làm việc quên mệt mỏi”.
Chị Lê Ngọc Thúy, khu phố Nhơn Hòa 2, phường 5, TP.Tân An
|
Bánh tráng là món ăn quen thuộc của nhiều gia đình ở miền Nam trong những ngày tết. Với đặc thù đó, tết về, làng nghề bánh tráng lại hối hả vào xuân.
Một trong những làng nghề bánh tráng nổi danh tại Long An là làng nghề bánh tráng phường 5, TP.Tân An - nơi mà ngày xưa, nhà nhà, người người làm bánh tráng. Trải qua những thăng trầm, làng nghề bánh tráng phường 5 không còn nhộn nhịp như xưa nhưng nghề này vẫn duy trì và được trao truyền qua nhiều thế hệ. Hiện phường 5 còn hơn 50 lò bánh tráng. Dịp tết này, các lò bánh tráng lại tất bật chuẩn bị hàng phục vụ thị trường.
Vào mùa tết, chị Lê Ngọc Thúy (49 tuổi), ngụ khu phố Nhơn Hòa 2, chuẩn bị 6 tấn gạo 504 và tập trung nhân lực để làm bánh tráng. “Những năm trước, lò bánh tráng của tôi hoạt động mỗi ngày nhưng 2 năm nay, 1 tuần chỉ làm khoảng 2-3 ngày, đến tết mới làm thường xuyên. Các lò bánh tráng mang lại thu nhập cho nhiều gia đình vào dịp tết nên ai cũng phấn khởi, làm việc quên mệt mỏi” - chị Thúy tâm sự.
Làm bánh tráng tuy đơn giản nhưng các công đoạn đều quan trọng và đòi hỏi người làm phải thạo nghề, quen tay từ khâu ngâm gạo, xay bột, sử dụng liều lượng muối vừa đủ, tráng bánh đến phơi bánh,... Các công đoạn này được chị Thúy hướng dẫn tận tình cho con của mình để tham gia làm cùng chị và tiếp tục duy trì nghề truyền thống của gia đình trong tương lai.
Chị Thúy kể: “Ngày trước làm bánh tráng bằng thủ công vừa vất vả, vừa hạn chế số lượng, một lò chỉ làm ra khoảng 20 xấp bánh/ngày (mỗi xấp là 100 cái). Ngày nay làm bằng máy nên đỡ cực hơn mà lại tăng được số lượng đáng kể với 100 xấp/ngày. Tuy nhiên, các công đoạn chuẩn bị, chọn gạo vẫn như trước. Bánh tráng tại phường 5 sử dụng loại gạo 504 - đó cũng là đặc trưng của làng nghề này”.
Hương vị bánh, mứt ngày xuân
Vào mùa tết, gia đình bà Nguyễn Thị Hóa lại tất bật làm bánh
Ngày giáp tết là gia đình tôi làm bánh không ngơi nghỉ bởi nhu cầu mua bánh tăng nhiều. Vất vả là vậy nhưng những người làm bánh ai cũng vui vì có thêm thu nhập, đặc biệt là bánh in Long Hựu được nhiều người biết đến và yêu thích”.
Bà Nguyễn Thị Hóa, ấp Mỹ Điền, xã Long Hựu Tây, huyện Cần Đước
|
“Thấy bánh in là thấy tết” - nhiều người lớn tuổi tại xã Long Hựu Đông, Long Hựu Tây (huyện Cần Đước) thường nói như vậy. Bởi ngày xưa, bánh in Long Hựu chỉ có trong ngày tết. Đó là món ngon mà con, cháu dâng lên bàn thờ để cúng ông bà, tổ tiên mỗi dịp xuân về. Và ai muốn ăn bánh in đều phải chờ đến tết mới có.
Ông Đặng Văn Hòa (63 tuổi), ngụ xã Long Hựu Tây, tâm sự: “Ngày xưa, mỗi dịp tết là nhà nhà lại làm bánh in để cúng ông bà, biếu tặng hay đãi khách đến chúc tết. Khuôn làm bánh in ngày ấy cũng rất quý và hiếm, có khi cả xóm chỉ có 1 khuôn. Nhà nào làm là phải đăng ký để mượn. Thấy không khí làm bánh nhộn nhịp, thoang thoảng mùi thơm của bánh ở khắp xóm là biết tết đến rất gần”.
Ngày nay, dù không còn cảnh nhà nhà làm bánh in mỗi dịp đến tết nhưng thay vào đó, nhiều lò bánh in ra đời, phục vụ bánh in quanh năm, đặc biệt là dịp tết. Và đối với người dân vùng nước mặn này, bánh in Long Hựu ngày tết vẫn giữ nguyên giá trị.
Những tháng gần tết, bà Nguyễn Thị Hóa ép chuối phơi khô để chuẩn bị nguyên liệu làm nhân bánh in Long Hựu. Ảnh: An Nhiên
Thời điểm này, các lò làm bánh in tại Long Hựu Đông, Long Hựu Tây đã chuẩn bị nguyên liệu để làm bánh, góp chút hương xuân cho người dân địa phương và khách hàng trong, ngoài tỉnh. Bà Nguyễn Thị Hóa (61 tuổi), ngụ ấp Mỹ Điền, xã Long Hựu Tây, thổ lộ: “Chuẩn bị cho mùa làm bánh tết năm nay, tôi mua 5 bao bột, 40kg đường, ép sẵn 40kg chuối khô, gừng tươi, đậu phộng và mè. Cứ nguyên liệu nào gần hết là mua bổ sung ngay”.
Nếu ngày thường chỉ làm 3-4 ngày/tuần thì tầm 15 tháng Chạp, bà Hóa bắt đầu làm bánh mỗi ngày đến 30 tết mới kết thúc công việc. Vỏ bánh được làm từ bột nếp chín hòa cùng đường, nhân bánh truyền thống có 2 loại: Nhân chuối, gừng, đậu, mè xào đường và nhân đậu xanh xào đường. Bánh truyền thống thường có hình rồng, phượng. Bánh sau khi cho ra khuôn phải để 1 đêm cho dẻ, kết dính và hòa quyện vỏ bánh, nhân bánh
với nhau.
Bà Hóa nói thêm: “Ngày giáp tết là gia đình tôi làm bánh không ngơi nghỉ bởi nhu cầu mua bánh tăng nhiều. Vất vả là vậy nhưng những người làm bánh ai cũng vui vì có thêm thu nhập, đặc biệt là bánh in Long Hựu được nhiều người biết đến và yêu thích”.
Không chỉ bà Hóa, con dâu của bà cũng làm bánh để cùng bà gìn giữ và lưu truyền nghề truyền thống của quê hương Long Hựu Đông, Long Hựu Tây.
Những nét đẹp của ngày Tết Cổ truyền được lưu giữ, trong đó có một phần từ các làng nghề truyền thống. Và những ngày này, không khí tại các làng nghề càng thêm rộn ràng để kịp cho ra lò những mẻ bánh, mứt thơm ngon phục vụ thị trường tết./.
An Nhiên