Tiếng Việt | English

28/01/2021 - 17:11

Lãnh đạo nêu gương sẽ hạn chế lạm quyền, lộng quyền

“Khi nâng cao được trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là lãnh đạo chủ chốt các cấp sẽ góp phần hạn chế sự tha hóa quyền lực, nhất là lạm quyền, lộng quyền, lợi dụng quyền lực để trục lợi.

Ông Đỗ Việt Hà - Phó Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương nhấn mạnh điều này trong tham luận tại Đại hội lần thứ XIII của Đảng, sáng 28/1.

Nhận thức về nêu gương được nâng lên một bước

Phó Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương cho biết, sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng dạy: Cán bộ là cái gốc của mọi việc. Muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém. Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, nhưng phải có đội ngũ cán bộ đảng viên tiên phong, gương mẫu đi đầu.

Thấm nhuần tư tưởng đó của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong quá trình hoạt động, Đảng ta luôn quan tâm đến công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đặc biệt là vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp và coi đó là nhiệm vụ then chốt.


Ông Đỗ Việt Hà - Phó Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương trình bày tham luận tại Đại hội lần thứ XIII của Đảng

Riêng Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương là đảng bộ lớn, đặc thù, có vị trí, vai trò quan trọng trong hệ thống chính trị, Đảng bộ chủ động chọn 3 khâu đột phá là tiến hành xây dựng và thực hành đạo đức công vụ theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, nâng cao chất lượng chi bộ và tăng cường đổi mới công tác dân vận, nhất là trong cơ quan nhà nước.

“Đẩy mạnh công tác dân vận của cơ quan Nhà nước, trọng tâm là thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở; cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và chất lượng tham mưu chủ trương, chính sách hợp lòng dân với mục tiêu xây dựng và thực hành nền hành chính dân chủ, kỷ cương, công khai, minh bạch và trách nhiệm; sửa đổi lề lối làm việc theo hướng dân chủ hóa, công khai hóa, nêu cao đạo đức công vụ, chống quan liêu, hách dịch, cửa quyền, sách nhiễu nhân dân” – ông Đỗ Việt Hà cho biết.

Và chính thông qua việc triển khai thực hiên 3 khâu đột phá, nhận thức và thực hiện về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp đã được nâng lên một bước.

“Nhiều cán bộ, đảng viên hoạt động trong các môi trường phức tạp, điều kiện khó khăn đã năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; mạnh dạn tìm tòi, thử nghiệm nhiều cách làm mới, đạt hiệu quả cao; nhiều tấm gương không quản ngại nguy hiểm, gian lao, sẵn sàng vào nơi khó khăn, hiểm nguy để bảo vệ, cứu giúp nhân dân đã xuất hiện…” – ông Đỗ Việt Hà nhấn mạnh.

Bên cạnh những thành tích, kết quả đạt được, Phó Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương cho rằng, vẫn còn hạn chế, yếu kém. Trong đó nhận thức về trách nhiệm nêu gương của một số cấp ủy và người đứng đầu cơ quan, đơn vị chưa đầy đủ, sâu sắc và toàn diện.

“Một số nơi việc thực hiện các quy định về trách nhiệm nêu gương trong thời gian qua còn mang tính hình thức, chưa đi vào chiều sâu, thực chất, đôi khi còn qua loa, chiếu lệ, làm theo phong trào, chưa thể hiện bằng những hành động cụ thể, thiết thực, còn nặng về mệnh lệnh hành chính hoặc theo chỉ thị của cấp trên, chưa phải là phong trào mang tính tự giác” – ông Đỗ Việt Hà nói.

Bên cạnh đó, không ít cán bộ, đảng viên thiếu tu dưỡng, rèn luyện, có những biểu hiện “cua cậy càng, cá cậy vây”, quan liêu, xa dân, một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, kể cả ở cấp cao, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, lợi dụng chức vụ, quyền hạn sa vào chủ nghĩa cá nhân, bè phái, “lợi ích nhóm”, tham nhũng, lãng phí,... làm xói mòn niềm tin của nhân dân.

Phó Bí thư Đảng uỷ Khối các cơ quan Trung ương dẫn chứng từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII đến nay, cấp ủy, tổ chức đảng và ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 1.000 tổ chức đảng và hơn 87.000 đảng viên, trong đó, có cả cán bộ lãnh đạo cấp cao, các tướng lĩnh trong lực lượng vũ trang, kể cả đương chức và đã nghỉ hưu, cả cán bộ liên quan đến nhân sự đại hội đảng bộ các cấp…

Chống hành vi “nói một đằng làm một nẻo”

Để việc nêu gương hiệu quả, thiết thực hơn nữa, theo ông Đỗ Việt Hà, toàn Đảng và mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là cấp ủy và người đứng đầu cần tiếp tục thực hiện tốt trách nhiệm nêu gương.

“Mỗi cán bộ, đảng viên phải nghiêm túc, thường xuyên tự kiểm điểm bản thân, thấy đúng phải cương quyết bảo vệ, thấy sai phải quyết liệt đấu tranh, không tranh công, đổ lỗi, dũng cảm nhận khuyết điểm và trách nhiệm. Kiên quyết chống những biểu hiện vi phạm chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; những hành vi “nói không đi đôi với làm” hoặc “nói một đằng làm một nẻo” – ông Đỗ Việt Hà nói.

Cùng với đó là tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, nhất là kiểm tra tổ chức đảng và đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm để xử lý công minh, chính xác, kịp thời theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước, đúng với tinh thần “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không có khoan nhượng, không có đặc quyền, đặc lợi, không có điểm dừng”. 

“Tinh thần trách nhiệm nêu gương không phải tự nhiên mà có, không phải tự nó tồn tại, mà phải thông qua giáo dục, rèn luyện và các biện pháp, chế tài của Đảng và pháp luật. Khi nâng cao được trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là lãnh đạo chủ chốt các cấp sẽ góp phần hạn chế sự tha hóa quyền lực, nhất là lạm quyền, lộng quyền, lợi dụng quyền lực để trục lợi” – ông Đỗ Việt Hà khẳng định.

Chính vì vậy, công tác giáo dục, trách nhiệm nêu gương, rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, thực dụng là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên thật sự trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của cách mạng trong tình hình mới./.

Theo VOV.VN

Chia sẻ bài viết