Tiếng Việt | English

16/02/2018 - 10:20

Lịch sử hình thành Tết Nguyên đán

Theo chữ Hán nôm, Nguyên có nghĩa là bắt đầu, Đán là buổi sớm mai. Tết Nguyên đán tức là Tết bắt đầu của năm, mở đầu cho mọi công việc.

Người Trung Hoa tính theo hệ thống mặt trăng cho nên ngày năm mới rơi vào tháng bắt đầu có trăng, khoảng 4 hay 8 tuần trước khi mùa xuân đến. Ngày chính xác có thể vào khoảng giữa ngày 21/01 hay ngày 21/02 của lịch “Gregorian Calendar” (Lịch Thiên chúa giáo). 

Hoa đào không thể thiếu trong những ngày Tết nguyên đán

Lịch Trung Hoa thành lập không giống lịch Gregorian bởi vì phạm vi của mùa thay đổi. Và mỗi năm có can chi khác nhau (Mậu Tý chẳng hạn) tượng trưng cho 1 trong 12 con Giáp luân phiên theo quy luật Ngũ Hành với chu kỳ 60 năm. 

Tết Nguyên Đán Việt Nam từ xưa dựa theo Lịch Trung Hoa nên thường giống lịch Trung Quốc.

Nguyên nghĩa của từ "Tết" chính là "tiết". Văn hóa Đông Á – thuộc văn minh nông nghiệp lúa nước - do nhu cầu canh tác nông nghiệp đã "phân chia" thời gian trong một năm thành 24 tiết khác nhau (và ứng với mỗi tiết này có một thời khắc "giao thời") trong đó tiết quan trọng nhất là tiết khởi đầu của một chu kỳ canh tác, gieo trồng, tức là Tiết Nguyên Đán sau này được biết đến là Tết Nguyên Đán.

Theo lịch sử Trung Quốc, nguồn gốc Tết Nguyên Đán có từ đời Tam Hoàng Ngũ Đế và thay đổi theo từng thời kỳ.

Đón Tết ở Trung Quốc

Đời Tam đại, nhà Hạ chuộng màu đen nên chọn tháng Giêng, tức tháng Dần là Tết. Nhà Thương thích màu trắng nên lấy tháng Sửu, tức tháng Chạp, làm tháng đầu năm. Nhà Chu ưa sắc đỏ nên chọn tháng Tý, tức tháng mười Một, làm tháng Tết.

Các vua chúa nói trên quan niệm về ngày giờ "tạo thiên lập địa" như sau: giờ Tý thì có trời, giờ Sửu thì có đất, giờ Dần sinh loài người nên đặt ra ngày Tết khác nhau.

Đời Đông Chu, Khổng Tử đổi ngày Tết vào một tháng nhất định là tháng Dần. Đời nhà Tần (thế kỷ 3 TCN), Tần Thủy Hoàng lại đổi qua tháng Hợi, tức tháng Mười.

Đến thời nhà Hán, Hán Vũ Đế (140 TCN) lại đặt ngày Tết vào tháng Dần, tức tháng Giêng. Từ đó về sau, không còn triều đại nào thay đổi về tháng Tết nữa. 

Đến đời Đông Phương Sóc, ông cho rằng, ngày tạo thiên lập địa có thêm giống Gà, ngày thứ hai có thêm Chó, ngày thứ ba có Lợn, ngày thứ tư sinh Dê, ngày thứ năm sinh Trâu, ngày thứ sáu sinh Ngựa, ngày thứ bảy sinh Loài người và ngày thứ tám mới sinh ra Ngũ cốc. 

Vì thế mà ngày Tết thường được kể từ ngày mồng Một cho đến hết ngày mồng Bảy tháng giêng (8 ngày).

Trước năm 1967, Việt Nam lấy giờ Bắc Kinh làm chuẩn cho âm lịch. Ngày 8/8/1967, nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ban hành đổi lịch dùng múi giờ GMT +7 làm chuẩn. Vì thế hai miền Nam Bắc Việt Nam đón Tết Mậu Thân hai ngày khác nhau (miền bắc ngày 29/01 trong khi miền nam thì ngày 30/01).

Ngày nay, cùng với người Hoa, người Việt, các dân tộc khác chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa như Triều Tiên, Mông Cổ, Tây Tạng, Nepal, Bhutan cũng tổ chức Tết âm lịch với các nghi lễ chính thức. 

Trước đây, Nhật Bản cũng cử hành Tết âm lịch, nhưng từ năm Minh Trị thứ 6 (1873) họ đã chuyển sang dùng dương lịch cho các ngày lễ tương ứng trong âm lịch.

Bữa cơm ngày Tết

Tết Nguyên đán là lễ Tết đầu tiên của một năm. Tết được bắt đầu từ lúc giao thừa cùng với lễ trừ tịch. 

Theo chữ Hán nôm, Nguyên có nghĩa là bắt đầu, Đán là buổi sớm mai. Tết Nguyên đán tức là Tết bắt đầu của năm, mở đầu cho mọi công ăn việc làm với tất cả mọi cảnh vật đều mới mẻ đón xuân sang.

Người Việt tin rằng, vào ngày Tết mọi thứ đều phải mới, phải đổi khác, từ ngoại vật cho đến lòng người, vì vậy khoảng mươi ngày trước Tết họ thường sơn, quét vôi nhà cửa lại. 

Họ cũng tất bật đi sắm sửa quần áo mới để mặc trong dịp này. Trong những ngày Tết, họ kiêng cữ không nóng giận, cãi cọ. Tết là dịp để mọi người hàn gắn những hiềm khích đã qua và là dịp để chuộc lỗi. Mọi người đi thăm viếng nhau và chúc nhau những lời đầy ý nghĩa. Trẻ em đi chúc Tết được người lớn lì xì một phong bì đỏ thắm có đựng ít tiền dành cho chúng tiêu xài ngày Tết. Tết ở 3 miền Bắc, Trung, Nam ở Việt Nam cũng có những điều khác nhau./.

CTV Nguyễn Hưng/VOV.VN

 

Chia sẻ bài viết