Tiếng Việt | English

29/04/2024 - 14:35

Liều dùng và liệu trình

Xã hội phát triển, từ nhu cầu cơm ăn áo mặc tiến lên nhu cầu cơm ngon áo đẹp, vì thế việc chăm sóc sức khỏe và nhan sắc ngày càng được quan tâm hơn.

Việc tìm hiểu công dụng, lợi ích thực sự của mỗi sản phẩm để nâng cao sức khỏe là điều mà người tiêu dùng quan tâm. Bài viết này trên quan điểm của người dược sĩ với mong muốn chăm sóc tốt sức khỏe mọi người. Chúng ta cùng tìm hiểu về liều dùng và liệu trình khi sử dụng các sản phẩm chăm sóc sức khỏe nhé!

Ảnh minh họa

1. Sự giống nhau và khác nhau giữa thuốc và thực phẩm chức năng

- Thuốc (Medicine/ Drug) là chế phẩm có chứa dược chất hoặc dược liệu dùng cho người nhằm mục đích phòng bệnh, chẩn đoán bệnh, chữa bệnh, điều trị bệnh, giảm nhẹ bệnh, điều chỉnh chức năng sinh lý cơ thể người bao gồm thuốc hóa dược, thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền, vắc xin và sinh phẩm.

- Thực phẩm chức năng (Functional foods) là thực phẩm dùng để hỗ trợ chức năng của các bộ phận trong cơ thể người, có tác dụng dinh dưỡng, tạo cho cơ thể tình trạng thoải mái, tăng sức đề kháng và giảm bớt nguy cơ gây bệnh. 

Về mặt cơ chế, thuốc tham gia vào hoạt động chuyển hóa của cơ thể, làm thay đổi cấu trúc sinh lý hoặc bệnh lý, sửa chữa tổn thương trong cơ thể. Thuốc điều trị bệnh trong khi thực phẩm chức năng bổ sung dinh dưỡng, tăng sức đề kháng và giảm bớt nguy cơ bệnh tật. Thuốc là kết quả của y học chứng cứ, còn công dụng của thực phẩm chức năng dựa trên giá trị tiềm năng từ sự suy luận.

Về mặt bào chế, thực phẩm chức năng giống thuốc là về hình thức được bào chế dưới dạng viên hoàn, nén, cao, cốm, bột lỏng,… được đưa vào cơ thể qua đường uống/ ăn, được hấp thu qua bộ máy tiêu hóa, đều bắt buộc phải sản xuất trong nhà máy GMP, đều phải được kiểm nghiệm đạt trước khi xuất xưởng. Nhà sản xuất phải chịu trách nhiệm về những thông tin in trên sản phẩm của mình.

Về mặt pháp chế, quy chế nhãn của thuốc và thực phẩm chức năng được quy định chặt chẽ. Nhãn thuốc phải có dòng chữ: “Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng”. Nhãn thực phẩm chức năng phải có dòng chữ “Sản phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”. Một sản phẩm dùng đường uống làm da sáng dáng xinh thì về mặt quản lý được xếp vào thực phẩm chức năng chứ không phải mỹ phẩm.

Người bệnh phải uống thuốc mới khỏi bệnh. Người khỏe có thể uống hoặc không uống thực phẩm chức năng để nâng cao sức khỏe hoặc phòng tránh bệnh tật nhưng cần tham khảo ý kiến của các chuyên gia y tế.

2. Liều là gì? Liệu trình là gì?

Ảnh minh họa

Liều (Dose) thường được đo nhất cho các hợp chất trong y học.

Liều lượng (Dosage) là một lượng đo của một loại thuốc/ chất dinh dưỡng/ mầm bệnh, được phân phối dưới dạng một đơn vị. Thuật ngữ này thường được áp dụng cho số lượng thuốc hoặc tác nhân khác dùng cho mục đích điều trị mà số lượng khuyến cáo tỷ lệ thuận với liều lượng chất được đưa vào cơ thể. Trong dinh dưỡng, thuật ngữ này thường được áp dụng cho bao nhiêu gram chất dinh dưỡng cụ thể trong chế độ ăn/ uống của một người hoặc trong một loại thực phẩm. Trong vi sinh, liều đề cập đến lượng mầm bệnh (vi khuẩn/ virus) cần thiết để lây nhiễm ký chủ. Trong dược lý lâm sàng, liều chỉ lượng liều thuốc dùng cho một người.

Liệu trình (Treatment) là quá trình điều trị bệnh, theo những quy định chặt chẽ về cách thức, thời gian và liều lượng sử dụng thuốc.

Với việc sử dụng thực phẩm chức năng, liệu trình là quá trình dùng, thời gian dùng một sản phẩm nào đó cho tới khi đạt được hiệu quả tối ưu và ngừng sử dụng trong thời gian bao lâu mới sử dụng lại để vừa đạt lợi ích mong muốn, vừa bảo vệ chức năng gan, thận. Đây là mấu chốt của vấn đề, chúng ta hay hiểu lầm là khi sử dụng sản phẩm chăm sóc sức khỏe nào đó phải sử dụng liên tục, suốt đời. Bất cứ sản phẩm nào khi đưa vào cơ thể cũng sẽ được hấp thu, chuyển hóa và thải trừ. Đưa vào nhiều quá gan thận sẽ phải làm việc quá mức để thải trừ. Giả sử rằng chất đó độc sẽ đưa đến ngộ độc cấp hay mãn tính tùy thuộc vào lượng chất đó đưa vào cơ thể bao nhiêu, trong thời gian bao lâu. Nếu chất đưa vào là chất bổ thì lượng chất đưa vào dư thừa sẽ được cơ thể tự đào thải, việc đào thải này nhiều lần và lâu dài quá sẽ ảnh hưởng đến chức năng gan, thận.

Phác đồ điều trị (Treatment regimen) là một y lệnh mà bác sĩ quy định cho bệnh nhân được viết trên hồ sơ bệnh án thực hiện cho một ca bệnh cụ thể. Phác đồ này do hội đồng điều trị quyết định thông qua hội chẩn. Nội dung của phác đồ điều trị bao gồm: Thời gian điều trị tấn công, thời gian điều trị duy trì, tần suất sử dụng thuốc. Để khỏi bệnh, bệnh nhân sẽ trải qua hết một hay nhiều liệu trình điều trị để sửa chữa những tổn thương trong cơ thể. Phác đồ điều trị thường được áp dụng cho bệnh nhân nội trú. Khi xuất viện, bệnh nhân được cầm theo đơn thuốc uống trong 7 ngày nếu là bệnh cấp tính và 28 ngày đối với bệnh mãn tính.

Vì thế, bệnh nhân xuất viện muốn sử dụng thêm các sản phẩm bảo vệ sức khỏe cần đem theo đơn thuốc đang dùng để dược sĩ phân tích đơn, hướng dẫn sử dụng tránh trường hợp lập lại liều lượng của hoạt chất trong đơn. Ví dụ trong đơn thuốc bác sĩ đang cho bệnh nhân uống Tanakan với hoạt chất chính là Ginkgo biloba liều lượng 3 viên mỗi ngày thì không cần dùng thêm các thuốc bổ não khác có chứa Ginkgo biloba. Dược sĩ phải dặn dò kỹ thời điểm dùng, thời lượng và liệu trình sử dụng thực phẩm chức năng trên từng sản phẩm và cho từng đối tượng.

Người tiêu dùng khi sử dụng sản phẩm bảo vệ sức khỏe cần xem kỹ nội dung in trên bao bì sản phẩm và tham khảo ý kiến chuyên gia y tế.

Chúc mọi người có kiến thức dinh dưỡng tốt để sống vui, khỏe, hạnh phúc và trường thọ./.

DSCK2. Lý Thị Nhất Định

Chia sẻ bài viết