Tiếng Việt | English

26/04/2022 - 08:56

Linh động sản xuất nông nghiệp trong tình hình mới

Thời gian qua, ngành Nông nghiệp phải đối mặt với nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 và biến đổi khí hậu. Ðể ổn định và nâng cao hiệu quả sản xuất, ngành Nông nghiệp tỉnh Long An chủ động triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn trong tình hình mới.

Sản xuất theo yêu cầu của thị trường

Năm 2022 được dự báo là một năm đầy khó khăn cho ngành Nông nghiệp vì tình hình dịch Covid-19 vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ do sự xuất hiện của các biến chủng mới. Cùng với đó, giá vật tư đầu vào phục vụ sản xuất tăng và giá đầu ra nhiều loại nông sản không ổn định. Trước bối cảnh trên, ngành Nông nghiệp tỉnh triển khai những giải pháp điều hành linh động, khoa học nhằm hỗ trợ phát triển sản xuất, phấn đấu đạt và vượt các chỉ tiêu đã đề ra.

Theo Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Quản lý chất lượng nông sản tỉnh - Nguyễn Văn Cường, hiện nay, các khâu bảo quản và chế biến nông sản sau thu hoạch của tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế, nhiều loại nông sản phải tiêu thụ dưới dạng tươi, thô nên dễ rơi vào điệp khúc “được mùa - mất giá”. Hiệu quả sản xuất và sức cạnh tranh của nhiều loại nông sản còn thấp do chưa thực hiện tốt việc liên kết, sản xuất còn manh mún và nhỏ, lẻ, khó đẩy mạnh cơ giới hóa để giảm chi phí và tạo ra sản phẩm có chất lượng đồng đều.

Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất để giảm giá thành và nâng cao chất lượng nông sản

“Hiện nay, nông dân trên địa bàn tỉnh chuẩn bị bước vào sản xuất vụ Hè Thu. Trước những dự báo về ảnh hưởng của dịch bệnh và tình hình thế giới, ngành Nông nghiệp tỉnh đã đề nghị các huyện, thị xã, thành phố đẩy mạnh công tác phổ biến, hướng dẫn cho nông dân, hợp tác xã (HTX) đa dạng hóa cây trồng, mạnh dạn thử nghiệm các loại cây mới phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, trình độ canh tác của nông dân và được thị trường ưa chuộng vào gieo trồng, từ đó nâng cao hiệu quả kinh tế” - ông Cường cho biết.

Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Thủ Thừa - Huỳnh Diễm Phúc cho biết: “Để phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của địa phương, ngành tổ chức nhiều buổi tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng một số loại cây trồng mới cho nông dân. Đồng thời, ngành khuyến khích nông dân tham gia vào các tổ hợp tác, HTX để tiến tới hình thành các chuỗi liên kết sản xuất nhằm ổn định đầu ra cho nông sản”.

Theo Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Mỹ Thạnh (huyện Thủ Thừa) - Nguyễn Quốc Cường, trong giai đoạn dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các loại rau, củ, quả là mặt hàng được người tiêu dùng rất quan tâm vì thiếu nguồn cung. Vì vậy, HTX đã điều chỉnh kế hoạch sản xuất để thích hợp với tình hình, đặc biệt là chú trọng sản xuất rau ngắn ngày để tăng sản lượng nhằm bảo đảm cung cấp phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng. Hiện nay, tình hình dịch bệnh cơ bản ổn định, HTX đã kết nối được với nhiều chuỗi cửa hàng, siêu thị lớn ở TP.HCM nên công tác tổ chức sản xuất của HTX cũng chủ động hơn. Các thành viên đều phấn khởi vì vấn đề đầu ra cho nông sản cơ bản được đảm bảo.

Xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất, ổn định đầu ra cho nông sản

Tại huyện Bến Lức, thời gian qua, cây trồng thế mạnh của huyện là cây chanh. Thế nhưng, gần 2 năm trở lại đây, việc xuất khẩu chanh gặp khó khăn, giá chanh giảm mạnh, giá trị kinh tế đi xuống. Do đó, để bảo đảm hiệu quả kinh tế cho diện tích cây trồng, nhiều người dân mạnh dạn chuyển đổi sang các loại cây trồng khác như khóm, rau má, ổi,... Đây đều là các loại cây có sức tiêu thụ nội địa mạnh. Đến nay, toàn huyện gieo trồng được hơn 400ha khóm, gần 100ha rau má.

Trưởng phòng NN&PTNT huyện Bến Lức - Lê Văn Nam thông tin: Huyện đang tiến hành cơ cấu, sắp xếp lại sản xuất, phân vùng sản xuất gắn với các tiềm lực sẵn có. Trong đó, tập trung ổn định sản xuất đối với cây chanh, phát triển vùng sản xuất khóm và rau má. Ngoài ra, huyện cũng tăng cường kêu gọi các doanh nghiệp ký kết các hợp đồng bao tiêu sản phẩm nông nghiệp với nông dân và xây dựng các hệ thống kho lưu trữ, sơ chế một số mặt hàng nhằm giảm chi phí trung chuyển, tăng giá thu mua cho nông dân.

Giám đốc HTX Dịch vụ Nông nghiệp Thạnh Hòa (huyện Bến Lức) - Đỗ Quang Huế cho biết: “Trước đây, HTX có khoảng 80ha chanh không hạt, 2 năm trở lại đây, nhiều thành viên đã chuyển đổi từ chanh sang trồng rau má do cây chanh gặp khó về đầu ra và cũng đã khai thác được nhiều năm, năng suất thu hoạch không còn cao. Hiện nay, các diện tích rau má của HTX đều được bao tiêu với giá ổn định nên người dân an tâm sản xuất. Nhiều khả năng trong thời gian tới, thành viên của HTX tiếp tục chuyển đổi từ trồng chanh sang rau má”.

Đẩy mạnh thương mại điện tử

Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của Internet, thương mại điện tử đã giúp xóa bỏ hoàn toàn mọi rào cản về khoảng cách không gian và thời gian trong kinh doanh. Đặc biệt, 2 năm qua, sự xuất hiện của dịch bệnh Covid-19 với những diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hoạt động truyền thống trong kinh doanh, phân phối hàng hóa, nông sản. Để thích ứng linh hoạt, hiệu quả và bảo đảm được các yếu tố phòng dịch, người dân đã tiếp cận nhiều hơn với cách thức mua sắm trực tuyến qua môi trường mạng. Thay vì đi mua sắm trực tiếp tại chợ, siêu thị, cửa hàng, nhiều người tiêu dùng chuyển sang mua sắm trực tuyến, lựa chọn sản phẩm chất lượng tốt, nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng.

Giám đốc HTX Rau an toàn Phước Thịnh (huyện Cần Giuộc) - Đặng Duy Dũng cho biết, việc đưa sản phẩm của HTX lên các sàn thương mại điện tử đã giúp nhiều khách hàng biết đến sản phẩm của HTX hơn. “Thương mại điện tử có vai trò quan trọng trong đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp và dần trở thành một xu thế tất yếu. Thông qua các sàn giao dịch thương mại điện tử, HTX nắm bắt được nhu cầu của thị trường và người tiêu dùng, từ đó chủ động điều chỉnh kế hoạch sản xuất, thời vụ, chủng loại, số lượng,... nâng cao hiệu quả sản xuất và thu nhập cho nông dân” - ông Dũng cho biết thêm.

Tăng cường quảng bá, kết nối tiêu thụ nông sản thông qua các sàn thương mại điện tử

Theo Giám đốc Sở NN&PTNT - Nguyễn Thanh Truyền, trong sản xuất, ngành Nông nghiệp tỉnh quan tâm đến nhóm giải pháp chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, cơ cấu lại các vùng sản xuất theo hướng phát triển những cây, con có lợi thế cạnh tranh, nhu cầu thị trường cần và hình thành các vùng nguyên liệu phục vụ chế biến. Việc xây dựng chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ được đặc biệt chú trọng để nông sản có đầu ra bền vững hơn trong giai đoạn thị trường tiêu thụ còn nhiều khó khăn và bấp bênh do ảnh hưởng của dịch bệnh. Bên cạnh đó, ngành cũng tạo điều kiện để thu hút các doanh nghiệp tham gia đầu tư chế biến sâu với các mặt hàng nông sản, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong xúc tiến thương mại, qua đó quảng bá nông sản của tỉnh ở cả thị trường trong và ngoài nước.

“Thời gian tới, ngành Nông nghiệp tỉnh tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu, hướng đến nâng cao năng suất, chất lượng nông sản và hiệu quả sản xuất, kinh doanh; tập trung tái đàn gia súc, gia cầm; chỉ đạo quyết liệt công tác phòng trừ dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, bảo đảm an toàn cho sản xuất và ổn định cuộc sống người dân; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp nhằm giảm giá thành và nâng cao chất lượng hàng hóa nông sản. Ngoài ra, ngành Nông nghiệp tỉnh phối hợp các sở, ngành liên quan tiếp tục tăng cường tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật, đổi mới tư duy sản xuất cho người dân để phù hợp tình hình mới; đồng thời, quan tâm phát triển nông nghiệp theo hướng kinh tế nông nghiệp để đạt hiệu quả kinh tế cao hơn” - ông Truyền thông tin thêm.

Trước những khó khăn từ thực tiễn, sản xuất nông nghiệp đang từng bước chuyển đổi mạnh mẽ theo hướng ứng dụng công nghệ cao; tăng cường hoạt động chế biến sâu, đa dạng sản phẩm, hướng đến tiết kiệm chi phí trung chuyển; nâng cao thời gian bảo quản sản phẩm và đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của các thị trường. Với sự chủ động ứng phó này, ngành Nông nghiệp tỉnh đã và đang nỗ lực vươn lên thích ứng với tình hình mới./.

Thời gian tới, ngành Nông nghiệp tỉnh tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu, hướng đến nâng cao năng suất, chất lượng nông sản và hiệu quả sản xuất, kinh doanh; tập trung tái đàn gia súc, gia cầm; chỉ đạo quyết liệt công tác phòng trừ dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, bảo đảm an toàn cho sản xuất và ổn định cuộc sống người dân; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp nhằm giảm giá thành và nâng cao chất lượng hàng hóa nông sản.

Ngoài ra, ngành Nông nghiệp tỉnh phối hợp các sở, ngành liên quan tiếp tục tăng cường tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật, đổi mới tư duy sản xuất cho người dân để phù hợp tình hình mới; đồng thời, quan tâm phát triển nông nghiệp theo hướng kinh tế nông nghiệp để đạt hiệu quả kinh tế cao hơn”.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Thanh Truyền

Bùi Tùng

Chia sẻ bài viết