Tiếng Việt | English

26/01/2022 - 12:45

Lò đất Mỹ Lệ - Giữ chút hồn quê

Về Cần Đước (Long An), đến xã Mỹ Lệ, hỏi ông Mười Ích (Nguyễn Văn Ích) làm lò đất, hầu như ai cũng biết. Gia đình ông làm nghề đắp lò đất đã trên 30 năm, khởi xướng nghề đắp lò tại vùng này. Giờ đây, ông Mười Ích cũng là người cuối cùng trong xã còn giữ lại nghề thủ công độc đáo này.

Khi chúng tôi đến, ông Mười Ích không có nhà. Chị Huỳnh Thị Đẹp - con dâu ông Mười, vừa nhanh tay đắp lò, vừa nói: “Làm nghề này vất vả lắm, phải làm bằng tay, không dùng máy móc gì được, mà phải làm ngoài nắng”.

Những chiếc lò thủ công

Chị Đẹp là người Tiền Giang, từ khi về làm dâu gia đình ông Ích, chị được cha mẹ chồng chỉ dẫn nghề làm lò đất, đến nay cũng trên dưới 10 năm. Quệt giọt mồ hôi trên trán, chị kể: “Nghề này toàn phải làm bằng tay. Cũng mấy lần ở nhà thử tìm máy này, máy khác để làm một vài công đoạn nhưng đều không được. Kể cả việc trộn đất cũng không dùng máy được”.

Mỗi chiếc lò cần ít nhất khoảng 5 lần bồi đất mới có thể thành hình

Làm thủ công 100%, lò được đắp hoàn toàn không cần khuôn, được phơi nắng tự nhiên, không nung với lửa có thể xem là điểm đặc biệt của lò đất vùng Mỹ Lệ. Những chiếc lò cao, rộng, có ống khói, kể cả lò nấu củi và lò nấu trấu đều được đắp bằng tay dựa trên sự khéo léo và kinh nghiệm của người thợ. Với tay nhón lấy phần đất trộn tro mềm dẻo, chị Đẹp đi dọc hàng lò đất đang đắp dang dở rồi ngồi xuống bên một chiếc lò vừa khô đúng vóc. Vì không có khuôn nâng đỡ nên việc đắp lò phải thực hiện dần dần, từng bước một.

Khi lớp đất phía dưới đủ khô để định hình nhưng vẫn còn đủ ẩm để kết dính lớp đất khác thì người thợ đắp lò mới bồi thêm đất, dần dần tạo hình lò. Mỗi chiếc lò cần ít nhất khoảng 5 lần bồi đất mới có thể thành hình. Chính vì quan trọng độ khô của đất nên người thợ làm lò buộc phải làm việc ngoài trời. Lò sau khi đắp đế được để hẳn ngoài sân và đắp bồi mỗi ngày đến khi hoàn chỉnh, phơi khô, trở nên cứng chắc mới có thể di chuyển sang nơi khác. Thời gian hoàn thành một chiếc lò tùy thuộc khá nhiều vào thời tiết. Chị Đẹp cho biết, làm lò đất thích hợp với mùa nắng. Những ngày nắng to thì mới đắp được nhiều lò. Những ngày nắng yếu, lò khô chậm.

Trong lúc đắp lò, người thợ phải kiểm tra độ mịn của nguyên liệu, bảo đảm đất đắp lò không lẫn sỏi, đá,... Nếu không sẽ ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm. Theo ông Ích, muốn có được chiếc lò đất tốt, dùng lâu dài thì nguyên liệu là yếu tố quyết định hàng đầu. Đất đắp lò phải là đất sét mịn, lấy dưới lòng sông. Nếu đất không đủ độ dẻo, mịn hoặc đất có lẫn tạp chất thì khi đắp lò sẽ không bám dính tốt, dễ nứt bể, độ bền sản phẩm kém.

Người làm lò đất ở Mỹ Lệ thường lấy đất ở sông Rạch Đào. Lấy đất là công việc nguy hiểm vì người lấy đất phải ngụp hẳn xuống lòng sông, dùng tay vốc đất lên khỏi mặt nước, cho vào thau hoặc xuồng đã chuẩn bị sẵn. Ngày nay, đất không còn nhiều như trước, cùng với sự vất vả của nghề, nhiều gia đình không làm lò đất nữa. Mỹ Lệ giờ chỉ còn mỗi gia đình ông Ích làm lò đất.

Tâm sự người làm nghề

Được biết, nghề làm lò đất tại Mỹ Lệ do chính ông Ích khởi xướng. Từ việc lấy đất đắp lò dùng trong gia đình, thấy sản phẩm dùng tốt nên ông bán cho hàng xóm, tiếng lành đồn xa, lò đất Mỹ Lệ giờ đây được thương lái thu mua và bỏ mối khắp vùng Cần Đước. Những ngày giáp tết, lò đất trở nên hút hàng, nhu cầu người mua tăng cao nhưng gia đình ông Ích vẫn giữ nguyên giá bán, chỉ tăng thời gian làm việc để có nhiều sản phẩm cung cấp cho thị trường.

Chị Đẹp kể, gần tết, các điểm thu mua gọi điện thoại hỏi mua hàng liên tục nên mặc dù chị đã cố gắng làm từ khuya đến tối mịt vẫn không đủ số lượng để giao. Vừa đi làm hồ về, ông Ích tranh thủ chút thời gian nghỉ trưa tạo hình cho mấy khung lò con dâu đã đắp từ sáng cho kịp nắng. Tùy kích cỡ của lò, mỗi chiếc thành phẩm có giá khoảng 120.000 đồng trở lên. Mỗi tháng, gia đình đắp được gần 100 chiếc lò.

Khó khăn nhất của nghề đắp lò đất tại Mỹ Lệ ngày nay là lượng đất ngày càng ít đi. Ngoài điều đó ra, không gì có thể làm khó ông Ích trong việc giữ nghề. Ông nói: “Người dân ở quê ít nhiều gì trong nhà cũng cần một cái lò đất dùng vào mấy dịp giỗ, chạp nên đầu ra lúc nào cũng có. Tôi sẽ ráng làm nghề cho tới khi nào còn làm được và cũng sẽ truyền hết nghề lại cho con. Nghề này không tốn nhiều vốn mà tùy thuộc vào kinh nghiệm và độ khéo léo của người thợ. Làm được một chiếc lò đất tốt dùng 5-7 năm, một người mua rồi truyền tai người khác đến mua là mình vui lắm!”.

Chính niềm vui đó là sợi dây gắn kết giữa gia đình ông Mười Ích với nghề làm lò đất. Những chiếc lò nấu trấu, nấu củi có ống khói cao được làm nên bởi sự khéo léo của đôi bàn tay người thợ vùng Mỹ Lệ bao đời nay vẫn luôn làm hài lòng người sử dụng./.

Quế Lâm

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích