Tỉnh Long An phát triển mạnh về công nghiệp và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Trong ảnh: Cán bộ kỹ thuật tại trang trại ứng dụng công nghệ cao Hợp tác xã rau an toàn Phước Hòa, xã Phước Vân, huyện Cần Đước
Gần đây, tỉnh Long An phát triển mạnh về công nghiệp và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC), tạo nhiều việc làm cho lao động tại địa phương và từ nơi khác đến. Tuy nhiên, để đáp ứng nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế - xã hội thì công tác đào tạo nghề trong thời gian tới rất cần được nâng chất.
Từ năm 2016-2018, toàn tỉnh đào tạo 63.035/60.440 lao động có nghề so với kế hoạch (đạt 104%). Trong đó, trình độ Cao đẳng là 1.439, Trung cấp 6.075, Sơ cấp 13.105, đào tạo thường xuyên dưới 3 tháng là 27.033 lao động và đào tạo lao động nghề cho nông thôn là 15.383 người. Lao động qua đào tạo đạt trên 67% và qua đào tạo nghề trên 48% (số liệu 2018).
Các ngành nghề được đào tạo cơ bản đáp ứng với công việc truyền thống và những ngành nghề mới, nhất là trong doanh nghiệp, trang trại ƯDCNC và tại các khu-cụm công nghiệp. Trên toàn tỉnh Long An, các cơ sở đào tạo khoảng 80 ngành nghề thuộc lĩnh vực: Nông - lâm - thủy sản, công nghiệp, xây dựng, thương mại, dịch vụ,… cơ bản đáp ứng nhu cầu của người tuyển dụng và doanh nghiệp.
Đặc biệt, hình thức đào tạo mới theo yêu cầu tại các doanh nghiệp, chuyển giao công nghệ, đào tạo theo chuyên đề, đào tạo lưu động tại doanh nghiệp,… được tổ chức rộng rãi. Ngoài ra, ngành Nông nghiệp phối hợp địa phương thí điểm 5 mô hình đào tạo lao động ƯDCNC cho nông nghiệp.
Nghề cơ khí thu hút khá nhiều lao động nông thôn
Đội ngũ giáo viên trong các cơ sở đào tạo nghề của tỉnh tăng cả về số lượng và chất lượng, thường xuyên được đào tạo, tập huấn đáp ứng yêu cầu giảng dạy. Toàn tỉnh có 534 giáo viên dạy nghề (tăng 54 người so 2015), gồm 250 giáo viên trong cơ sở công lập và 284 ngoài công lập.
Trong 3 năm (2016 - 2018) số sinh viên, học viên, học sinh tốt nghiệp các cơ sở đào tạo nghề là 54.763 em (gồm 519 Cao đẳng, 2.895 Trung cấp, 35.966 Sơ cấp và thường xuyên dưới 3 tháng, 15.383 lao động nông thôn). Số người có việc làm sau đào tạo 47.914/54.763 (87,5%).
Thanh niên nông thôn rất cần được đào tạo nghề. Trong ảnh: Thợ rèn làm việc tại cơ sở sản xuất dao, kéo thuộc ấp Cầu Bông, xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa
Theo Ban Văn hóa - Xã hội - HĐND tỉnh, bên cạnh những mặt đạt được thì bất cập lớn nhất cho công tác đào tạo nghề là từ phía người lao động, nhiều nơi phụ huynh chưa muốn cho con em học nghề mà vẫn trọng bằng cấp. Ngoài ra, công tác phân luồng, hướng nghiệp và phổ biến chính sách đào tạo nghề tại các trường THCS và THPT chưa đem lại hiệu quả.
Bên cạnh đó, mạng lưới cơ sở đào tạo nghề phân bổ rải rác, chủ yếu tập trung ở TP.Tân An và các địa phương phát triển công nghiệp. Mặt khác, các chính sách chưa thu hút được nhiều tổ chức, cá nhân đầu tư cho công tác đào tạo nghề tại vùng sâu, vùng xa của tỉnh.
Cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền về học nghề
Công tác gắn kết giữa trường đào tạo nghề và doanh nghiệp chưa cao, số doanh nghiệp tham gia đào tạo nghề không nhiều. Nhiều cơ sở đào tạo nghề chật hẹp, có nơi xuống cấp, thiết bị đào tạo còn thiếu, lạc hậu, chất lượng và chương trình đào tạo chưa đáp ứng nhu cầu của người sử dụng lao động. Đặc biệt, nhiều cơ sở đào tạo, trường nghề chưa phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp để tạo đầu ra cho học viên. Công tác điều tra nắm thông tin sử dụng lao động tại các doanh nghiệp, khu-cụm công nghiệp chưa được thực hiện thường xuyên, do đó, chưa xây dựng được kế hoạch đào tạo phù hợp.
Trường Cao đẳng nghề Long An cần được nâng cấp thành trường đào tạo nghề chất lượng cao
Để công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm trong thời gian tới hiệu quả hơn, Ban Văn hóa - Xã hội - HĐND tỉnh Long An kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng, địa phương trong tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền định hướng học nghề, lập nghiệp, nhất là phân luồng đối với học sinh sau tốt nghiệp trong các trường THCS và THPT.
Triển khai dự án đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng để người lao động nắm đầy đủ thông tin khi tham gia xuất khẩu lao động. Tiếp tục đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các cơ sở đào tạo nghề và triển khai dự án đầu tư Trường Cao đẳng nghề Long An giai đoạn II.
Ngoài ra, Ban Văn hóa - Xã hội - HĐND tỉnh kiến nghị Đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Long An có ý kiến đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hỗ trợ thêm kinh phí để các cơ sở đào tạo nghề công lập của tỉnh đào tạo nghề trọng điểm quốc gia, khu vực và quốc tế, đồng thời xem xét đưa Trường Cao đẳng nghề Long An vào danh sách trường chất lượng cao để hỗ trợ đầu tư./.
Lâm Đỗ