Tiếng Việt | English

23/05/2017 - 11:20

Long An - Nơi gieo nguồn cảm hứng

Những con sông hiền hòa, những người con trung dũng cùng truyền thống hào hùng của đất và người Long An luôn là niềm cảm hứng bất tận cho các nhạc sĩ, soạn giả. “Ta yêu Long An màu xanh biếc sông quê. Ta yêu Long An miệt lúa chín tốt tươi. Bên nhau bông tràm dâng mãi ngát hương ngàn đời. Bên nhau ân tình ta mãi chung vui lời ca” (Tôi yêu Long An - tác giả Lê Kim Lực) - Đất và người Long An đi vào âm nhạc thật đẹp, thật dạt dào tình cảm như thế đó!

“Tôi về miền Hạ dưới mưa rơi”

Mùa mưa của gần 15 năm trước, soạn giả Ngô Hồng Khanh lặn lội từ Sài Gòn về miền hạ Cần Đước theo lời mời sáng tác ca khúc của huyện. “Cũng qua kênh Nước Mặn, cũng nghe hết báo cáo về lịch sử cũng như nét đặc trưng văn hóa của Cần Đước nhưng lúc ấy, chẳng hiểu sao tôi không tìm được cái “tứ” thật hay để viết thành lời” - soạn giả Ngô Hồng Khanh nhớ lại. Mãi đến lần trở lại thứ 3, những ca từ “Lúa níu đôi chân, chân bám đất. Tôi về miền hạ dưới mưa rơi. Bâng khuâng ai hát bài vọng cổ. Khoan nhặt đầy vơi tiếng cuộc đời” mới chắp thành ý nhạc, lời thơ.

Đó cũng là những lời nói lối trong bài vọng cổ Cung đàn miền hạ mà soạn giả Ngô Hồng Khanh sáng tác trong một lần ghé thăm đình Vạn Phước, xã Mỹ Lệ, huyện Cần Đước.

Soạn giả Ngô Hồng Khanh kể: “Lần đó, anh Tám Kỳ và anh Nguyễn Minh Tuấn đang là lãnh đạo Sở Văn hóa - Thông tin (nay là Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch) đưa tôi về đình Vạn Phước - một trong những chiếc nôi của đờn ca tài tử Nam bộ. Tại đây, có một cụ ông tuổi xấp xỉ 80 nhưng chơi đờn kìm rất tuyệt. Điệu đờn du dương, khoan nhặt đầy vơi như tiếng cuộc đời của người miền hạ thổi vào tôi những cảm xúc, tạo nên cảm hứng, hình thành tứ thơ, ý nhạc cho bài Cung đàn miền hạ”.

Và, tiếng đờn ấy đưa cảm xúc soạn giả từ đình Vạn Phước đến cánh đồng lúa Nàng thơm Chợ Đào, qua kênh Nước Mặn về cù lao Long Hựu trở thành câu vọng cổ “Long Hựu cù lao ba nhánh sông quê trôi về biển rộng, sáng nhớ chiều thương cửa biển mờ sương mưa chang nắng gọi cho câu hát quê hương, vời vợi tâm... tình”. Miền hạ của đất Long An, chỉ một tiếng đờn cũng đủ gieo niềm cảm xúc, để lại nỗi nhớ, niềm thương cho soạn giả như 2 câu cuối trong bài vọng cổ Cung đàn miền hạ - “Mưa miền hạ lúa Nàng thơm cơm trắng. Tay trỗi cung đàn đẫm ướt tim tôi”.

Nhạc sĩ Trịnh Hùng nói về ca khúc “Xin đừng quên nhau”

Đâu chỉ có cung đàn miền hạ, Long An còn có những con sông hiền hòa, những món ăn đồng quê dân dã cũng đi vào âm nhạc rất đỗi mộc mạc, thân thương. “Ai thèm bông súng mắm kho... thì về Mộc Hóa ơ ờ thì về Mộc Hóa ăn cho đã thèm”, nhạc sĩ Trịnh Hùng dùng câu hò với hình ảnh bông súng cùng món mắm kho - những món ăn dân dã rất đặc trưng của vùng Đồng Tháp Mười thay lời mời gọi về với miền sông nước. Ở đó còn có “Một miền quê nước nổi mênh mông. Bao năm đi xa nhớ về nơi này. Nhớ Vàm Cỏ Tây con nước vơi đầy”, con sông Vàm Cỏ Tây có lẽ không còn xa lạ với nhiều người khi nhắc đến Long An và đó cũng là hình ảnh quen thuộc trong thơ, nhạc, họa. Nhưng, không vì thế mà con sông ấy trở thành cũ kỹ khi đi vào âm nhạc.

Ngược lại, Vàm Cỏ Tây luôn mới, luôn chuyển mình cùng hơi thở cuộc sống, mang đến nguồn cảm hứng bất tận cho âm nhạc như nhạc sĩ Trịnh Hùng viết trong bài Xin đừng quên nhau: “Mênh mông dòng sông đưa em về với người. Chung tay dựng xây quê mình đẹp mãi... Mênh mông tràm xanh mênh mông đồng lúa vàng. Cho em về theo trên vùng quê mới. Vui buồn có nhau, gừng cay muối mặn xin đừng quên nhau”.

Nhớ “con chim sáo tật nguyền” năm xưa

Cùng với hình ảnh chân quê, mộc mạc, Long An còn đi vào âm nhạc, các bài vọng cổ bởi truyền thống trung dũng, kiên cường. Và, để làm nên truyền thống ấy, biết bao người con Long An đã hy sinh, trong đó có những người vợ, người mẹ âm thầm chịu đau thương, mất mát, những người con đi mãi chẳng về,...

Để rồi, chiều nay, “Con chim sáo tật nguyền từ đâu về đây làm tổ. Nó chọn cây bần trước nhà mẹ làm quê hương. Cây bần cũng tật nguyền. Bom đạn Mỹ đã khoét sâu lên mình của nó. Thành bọng cây làm nhức nhối một vết thương”, soạn giả Trọng Nguyễn khéo léo chọn những hình ảnh thật “đắt giá” ấy trong bài vọng cổ Bên dòng Vàm Cỏ.

Con chim sáo, cây bần, và người mẹ đều mang một thân phận đau thương nên hiểu và đồng cảm. Những hình ảnh gợi sự mong manh đến tội nghiệp khi con sáo thì tật nguyền, cây bàng cũng bị vết thương chiến tranh nên thân bọng hết. Còn mẹ... tuổi già lại quạnh hiu, ngày đêm nhớ chồng và 5 người con hy sinh, não lòng khi nhìn con sáo mà nhớ con da diết. Con chim sáo tật nguyền phải chăng là hiện thân những đứa con nằm lại trong chiến tranh, đi mãi chẳng về của mẹ?

“Con chim sáo bay đi mẹ ngậm ngùi đứng dậy. Nặng bước vào nhà như đếm những xót xa. Nhìn ảnh chồng con, 6 người thành liệt sĩ. Một nỗi đau mẹ phải gánh đến trọn đời” - một cảm xúc mãnh liệt, một nỗi ám ảnh khôn nguôi với soạn giả Trọng Nguyễn khi nhìn mẹ bên di ảnh chồng, con. Sự hy sinh ấy thật lớn lao và cao cả mà chẳng lời lẽ nào có thể viết hết.

Soạn giả viết mà như nói với chính mình: “Mẹ ơi con chưa về thăm Rạch Cát. Chưa qua đám lá tối trời nơi thằng Út đóng quân. Để gặp con chim sáo con bảo nó về với mẹ. Cho gánh cô đơn vơi nhẹ ở bờ vai. Biển Long Hựu mùa này nhiều sóng vỗ. Có con sóng nào bằng ngọn sóng lòng của người mẹ Long An. Dù chưa qua Đức Hòa, Long Trì, Mỹ Lệ. Mà con hiểu Long An qua người mẹ anh hùng...” - chỉ qua hình ảnh của người Mẹ Việt Nam Anh hùng, soạn giả Trọng Nguyễn thấy cả một Long An anh dũng hào hùng!

Tác giả Nguyễn Minh Tuấn khảy đờn, ca bài vọng cổ “Về quê ngoại”

Còn với soạn giả Nguyễn Minh Tuấn, hình ảnh ngoại cùng đứa cháu mồ côi cứ ám ảnh, thôi thúc soạn giả viết nên bài vọng cổ Về quê ngoại.

Soạn giả Nguyễn Minh Tuấn kể mà nước mắt rưng rưng: “Đó là những năm 60, vùng Thạnh Lợi, huyện Bến Lức bị quân thù đánh phá thành vùng trắng nhưng ngoại vẫn bám đất cùng con gái. Rồi, một hôm, giặc càn quét ác liệt, anh em đồng đội hy sinh, trong đó có con rể của ngoại. Chiều tối, không thấy chồng về, con gái của ngoại lặn lội tìm chồng. Khi gặp xác chồng bên mé mương, chị đào hố chôn trong đau thương nhưng trên đầu, máy bay giặc rọi thấy và thả bom, chị gục ngã bên xác chồng. Ngoại cùng đứa cháu gái đi tìm, thấy xác vợ chồng con gái nằm cạnh nhau. Đau thương chồng chất đau thương, ngoại khóc thật nhiều...”.

Những hình ảnh ấy đi vào câu vọng cổ buồn, man mác niềm đau “trong một giờ đau thương trùm phủ lấy đau thương, ngoại xé mảnh vải thô gấp lên đầu con 2 vành khăn trắng, từ đó ngoại cưng, ngoại yêu cháu mồ côi của ngoại, con nhớ trong lòng không dễ gì quên”. Kể từ đó, ngoại nuôi nấng, dạy bảo, xây đắp hạnh phúc cho đứa cháu mồ côi.

Có một Long An đi vào âm nhạc, nhiều bài vọng cổ thật trung dũng, thân thương, gần gũi và chân tình!

Thùy Hương

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích