Tiếng Việt | English

11/04/2016 - 17:47

Long An: Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp

Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề ra sẽ giúp ngành nông nghiệp nước nhà có những bước đi mới quan trọng. Qua đó, nông sản nước ta có khả năng cạnh tranh với nhiều nước trên thế giới.

Vùng lúa chất lượng cao của Hợp tác xã Gò Gòn

Từng bước tái cơ cấu

Thời gian qua, tình hình hạn, mặn diễn biến phức tạp, chính quyền các cấp, các ngành trong tỉnh áp dụng nhiều giải pháp chống hạn, mặn xâm nhập nhằm giảm ảnh hưởng, thiệt hại cho nông dân.

UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có những buổi đi thực tế, làm việc trực tiếp với lãnh đạo công ty, doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX),... của các địa phương trên địa bàn nhằm kiểm tra tình hình, đẩy mạnh việc thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Hiện nay, vùng lúa chất lượng cao của tỉnh gần 46.000ha, tập trung tại 5 huyện, thị xã thuộc vùng Đồng Tháp Mười bao gồm: Tân Thạnh, Mộc Hóa, Vĩnh Hưng, Tân Hưng và thị xã Kiến Tường, trong đó, Tân Hưng chiếm diện tích lớn nhất - khoảng 12.406ha.

Việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất lúa tại vùng này chiếm khoảng 20.000ha trong tổng số gần 46.000ha lúa chất lượng cao. Đối với rau màu, sản xuất ứng dụng công nghệ cao chiếm khoảng 2.000ha, trong đó, huyện Cần Giuộc 950ha, Cần Đước 700ha; thanh long ở huyện Châu Thành chiếm khoảng 2.000ha trên tổng số diện tích toàn vùng,...

Thanh long giúp người dân đổi đời

HTX Gò Gòn, xã Hưng Thạnh, huyện Tân Hưng là một trong những đơn vị đi đầu trong thực hiện cánh đồng lớn và sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao của tỉnh. Giám đốc HTX Gò Gòn - Trương Hữu Trí cho biết: “Việc ứng dụng công cao vào sản xuất giúp người dân được hưởng nhiều lợi ích. Không chỉ được hỗ trợ về kỹ thuật, vốn,... mà giá trị thương hiệu lúa của chúng tôi được nâng lên, đồng thời, giá bán nông sản cao hơn với sản xuất bình thường”.

Ông Nguyễn Văn Còn, ngụ ấp Trong, xã Phước Hậu, huyện Cần Giuộc là thành viên của HTX Rau an toàn Phước Hiệp chia sẻ: “Khi được thông báo HTX được chọn sản xuất ứng dụng công nghệ theo chủ trương của tỉnh, tôi và các thành viên khác rất phấn khởi. HTX tham gia sẽ có những ràng buộc, nhưng việc đó không quan trọng bằng việc tạo ra sản phẩm có chất lượng, thương hiệu riêng cũng như giá đầu ra được bảo đảm”.

Được biết, HTX Rau an toàn Phước Hiệp thành lập vào năm 2007, hiện có 111 xã viên, tổng diện tích khoảng 35ha, trong đó, khoảng 30ha ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất.

Cần liên kết với doanh nghiệp

Bên cạnh việc thực hiện tái cơ cấu gắn với ứng dụng công nghệ cao thì liên kết với doanh nghiệp nhằm ổn định đầu ra sản phẩm được ngành chức năng chú trọng và nông dân rất quan tâm.

Giám đốc HTX Rau an toàn Phước Hiệp (xã Phước Hậu, huyện Cần Giuộc) - Trần Thanh Minh cho biết: “Hiện HTX cung cấp sản phẩm chủ yếu cho thị trường TP.HCM, mỗi ngày khoảng 1 tấn rau, trong đó, hệ thống Siêu thị Co.opmart, trung bình 1 ngày khoảng 600kg rau an toàn. Sản phẩm cung cấp ra thị trường đều có giấy chứng nhận. Hiện nay, mô hình phát triển rau an toàn rất hiệu quả, khi người dân tham gia thì lợi nhuận cao hơn so với ngoài mô hình”.

Xã viên Hợp tác xã Rau an toàn Phước Hiệp chăm sóc rau màu

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Lê Văn Hoàng cho biết: Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững được xây dựng với mục tiêu xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển toàn diện theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, có sức cạnh tranh cao, thân thiện với môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Theo đó, Đề án lựa chọn 3 loại cây trồng, 1 vật nuôi để thực hiện ứng dụng công nghệ cao vào các khâu chính (giống, canh tác, sau thu hoạch) để phấn đấu đến năm 2020, toàn tỉnh có ít nhất 4 vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trên sản phẩm chủ lực của tỉnh gồm: 20.000ha sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao trong vùng lúa cao sản xuất khẩu gần 46.000ha ở các huyện, thị xã thuộc vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh (Thạnh Hóa, Tân Thạnh, Mộc Hóa, Vĩnh Hưng, Tân Hưng, Kiến Tường); 2.000ha thanh long tại huyện Châu Thành; 2.000ha rau tại 3 huyện: Cần Đước, Cần Giuộc, Đức Hòa và TP.Tân An; vùng chăn nuôi bò thịt tại huyện Đức Hòa, Đức Huệ.

Bên cạnh việc triển khai xây dựng, thưc hiện kế hoạch thì điều cốt yếu, hiện nay, cần tập trung tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi tập quán canh tác, sản xuất của nông dân để phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm nông nghiệp của tỉnh./.

Lê Huỳnh-Thanh Mỹ

Chia sẻ bài viết