Tiếng Việt | English

01/08/2022 - 21:15

Lục bình trên kênh, rạch gây cản trở giao thông đường thủy

Hiện nay, nhiều tuyến sông, rạch trên địa bàn tỉnh Long An, nhất là khu vực Đồng Tháp Mười xuất hiện những đám lục bình dày đặc, dài hàng chục mét gây cản trở giao thông đường thủy.

Lục bình phát triển dày đặc trên kênh, rạch, ảnh hưởng đến việc đi lại của nhiều hộ gia đình ở khu vực Đồng Tháp Mười

Lục bình phát triển dày đặc trên kênh, rạch, ảnh hưởng đến việc đi lại của nhiều hộ gia đình ở khu vực Đồng Tháp Mười

Lục bình dày đặc trên sông

Lục bình hiện không chỉ xuất hiện thành những đám dày đặc trôi nổi trên sông Vàm Cỏ Tây, Vàm Cỏ Đông mà còn trên các tuyến kênh nội đồng thuộc các huyện: Thạnh Hóa, Mộc Hóa, Vĩnh Hưng, Tân Hưng,... Theo ông Huỳnh Văn Dễ (xã Tân Hiệp, huyện Thạnh Hóa), trên hầu hết các tuyến kênh, mương nội đồng trên địa bàn xã, lục bình phát triển dày đặc, ảnh hưởng lớn đến việc đi lại trên sông.

“Vào vụ mùa sản xuất, nông dân thường dùng xuồng máy chở vật tư và sản phẩm nông nghiệp. Tuy nhiên, nhiều năm qua, nông dân gặp khó khăn khi di chuyển bằng xuồng do các tuyến kênh, rạch bị tắc nghẽn bởi “nạn lục bình”. Mỗi khi lưu thông trên kênh, rạch, nông dân phải mở máy chạy hết công suất mà vẫn không thể băng qua được những đoạn có lục bình dày đặc. Điều đáng nói, thời điểm hiện nay, người dân vào vụ thu hoạch lúa Hè Thu, thương lái đến thu mua, vận chuyển gặp rất nhiều khó khăn, tốn nhiều thời gian” - ông Dễ bộc bạch.

Theo ông Nguyễn Văn Lô (xã Bắc Hòa, huyện Tân Thạnh), hiện lục bình đã chiếm lĩnh hầu hết mặt kênh, mương nội đồng. Người dân đã dùng nhiều cách để thu gom lục bình nhưng không mang lại kết quả đáng kể. “Lục bình xuất hiện không chỉ làm cản trở dòng chảy, gây ùn tắc giao thông mà làm nhiều đoạn kênh, rạch, nước bị bốc mùi hôi, khiến nhiều hộ dân không thể sử dụng nguồn nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp” - ông Lô chia sẻ.

Chung tay diệt “nạn lục bình”

Theo Chủ tịch UBND xã Tân Hiệp, huyện Thạnh Hóa - Lê Anh Văn, địa phương thường xuyên chỉ đạo các đoàn thể tổ chức ra quân trục vớt, phun xịt diệt lục bình trên các kênh, rạch để tạo sự thông thoáng, phục vụ nhu cầu đi lại, sinh hoạt và sản xuất của người dân. Thời gian tới, UBND xã tiếp tục vận động người dân sống bên tuyến kênh, rạch vớt lục bình lên bờ; riêng những nơi lục bình mọc dày đặc thì phun thuốc nhằm diệt triệt để.

Để tập trung xử lý tình trạng lục bình trôi nổi, ùn ứ dày đặc trên các tuyến sông, kênh, rạch, UBND tỉnh đã ban hành văn bản chỉ đạo về việc tiếp tục thực hiện các nội dung liên quan đến công tác trục vớt, xử lý lục bình trên các tuyến sông, kênh, rạch. Trong đó, UBND tỉnh giao nhiệm vụ cho UBND các huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch thực hiện công tác trục vớt lục bình các tuyến kênh, rạch có nhu cầu phục vụ giao thông thủy, bảo đảm đồng bộ; chủ động gửi kế hoạch thực hiện trục vớt lục bình hàng năm về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để theo dõi, hỗ trợ trong việc bảo đảm an toàn vận hành khai thác công trình thủy lợi; gửi văn bản về Sở Giao thông Vận tải để được hỗ trợ phân luồng, điều tiết giao thông liên quan đến hoạt động vận tải trên các tuyến đường thủy nội địa, bảo đảm an toàn khi tổ chức thực hiện.

Ảnh Hữu Bằng

Song song đó, các huyện, thị xã, thành phố đồng loạt tổ chức trục vớt lục bình trong tháng 5 hàng năm và sử dụng nguồn kinh phí phân bổ dự toán chi thường xuyên hàng năm cho địa phương, kinh phí sự nghiệp môi trường, kinh phí vận động xã hội hóa và các nguồn kinh phí hợp pháp khác để thực hiện. Riêng đối với việc nuôi, giữ lục bình để làm nguyên liệu sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, tạo sinh kế cho lao động nông thôn, UBND tỉnh yêu cầu các địa phương căn cứ vào tình hình thực tế để có quy định, hướng dẫn cụ thể, song phải đáp ứng được các yêu cầu chính: Không gây cản trở, ảnh hưởng đến hoạt động giao thông thủy, dòng chảy; quản lý tốt chất lượng môi trường khu vực (có quy định thu gom phần gốc, lá về vị trí tập kết để xử lý); có đăng ký khu vực, vị trí cụ thể để quản lý, theo dõi và hướng dẫn người dân thực hiện đúng quy định.

Lục bình phát triển không những cản trở dòng chảy, gây khó khăn cho giao thông đường thủy mà còn gây ô nhiễm nguồn nước, ảnh hưởng đến hoạt động tưới, tiêu đồng ruộng cũng như nuôi trồng thủy sản của người dân. Vì vậy, để diệt “nạn lục bình” trên sông đòi hỏi phải có sự phối hợp đồng bộ giữa các ngành, địa phương, tránh phát tán lục bình từ nơi này sang nơi khác, làm lấn chiếm lòng sông, gây cản trở lưu thông, ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt, sản xuất của người dân./.

Phong Nhã

Chia sẻ bài viết