Tiếng Việt | English

18/01/2021 - 20:05

Lưu giữ nghề làm lò đất

Khi xã hội ngày càng phát triển, chất lượng cuộc sống ngày càng được nâng cao, hình ảnh những lò đất dần bị thay thế bằng những sản phẩm hiện đại như bếp gas, bếp điện từ,... Nghề làm lò đất dần bị mai một, hiện nay, chỉ còn hộ ông Nguyễn Văn Ích (59 tuổi), ngụ ấp Vạn Phước, xã Mỹ Lệ, huyện Cần Đước, tỉnh Long An bám trụ với nghề.

Hỗn hợp đất nhào cùng tro trấu là nguyên liệu chính của lò đất

Hỗn hợp đất nhào cùng tro trấu là nguyên liệu chính của lò đất

Hơn 30 năm về trước, sau một lần tự mày mò làm ra chiếc lò đầu tiên với mục đích phục vụ nhu cầu sử dụng của gia đình, ông Ích "bén duyên" với nghề làm lò đất cho đến tận bây giờ. Ông tâm sự: “Hơn 30 năm gắn bó với nghề làm lò đất, giờ nó đã trở thành một phần cuộc sống gia đình tôi, thành viên nào cũng có thể làm được. Lúc trước, nó từng là kinh tế chính của gia đình. Bây giờ, khi cuộc sống gia đình có phần ổn định hơn, thêm vào đó, nguồn nguyên liệu không còn dồi dào nên việc sản xuất dần ít lại”.

Nguyên liệu chính là đất, được ông lấy từ sông về, phơi dưới nắng cho đến khi đạt độ khô nhất định sẽ mang ra nhào trộn với tro trấu theo tỷ lệ ngang nhau. Sau đó, ông sẽ tạo khuôn đế lò, thân lò, ống khói. Quy trình từ khi lấy đất đến khi cho ra một lò thành phẩm kéo dài từ 7-10 ngày, phụ thuộc vào điều kiện thời tiết. Lò đất gia đình ông sản xuất có 2 loại: Nấu củi và nấu trấu. Hiện tại, mỗi ngày, ông làm ra được 2 cái lò, giá bán dao động từ 100.000-120.000 đồng/cái. Đầu ra tiêu thụ sản phẩm tương đối ổn định.

“Tất cả công đoạn tôi đều làm thủ công. Bởi, chất lượng của lò phụ thuộc phần lớn vào đất, khi nhào đất bằng tay mới cảm nhận được “độ tới” của đất.
Thêm vào đó, lò phơi ngoài nắng tự nhiên sẽ khô từ từ, chắc chắn hơn lò nung và tránh được trường hợp bị ám màu của khói nung” - ông Ích chia sẻ thêm.

Cũng theo ông Ích, một trong những nguyên nhân khiến cho nghề làm lò đất từng nhộn nhịp ở một xóm giờ chỉ còn mỗi gia đình ông gắn bó là do cạn kiệt về nguồn nguyên liệu. Hiện nay, khi có nhiều hệ thống đê ngăn dòng chảy của sông, đất không còn phù sa và độ mặn nên có nhiều hạn chế trong việc lấy đất và cả về tuổi thọ của lò. Nếu cách đây khoảng 8 năm, một cái lò có thể sử dụng được 5-6 năm thì hiện tại chỉ còn 3-4 năm.

Khó khăn là vậy nhưng như câu “cái nghề là cái nghiệp”, mỗi ngày, ông Ích vẫn cần mẫn đi quãng đường hơn 1km ra sông Rạch Đào lấy đất rồi mang về nhà. Thấy vậy, chị Huỳnh Thị Đẹp (36 tuổi) - con dâu ông Ích, cũng thường xuyên phụ giúp các công đoạn như nhào đất, tạo khuôn đế. Lâu dần, chị thành thạo công việc và có thể tạo ra được một lò hoàn chỉnh khi có sẵn nguyên liệu. Chị Đẹp tâm sự: “Thấy gia đình có nghề, cha mẹ lớn tuổi nhưng vẫn muốn gắn bó với nghề nên ngoài thời gian nội trợ, tôi theo làm phụ, xem như cũng được truyền nghề, giữ cho đến khi nào cha tôi không lấy đất được nữa thì thôi”.

Tuy xã hội ngày càng phát triển, các thiết bị hiện đại như bếp điện từ, hồng ngoại dần được ưa chuộng, nhưng lò đất vẫn giữ được “vị thế” riêng của nó trong gian bếp ở những miền quê. Ông Ích cho biết thêm, dịp Tết Nguyên đán này, theo quan niệm dân gian về tục ông Công, ông Táo cầu mong sự may mắn, đủ đầy, nên lượng khách đặt mua lò đất của gia đình ông đã tăng khoảng 30% so với ngày thường từ giữa tháng 11 Âm lịch./.

Mộc An

Chia sẻ bài viết