Tiếng Việt | English

31/03/2017 - 19:03

Chọn “đường băng” để du lịch làng nghề cất cánh

Được biết đến là một trong những nơi còn lưu giữ nhiều nghề thủ công truyền thống: Dệt chiếu, làm trống, chạm khắc gỗ hay đóng ghe mũi đỏ,... nhưng đến nay, Long An vẫn chưa phát triển du lịch ở những làng nghề này.

Các hộ dệt chiếu ở xã Long Cang chủ yếu “mạnh ai nấy làm” nên rất khó phát triển du lịch

Lượt khách chỉ “đếm trên đầu ngón tay”

Trở lại xã Long Cang, huyện Cần Đước, ngày nay, dù công nghiệp phát triển nhưng nơi đây vẫn lưu giữ nghề truyền thống - dệt chiếu, như câu hát khá phổ biến “Đôi chiếu Long Cang nhịp nhàng em dệt. Bấy nhiêu tình em gửi hết vào trong”...

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Long Cang - Hồ Thị Thu Vân, nghề dệt chiếu chủ yếu có ở 4 ấp của xã, mỗi ấp có vài chục hộ gắn bó với nghề, trong đó có 4 hộ sản xuất lớn bằng máy, còn lại chủ yếu làm mang tính chất gia đình.

Dệt chiếu ở Long Cang được công nhận là làng nghề truyền thống, sản phẩm làm ra được bán cho thương lái tại địa phương, sau đó, thương lái bỏ hàng ở các tỉnh, thành phố lân cận.

Gia đình anh Trần Văn Tiến, ngụ ấp 1, xã Long Cang là một trong những hộ dệt chiếu bằng máy. Với truyền thống 3 đời sống bằng nghề dệt chiếu thủ công, đến đời thứ 3, anh chuyển sang làm bằng máy từ hơn 7 năm nay. Hiện tại, nhà anh Tiến có 5 máy dệt chiếu, mỗi ngày làm ra khoảng 100 tấm chiếu loại thường hoặc 50 tấm chiếu ô cờ.

Anh Tiến cho rằng: “Bây giờ, thuê nhân công dệt chiếu rất khó vì người trẻ đa số đi làm công nhân trong các khu công nghiệp. Từ khi Long Cang phát triển công nghiệp, diện tích trồng lát cũng thu hẹp dần nên có khi phải mua nguyên liệu ở các tỉnh miền Tây. Nghề này thu nhập không cao nhưng vì là nghề truyền thống nên gia đình tôi cố gắng lưu giữ”.

Việc lưu giữ giá trị truyền thống là đáng quý nhưng những người giữ nghề sẽ vui hơn nếu những nghề “cha truyền con nối” được nhiều người biết đến. Đó sẽ là niềm tự hào, động lực để họ tiếp tục sống với nghề. Tuy nhiên, theo anh Tiến, nghề dệt chiếu ở Long Cang được biết đến chủ yếu qua lời hát, câu thơ và qua các bài báo, rất ít khách đến tham quan.

Anh Tiến nhớ lại: “Vài năm trước, Đài Truyền hình VTC16 quay chương trình, có đưa khách đến tham quan, tìm hiểu nghề dệt chiếu. Hoặc thỉnh thoảng có sinh viên làm đề tài tốt nghiệp cũng ghé đây tìm hiểu, còn khách du lịch hầu như không có, ngoại trừ một đoàn khách từ miền Trung đến tham quan nghề dệt chiếu cách đây khá lâu”.

Ngoài Long Cang, xã An Nhựt Tân, huyện Tân Trụ cũng là nơi nổi danh với nghề dệt chiếu truyền thống từ lâu đời.

Tuy nhiên, Chủ tịch UBND xã An Nhựt Tân - Nguyễn Ngọc Thanh Phương thông tin: “Thỉnh thoảng, cũng có vài người nước ngoài ghé vào xem dệt chiếu rồi chụp hình vì thấy nghề này lạ, có gì đó lôi cuốn họ. Đến Khu di tích lịch sử Vàm Nhựt Tảo, viếng Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực, cũng có người dừng lại xem dệt chiếu ở một số gia đình gần khu di tích chứ chưa có khách tham quan thật sự”.

Còn ở xã Mỹ Lệ, huyện Cần Đước, nghề làm bánh phồng đang dần mai một, chỉ còn vài hộ bám trụ. Bà Nguyễn Thị Cúc, ở ấp Rạch Đào, xã Mỹ Lệ, là một trong những người có hơn 40 năm gắn bó với nghề thủ công truyền thống. Nhà bà Cúc cũng là điểm trải nghiệm một ngày với nghề truyền thống của đội thiếu sinh quân Ấn Độ vào năm 2011.

Bà Cúc chia sẻ: “Năm đó, nhiều người nước ngoài còn rất trẻ đến đây học làm bánh phồng. Khi được tận tay cán bột, nướng bánh, các cháu rất thích thú. Tôi cũng vui khi được hướng dẫn nghề truyền thống của địa phương với khách”.

Nhưng, ngoài đoàn khách đến từ Ấn Độ, hầu như chưa có khách tham quan tìm đến với làng nghề nên mỗi ngày trôi qua, nghề truyền thống cứ lặng lẽ, đìu hiu với cảnh làm bánh rồi mang ra chợ bán cho thương lái.

Phải liên kết được các điểm

Việc phát triển du lịch ở một số làng nghề truyền thống góp phần đưa thương hiệu sản phẩm truyền thống ngày càng bay xa và đó cũng là một trong những sản phẩm du lịch, quà lưu niệm phục vụ khách tham quan. Tuy nhiên, thời gian qua, việc phát triển du lịch ở làng nghề truyền thống chưa phát huy.

Theo anh Trần Văn Tiến, hiện nay, các hộ làm chiếu ở xã Long Cang chủ yếu “mạnh ai nấy làm” nên để phát triển du lịch, các hộ cần liên kết thành tổ hợp tác hoặc hợp tác xã thì điều kiện phát triển du lịch sẽ dễ hơn. “Người dân chúng tôi sẵn sàng đồng ý nếu phát triển được loại hình homestay trải nghiệm nghề truyền thống để phát triển du lịch. Còn với khó khăn như hiện nay, giữ được nghề đã mừng, còn phát triển du lịch chỉ là hy vọng” - anh Tiến nói thêm.

Đoàn thiếu sinh quân Ấn Độ từng đến tham quan, trải nghiệm thực tế nghề làm bánh phồng ở xã Mỹ Lệ

Phó Chủ tịch UBND xã Long Cang - Hồ Thị Thu Vân cho biết thêm: “Dù Long Cang được nhiều người biết đến với nghề dệt chiếu truyền thống nhưng chưa thể phát triển du lịch vì trên địa bàn xã không có điểm để kết nối thành tour, tuyến du lịch. Nếu có phát triển du lịch thì chỉ kết nối làng nghề truyền thống dệt chiếu Long Cang với Di tích lịch sử Vàm Nhựt Tảo của xã An Nhựt Tân bằng đường thủy qua phà Long Cang - An Nhựt Tân, nhưng gặp khó vì bên An Nhựt Tân cũng có nghề dệt chiếu truyền thống”.

Có “thế mạnh” hơn xã Long Cang khi huyện Tân Trụ có nghề làm trống truyền thống ở xã Bình Lãng, nghề dệt chiếu và Khu di tích lịch sử Vàm Nhựt Tảo ở xã An Nhựt Tân có thể kết nối thành tuyến du lịch nhưng lâu nay vẫn chưa phát huy hiệu quả.

Chủ tịch UBND xã An Nhựt Tân - Nguyễn Ngọc Thanh Phương cho rằng: “Để phát triển du lịch với nghề truyền thống thì sản phẩm của những nghề này cần có thương hiệu. Hơn nữa, Khu di tích lịch sử Vàm Nhựt Tảo hàng năm thu hút rất nhiều người tìm đến nên phía trước cổng khu di tích cần có không gian trưng bày sản phẩm từ các nghề truyền thống của địa phương như trống, chiếu để giới thiệu, quảng bá hình ảnh đến khách tham quan”.

Đề án “Chiến lược phát triển sản phẩm du lịch tỉnh Long An đến năm 2020, định hướng đến năm 2030” xác định, Long An là địa phương với thế mạnh về nông nghiệp với hàng trăm trang trại và làng nghề nên việc phát triển du lịch nông thôn mà trọng tâm là du lịch trang trại, làng nghề là cần thiết.

Tuy nhiên, để phát triển loại hình du lịch này trong thế cạnh tranh như hiện nay, đề án cũng nêu rõ, trong hệ thống hàng trăm làng nghề truyền thống ở Long An, cần lựa chọn những làng nghề tiêu biểu, mang tính đại diện cho nghề truyền thống địa phương, song không trùng lắp hoặc còn giữ bản sắc hơn so với các làng nghề cùng loại ở địa phương khác trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Đồng thời, đề xuất chương trình đầu tư, bảo tồn và phát huy các giá trị làng nghề gắn với du lịch, trong đó, cần tập huấn kỹ năng tham gia làm du lịch cho cộng đồng ở làng nghề.

Chiến lược phát triển sản phẩm du lịch đến năm 2020 đã có. Hy vọng, du lịch Long An sẽ đổi mới, trong đó có sự gắn kết để du lịch làng nghề truyền thống cũng đổi thay theo hướng tích cực. Từ đó, làng nghề mãi còn sức sống và những nét văn hóa đặc trưng của Long An mãi được gìn giữ, giới thiệu đến khách tham quan./.

Thùy Hương

Chia sẻ bài viết