Chợ Đệm là địa danh quen thuộc trong suốt những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, cũng là nơi được nhắc đến khá nhiều trong các tài liệu về khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám năm 1945 tại Tân An.
Giai đoạn 1945-1956, Chợ Đệm thuộc Trung Quận, tỉnh Chợ Lớn, giáp ranh tỉnh Tân An. Long An ngày nay bao gồm một phần tỉnh Chợ Lớn và tỉnh Tân An ngày ấy.
Với địa thế thuận lợi, Chợ Đệm là nơi tổ chức các cuộc họp Xứ ủy chuẩn bị cho Cách mạng Tháng Tám. Và đình Tân Túc là một trong những địa điểm được chọn để chuẩn bị cho cuộc tổng khởi nghĩa mùa thu 79 năm về trước.
Cổng sau của đình Tân Túc
1. Đình Tân Túc vốn là “chứng nhân” của thời mở đất. Khi lưu dân đàng ngoài ổn định cuộc sống ở vùng đất mới, họ xây đình, lập nên kỷ cương làng xã. Mái đình Tân Túc là nơi họp bàn công việc trong cộng đồng, nơi vui chơi, giải trí của người dân.
Khi đất nước không còn bình yên bởi quân thù, mái đình trăm tuổi trở thành nơi gặp gỡ của những người làm cách mạng.
Với địa thế thuận lợi: Cổng chính nhìn ra sông Chợ Đệm, đường giao thông chính để về tỉnh Sài Gòn, tỉnh Tân An; mặt sau thông ra hương lộ 8, cũng nối thông với tỉnh Sài Gòn và các tỉnh miền Tây, đình Tân Túc là nơi tập hợp lực lượng quần chúng, nơi xuất phát của nhiều cuộc đấu tranh vũ trang trong giai đoạn chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.
Trong Cách mạng Tháng Tám nói riêng và suốt thời kỳ chống thực dân Pháp nói chung, đình Tân Túc là nơi tập hợp lực lượng nổi dậy cướp chính quyền; trụ sở Ủy ban Hành chính xã Tân Túc; nơi đóng quân của Đại đội Tân Túc; nơi tập kết, cung cấp lương thực, thực phẩm cho mặt trận Chợ Đệm.
Các hội nghị Xứ ủy lần 1, 2, 3 chuẩn bị cho Cách mạng Tháng Tám đều được tổ chức tại Chợ Đệm. Quyết định Tân An làm khởi nghĩa thí điểm, lấy kinh nghiệm cho Sài Gòn và các tỉnh được đưa ra, thống nhất tại Hội nghị Xứ ủy lần 2. Cách mạng Tháng Tám chính thức “khởi động” sau khi khởi nghĩa tại tỉnh lỵ Tân An thành công.
Đình đang được trùng tu, xây dựng lại, mỗi ngày, ông Huỳnh Văn Hà (Phó ban Quản lý Di tích lịch sử Đình Tân Túc, Trưởng ban Hội hương đình Tân Túc) vẫn đến thắp nhang bàn thờ Thần và Bác trong khu vực kho lưu trữ
Trong khuôn viên đình Tân Túc, dưới tán hàng me cổ thụ là nơi lực lượng Thanh niên Tiền phong của Tân Túc tập luyện võ nghệ, học cách sử dụng vũ khí, sắp xếp đội hình, đội ngũ, chuẩn bị cho ngày nổi dậy.
Ngày 24/8/1945, theo lệnh tổng khởi nghĩa, lực lượng này từ đình Tân Túc nhanh chóng chiếm trụ sở nhà làng và Cách mạng Tháng Tám tại Chợ Đệm thành công.
Sau đó, đình Tân Túc là nơi người dân trong vùng tập hợp xuất phát tham gia cuộc biểu dương lực lượng vào ngày 02/9 tại Sài Gòn.
Những ký ức hào hùng đó được người dân Tân Túc truyền lại và ghi nhớ mãi đến hôm nay.
Ông Huỳnh Văn Hà (Phó ban Quản lý Di tích lịch sử Đình Tân Túc, Trưởng ban Hội hương đình Tân Túc) kể: “Ngày trước, khu vực quanh đình khá hoang vu, rậm rạp. Phía bờ sông, dừa nước mọc kín, trong sân đình có mấy hàng cây me lớn mọc ra đến gần bờ sông. Một trong số những gốc cây đó ngày trước có hộp thư bí mật của cách mạng ta. Tiếc là theo thời gian, mấy hàng cây không còn nữa. Trong khuôn viên đình có thêm nhà lưu niệm, nơi thờ ảnh Bác và trưng bày tài liệu, hiện vật về giai đoạn đấu tranh hào hùng của quân và dân vùng Chợ Đệm cũng như tại đình Tân Túc”.
2. Khi đất nước thống nhất, mái đình xưa trở về với vai trò cũ, là nơi sinh hoạt tín ngưỡng, cộng đồng của người dân trong khu vực.
Mỗi năm một lần, lễ Kỳ yên được tổ chức tại đình vào ngày 15, 16/11 theo nghi thức truyền thống. Người dân trong vùng về đình cầu mong bình an cho quê hương, gia quyến.
“Trong đình, ngoài bàn thờ thần còn có bàn thờ Bác nên mấy mươi năm nay, ngày nào tôi cũng sang đình thắp nhang. Nhà ở gần đình nên tôi thấy việc làm đó là đương nhiên và nên làm” - ông Hà chia sẻ.
Đình Tân Túc nhìn ra sông Chợ Đệm
Trong tâm khảm của ông Hà, đình Tân Túc không chỉ gắn liền với đời sống tinh thần của cộng đồng, xã hội mà còn là niềm tự hào về một giai đoạn kháng chiến hào hùng của dân tộc. Vậy nên, khi đình Tân Túc được công nhận là Di tích lịch sử cấp thành phố, ông Hà sẵn sàng làm “hướng dẫn viên tại điểm” khi cần.
Ông đưa khách tham quan một vòng quanh đình, chỉ rõ vị trí hàng me từng là hộp thư bí mật, ao cá từng là nơi thoát hiểm của cán bộ ta,...
Năm 2023, đình Tân Túc được trùng tu, xây dựng lại sau thời gian dài xuống cấp, ông Hà vẫn lui tới mỗi ngày để thắp nhang bàn thờ Thần và Bác trong khu vực kho lưu trữ khi công trình đang thi công.
Phó Chủ tịch UBND thị trấn Tân Túc, huyện Bình Chánh, TP.HCM - Võ Thị Mỹ Thảnh cho biết: Từ khi đình Tân Túc được công nhận là Di tích lịch sử, ngày càng có nhiều người biết và tìm đến thăm. Đình Tân Túc trở thành "địa chỉ đỏ" giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ tại địa phương.
Lực lượng đoàn viên, thanh niên ngoài thường xuyên đến chăm sóc di tích còn triển khai các hoạt động giới thiệu về di tích trên các nền tảng mạng xã hội để tăng sức lan tỏa.
Trừ giai đoạn đình xuống cấp, phải tạm ngưng các hoạt động tham quan để bảo đảm an toàn thì vào các dịp lễ, tết hàng năm, chính quyền địa phương, đoàn viên, học sinh trên địa bàn thị trấn thường đến thắp nhang, ôn lại truyền thống lịch sử tại đình.
Hiện nay, đình trong quá trình trùng tu, sửa chữa, dự kiến sẽ hoàn tất trong năm 2025, đáp ứng nguyện vọng, mong mỏi của người dân địa phương suốt những năm qua.
Mái đình trăm tuổi bên dòng sông Chợ Đệm đang được xây dựng lại theo nguyên mẫu trước đây.
Công trình hoàn thành sẽ mang đến niềm vui cho người dân trong vùng, bởi với họ, mái đình Tân Túc không chỉ có giá trị về mặt tín ngưỡng, tinh thần mà còn là biểu trưng cho lòng yêu nước, anh hùng của dân ta trong những năm kháng chiến.
Đình Tân Túc có thể nói đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình. Giờ đây, mái đình là nơi người trẻ tìm về quá khứ hào hùng, từ đó thêm hiểu và trân trọng nền hòa bình đang có.
Vẫn trên nền đất cũ, kiến trúc cũ, đình Tân Túc - một "chứng nhân" của Cách mạng Tháng Tám năm nào sẽ sớm ngày trở lại, để thỏa những mong chờ của người dân Chợ Đệm./.
Quế Lâm