Nhà Tổng Thận - chứng tích Cách mạng Tháng Tám năm 1945
Ký ức mùa thu ấy…
Góp phần vào sự thành công của Cách mạng Tháng Tám, Đảng bộ Tân An (ngày nay là Long An) thể hiện tinh thần năng động, sáng tạo, đoàn kết, thống nhất nội bộ, tự cường, lãnh đạo nhân dân tiến hành khởi nghĩa và giành toàn thắng tại tỉnh lỵ Tân An.
Trong cuốn Lịch sử Đảng bộ tỉnh Long An (1930-2000) có đoạn: Ngày 19/8/1945, khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi ở Thủ đô Hà Nội. Đêm 20 và sáng ngày 21/8/1945, Xứ ủy Nam Kỳ họp Hội nghị mở rộng lần thứ 2 và 3 tại Chợ Đệm, quyết định cho Tân An khởi nghĩa thí điểm.
Đồng chí Nguyễn Văn Hoằng nhận mệnh lệnh của Xứ ủy về chỉ đạo khởi nghĩa tại Tân An. Khi đồng chí Hoằng chưa về đến Tân An thì bỗng có tin đàng thổ dậy.
Trước tình hình đó, Tỉnh ủy phán đoán chớp thời cơ hành động. Đến 15 giờ ngày 21/8/1945, toàn bộ công sở, dinh cơ, trại lính, kho bạc, công xưởng,... về tay cách mạng.
Sáng ngày 22/8/1945, 4.000 người với tầm vông, giáo mác, mang dấu hiệu cờ đỏ sao vàng đổ về sân banh tỉnh lỵ tham gia cuộc mít-tinh chào mừng cách mạng thành công.
Đoàn người vừa đi, vừa hô vang khẩu hiệu “Việt Nam độc lập muôn năm!”. Đại diện Ủy ban Hành chính lâm thời tỉnh Tân An - Chủ tịch Nguyễn Văn Trọng tuyên bố: “Chính quyền Tân An đã về tay nhân dân!”.
Mô hình phục dựng cuộc họp quan trọng của Tỉnh ủy Tân An tại Di tích lịch sử Nhà Tổng Thận
Tỉnh Chợ Lớn (gồm các quận: Cần Đước, Cần Giuộc, Đức Hòa, Trung Quận xưa, ngày nay phần lớn địa bàn thuộc Long An) do vị trí đặc biệt gắn liền với Sài Gòn nên cuộc khởi nghĩa giành chính quyền được tiến hành cùng ngày với Sài Gòn theo chủ trương của Xứ ủy.
Cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở tỉnh Tân An thắng lợi rực rỡ, vượt kế hoạch của Xứ ủy đề ra một ngày. Điều đó đã ảnh hưởng rất mạnh mẽ đến các địa phương xung quanh như Trung Quận, Cần Đước, Đức Hòa (tỉnh Chợ Lớn) và Chợ Gạo, Châu Thành (tỉnh Mỹ Tho),…
Nhà Tổng thận - Chứng tích Cách mạng Tháng Tám
Gần 80 năm trôi qua, tại TP.Tân An ngày nay, hai địa chỉ quan trọng nhắc nhớ những ngày Cách mạng Tháng Tám hào hùng năm xưa chính là “Nhà 17” và “Nhà Tổng Thận”.
“Nhà 17”, đường Nguyễn Duy trước Cách mạng Tháng Tám chính là nhà thuốc Minh Xuân Đường do lương y Lê Minh Xuân làm chủ. Đây là điểm hoạt động bí mật của Đảng trong khoảng 10 năm (1936-1945). Đặc biệt, đây là nơi Đảng bộ Tân An từng mở một số hội nghị quan trọng, ra quyết định cho cuộc giành chính quyền ở tỉnh lỵ vào tháng 8/1945.
Vào cuối tháng 6/1945, Tỉnh ủy lâm thời tiến hành hội nghị mở rộng đầu tiên tại nhà thuốc Minh Xuân Đường, có 16 đồng chí tham dự. Hội nghị đã xúc tiến những nội dung quan trọng là vạch kế hoạch sửa soạn khởi nghĩa ở tỉnh lỵ và phân công lãnh đạo giành chính quyền ở các quận.
Sau khi cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền thành công, chiều tối ngày 22/8/1945, Tỉnh ủy Tân An họp công khai lần đầu tại khu lầu nhà Tổng Thận, từ đó nhà thuốc Minh Xuân Đường cũng hoàn thành nhiệm vụ lịch sử, chấm dứt vai trò hoạt động bí mật sau nhiều năm.
Nằm dọc bờ sông Bảo Định, tại số 19, đường Ngô Quyền ngày nay chính là di tích Nhà Tổng Thận. Với không gian cổ kính, trước đây là ngôi tư gia của ông Trần Khắc Thận, xuất thân trong gia đình vọng tộc thân Pháp.
Cuối thế kỷ XIX, ông được thực dân Pháp bổ nhiệm về tỉnh Tân An làm Cai tổng, tổng Thạnh Hội Thượng. Khoảng năm 1892-1893, ông cho xây ngôi nhà theo kiểu kiến trúc biệt thự Pháp. Kể từ đó, người Tân An thường gọi đây là “nhà Tổng Thận”. Đây còn là trụ sở hoạt động công khai đầu tiên của Tỉnh ủy Tân An sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công. Nhà Tổng Thận được UBND tỉnh xếp hạng di tích cấp tỉnh năm 1998.
Hiện nay, ngoài giá trị lịch sử, Nhà Tổng Thận còn có giá trị về kiến trúc nghệ thuật; là một trong những công trình theo kiểu biệt thự Pháp còn sót lại, minh chứng về một thời kỳ lịch sử của đất và người Tân An xưa.
Kỳ tích trên vùng đất anh hùng
Trong cuộc kháng chiến của dân tộc, Long An là địa bàn chiến lược của ta lẫn của địch. Được xem là chiến trường hết sức ác liệt, diễn ra sự giằng co quyết liệt giữa 2 bên trong sự không cân sức với phần yếu về lực nghiêng về ta. Nhưng với tinh thần năng động, sáng tạo, mưu trí, dũng cảm, quân và dân Long An tạo thế và lực mới, làm nên truyền thống “Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc”, góp phần giành toàn thắng cùng miền Nam và cả nước.
Diện mạo mới của TP.Tân An hôm nay
Tỉnh từng bước khắc phục hậu quả chiến tranh, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giữ vững an ninh chính trị, góp phần hình thành và tổ chức thực hiện hiệu quả các chủ trương lớn có tính đột phá.
Đó là xóa bao cấp trên lĩnh vực phân phối lưu thông, thực hiện chương trình khai phá Đồng Tháp Mười, triển khai các công trình trọng điểm về KT-XH, xây dựng nông thôn mới, ứng dụng công nghệ cao trên lĩnh vực nông nghiệp,...
Long An là vùng đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa và cách mạng, nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và là cửa ngõ nối liền Đông Nam Bộ với khu vực Đồng bằng sông Cửu Long; giáp ranh trung tâm kinh tế năng động TP.HCM, có biên giới, cửa khẩu quốc tế, cảng quốc tế cùng hệ thống giao thông kết nối vùng, liên vùng khá hoàn chỉnh, thuận lợi cho phát triển công nghiệp, thương mại - dịch vụ và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Người dân Long An trung dũng, kiên cường trong kháng chiến, cần cù, chịu khó trong lao động, sản xuất. Các thế hệ lãnh đạo, cán bộ, đảng viên có truyền thống đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường, khát vọng vươn lên.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh có hơn 18.300 doanh nghiệp đăng ký hoạt động (trong đó có gần 14.000 doanh nghiệp đang hoạt động) với tổng vốn đăng ký hơn 381.650 tỉ đồng. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt. Năm 2010, tỉnh không còn xã nghèo và tỷ lệ hộ nghèo giảm dần theo từng năm.
Có thể nói, kỳ tích trong phát triển KT-XH của Long An có các yếu tố thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Đó chính là thành quả của sự đồng tâm hiệp lực của Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh, bắt nguồn sâu xa từ những bài học của Cách mạng Tháng Tám. Đây cũng là một kết quả từ tầm nhìn và chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo tỉnh, nhất là việc tập trung phát triển hạ tầng làm nền tảng đột phá, đưa công nghiệp phát triển mạnh mẽ.
Phát huy truyền thống và kết quả đã đạt, tỉnh quyết tâm hoàn thành mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra “Đến năm 2025 giữ vững vị trí dẫn đầu Vùng Đồng bằng sông Cửu Long và đến năm 2030, phấn đấu trở thành tỉnh phát triển khá trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam”./.
Thanh Nga