Ngoài thờ Thành hoàng, đình Bình Lục còn thờ Bác, 8 Mẹ Việt Nam Anh hùng và 61 liệt sĩ là con em của ấp 2, xã Phước Tân Hưng, huyện Châu Thành
Nhà ở ngay cạnh đình Bình Lục (ấp 2, xã Phước Tân Hưng), bà Huỳnh Thị Lang thường xuyên sang đình dọn dẹp, quét lá cây rụng trước sân đình. Khi đình được xây dựng lại, gia đình bà Lang cũng tham gia hiến đất mở rộng sân đình và đường vào đình.
Theo bà Lang, việc làm đó là lẽ hiển nhiên bởi trong tâm thức của bà cũng như người dân trong ấp, đình Bình Lục không thể thiếu trong đời sống tinh thần ở địa phương.
Cây đa, giếng nước, sân đình vốn là hình ảnh quen thuộc từ ngàn xưa khi nhắc đến làng quê Việt Nam. Đình làng vừa là nơi thờ Thành hoàng bổn cảnh, chở che cho người dân trong làng, vừa là nơi sinh hoạt cộng đồng, cũng là biểu trưng cho tính hợp pháp của làng xã.
Theo lịch sử Đảng bộ xã Phước Tân Hưng, cuối thế kỷ XIX, xã Phước Tân Hưng có tên là làng Bình Lục, thuộc địa phận huyện Cửu An, tỉnh Gia Định, giáp ranh làng Tân Xuân. Nhiều căn cứ cho rằng đình Bình Lục xây dựng khoảng thế kỷ thứ XVIII, XIX, cùng giai đoạn với đình Tân Xuân.
Theo bà Trương Thị Ngà (SN 1934), từ khi mới 9, 10 tuổi, bà đã giúp cha đội xôi đi cúng đình. Trong ký ức của bà, đình lúc đó rất rộng, mỗi dịp cúng đình đều có hát bội. Một vài vị cao niên tại địa phương cho biết, trước khi được di dời về vị trí hiện tại, đình Bình Lục được xây dựng ở khu vực cạnh sông Rạch Cũi (thuộc ấp 4, xã Phước Tân Hưng ngày nay).
Đình Bình Lục vốn là nơi sinh hoạt văn hóa tinh thần của người dân. Bao lần đình bị phá dỡ, hư hỏng nặng, Nhân dân địa phương đều chung tay dựng lại mái đình.
Trưởng ban Quản lý đình Bình Lục - Nguyễn Văn Thọ cho biết: “Đình Bình Lục được người dân trân trọng, lệ cúng đình hàng năm đều do bà con chung tay tổ chức. Đình không chỉ có ý nghĩa trong đời sống tinh thần mà còn là minh chứng cho lòng yêu nước của người dân vùng này”.
Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, đình là nơi hoạt động của Việt Minh; địa điểm hội họp nhằm xây dựng, móc nối cơ sở cách mạng; nơi tiếp tế lương thực cho các chiến sĩ cách mạng nằm vùng và các chiến sĩ du kích hoạt động.
Năm 1944, thực dân Pháp dỡ đình. Người dân lại cùng nhau góp tre, lá xây lại đình. Sau năm 1945, đình Bình Lục là nơi cán bộ cách mạng mở lớp dạy học, tuyên truyền tư tưởng cách mạng. Người dân mượn cớ viếng thăm đình để được lĩnh hội các lý tưởng cách mạng, nung nấu ý chí quyết tâm chống ngoại xâm.
Nhà bia ghi danh anh hùng liệt sĩ tại ấp 2, xã Phước Tân Hưng, huyện Châu Thành được xây dựng trong sân đình Bình Lục
Năm 1968, khi thấy lá cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam trên ngọn cây me trong sân đình Bình Lục, lính Mỹ cho bắn pháo vào đình, khiến đình bị hư hỏng nặng. Người dân trong vùng lại chung tay dựng lại đình. “Sau giải phóng, sân đình được cất thêm lớp học bình dân học vụ, lớp xóa mù chữ, lớp mẫu giáo, địa điểm sinh hoạt văn hóa của ấp.
Giờ đây, ngoài thờ Thành hoàng, đình còn thờ Bác, 8 Mẹ Việt Nam Anh hùng và 61 liệt sĩ là con em của ấp 2, xã Phước Tân Hưng. Bên cạnh đình là nhà bia ghi danh liệt sĩ, nhà văn hóa ấp. Cho tới bây giờ, đình Bình Lục vẫn giữ nguyên giá trị là nơi thờ cúng, nơi sinh hoạt cộng đồng, lại còn là nơi thể hiện lòng biết ơn đối với sự hy sinh của lớp người đi trước” - ông Nguyễn Văn Thọ nói.
Trải qua bao thăng trầm lịch sử, thời gian gần đây, đình Bình Lục xuống cấp nghiêm trọng. Nhờ sự đóng góp của người dân và các nhà hảo tâm gần xa, đình được xây dựng lại khang trang, đáp ứng mong mỏi của người dân địa phương.
Đồng hành cùng sự phát triển của làng Bình Lục xưa, xã Phước Tân Hưng ngày nay, biết bao lần bị tháo dỡ, tàn phá, xuống cấp, đình Bình Lục vẫn giữ nguyên giá trị trong lòng người dân. Đình tồn tại là minh chứng cho truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” và ý thức giữ gìn những giá trị tốt đẹp của dân tộc. Được biết, địa phương cùng Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang trong quá trình tìm hiểu thông tin, lập hồ sơ đề nghị công nhận đình Bình Lục là Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh./.
Quế Lâm