Tiếng Việt | English

21/05/2018 - 15:06

Mía “đắng”

Khoảng 4 năm gần đây, giá mía thấp nên người trồng mía ở xã Tân Thành, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An gặp rất nhiều khó khăn. Đỉnh điểm là năm nay, hầu hết người trồng mía đều lỗ nặng. Vì thế, nông dân chuyển đổi cây trồng khác để tự cứu mình.

Người dân "kêu cứu" vì giá mía thấp

Vụ mía năm nay, gia đình ông Nguyễn Văn Tím (58 tuổi), ngụ ấp 3 lỗ nặng. 3ha mía, gia đình ông thu hoạch hơn 200 tấn nhưng chỉ bán được với giá 100.000 đồng/tấn (những năm trước 400.000-500.000 đồng/tấn) nên lỗ khoảng 20 triệu đồng/ha. Trong khi đó, gia đình ông đang nợ ngân hàng 40 triệu đồng vốn vay phục vụ sản xuất. Với hoàn cảnh hiện tại của gia đình ông, có thể nói khó khăn chồng chất khó khăn. Ông Tím than thở: “Giá mía quá thấp, bán mà phải năn nỉ thương lái để thu được đồng nào đỡ đồng đó. Tôi mong Nhà nước có hướng giúp đỡ nông dân; đồng thời, ngân hàng khoanh nợ và tiếp tục cho vay để nông dân sản xuất vụ sau”.

Hiện, toàn xã có 1.354ha mía, chiếm hơn 1/3 diện tích sản xuất nông nghiệp trên địa bàn, tập trung ở 3 ấp: 3, 4 và 5. Nghề trồng mía tồn tại ở đây hơn 20 năm nay. Nếu trước đây, cây mía giúp người dân “sống được” thì nay, nó làm người dân kiệt quệ vì giá quá thấp và không có nơi tiêu thụ. Hiện, nhiều người dân lo lắng không biết làm gì trong vụ kế tiếp.

Vụ mía năm nay, 1ha mía, nông dân lỗ khoảng 20 triệu đồng

Vụ mía năm nay, 1ha mía, nông dân lỗ khoảng 20 triệu đồng

Bà Nguyễn Thị Dung (61 tuổi), ngụ ấp 3, bộc bạch: “Vụ mía năm nay, gia đình tôi trồng 1ha, lỗ hơn 20 triệu đồng. Gia đình tôi cũng muốn chuyển sang cây trồng khác nhưng đang phân vân và lo lắng, vì không có vốn đầu tư cho cây trồng mới và thiếu kinh nghiệm”.

Phó Chủ tịch UBND xã Tân Thành - Lê Thị Thu Hà cho biết: “Trước tình hình giá mía thấp như hiện nay, bị lỗ nặng, xã không khuyến khích tiếp tục trồng mía. Xã đề xuất cấp trên đầu tư hoàn thiện hạ tầng trên địa bàn ấp 3 - nơi được quy hoạch Khu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, giúp người dân phát triển kinh tế hiệu quả hơn. Và hướng đến, nhân rộng Khu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đến ấp 4 và 5”.

Chuyển đổi cây trồng

Vụ mía năm nay, gia đình ông Nguyễn Văn Hải (63 tuổi), ngụ ấp 4, trồng 1ha, lỗ 30 triệu đồng. Do đó, ông Hải mạnh dạn chuyển sang cây trồng khác dù 1 gốc mía làm được 3 vụ nhưng gia đình ông mới thu hoạch vụ đầu. Ông Hải cho biết: “Hơn 20 năm gắn bó với cây mía nhưng chưa năm nào, giá mía lại thấp như năm nay. Dù biết chi phí cải tạo đất, đầu tư cây trồng mới là rất lớn nhưng tôi vẫn quyết định chuyển đổi cây trồng để tự cứu mình. Gia đình tôi chuẩn bị trồng mít. Để đạt kết quả cao, tôi tự tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm trồng mít cũng như nguồn thu mua. Hy vọng rằng, cây mít sẽ giúp gia đình tôi phát triển kinh tế hơn”.

Người dân mong muốn được ngân hàng khoanh nợ và tiếp tục cho vay để sản xuất

Còn anh Đặng Thanh Phong (48 tuổi), ngụ ấp 3, chia sẻ: “Với 3ha sản xuất mía trước đây, tôi dần chuyển 2ha sang trồng cây mì được hơn 1 năm nay. Mặc dù 1ha mía lỗ khoảng 30 triệu đồng nhưng nhờ cây mì bù lại nên gia đình tôi cũng đỡ hơn so với các gia đình trồng mía khác. Vì mới thu hoạch mía vụ đầu nên tôi tiếp tục làm thêm vụ nữa. Tuy nhiên, sau gốc mía này, tôi sẽ chuyển toàn bộ diện tích sang trồng mì”.

Bà Lê Thị Thu Hà cho biết thêm: “Để tạo điều kiện cho người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, xã phối hợp tổ chức các lớp dạy nghề cho lao động nông thôn: Kỹ thuật trồng cây chanh, mai vàng; kỹ thuật chăn nuôi trâu, bò. Hướng tới, xã phối hợp tăng cường mở nhiều lớp hơn nữa để chuyển giao khoa học - kỹ thuật, đáp ứng nhu cầu về sản xuất của người dân”.

Ngán ngẩm với giá mía thấp, người dân dần chuyển sang cây trồng mới. Tuy nhiên, một số người vẫn tiếp tục “gồng mình” với cây mía, bởi không đủ vốn chuyển đổi cây trồng khác. Mong rằng, các cấp, các ngành quan tâm hơn nữa và có hướng đi phù hợp cho những người trồng mía./.

Ngọc Thạch

Chia sẻ bài viết