Tiếng Việt | English

08/02/2023 - 08:52

Miếu Bà Ngũ Hành - Biểu trưng cho tín ngưỡng thờ nữ thần

Miếu Bà Ngũ Hành ở xã Long Thượng, huyện Cần Giuộc là nơi diễn ra Lễ hội Vía Bà vào dịp cuối tháng Giêng. Ngoài những giá trị về niên đại, mỹ thuật thì miếu Bà Ngũ Hành còn là một phần quan trọng trong đời sống tín ngưỡng tâm linh của người dân xã Long Thượng, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An cho đến ngày nay.

Miếu Bà Ngũ Hành khi được xây dựng lại vẫn giữ nguyên kiến trúc cũ, chỉ nâng cao lên

Chánh Hội trưởng Ban Hội hương miếu Bà Ngũ Hành - Nguyễn Văn Công kể, ông cũng như những người dân khác trong vùng, lớn lên đã thấy miếu Bà Ngũ Hành tồn tại như một sự hiển nhiên. Không ai rõ về quá trình hình thành của miếu nhưng tất cả mọi người đều giữ niềm tin tín ngưỡng và chung tay giữ gìn những giá trị tốt đẹp của cha ông.

Thờ Bà Ngũ Hành là tín ngưỡng truyền thống của dân tộc ta, xuất phát từ cội nguồn nền văn minh lúa nước. Người Việt xưa quan niệm đất, nước, lúa đều mang nguyên tố âm, từ đó, hình ảnh người mẹ được chọn là đấng sáng tạo, đấng sinh thành của vũ trụ, đất nước, con người. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, trong đời sống tinh thần và tâm linh, nhiều sự vật, hiện tượng trong tự nhiên được cho là hóa thân của các nữ thần như thần nước, thần lửa, thần đất,... thành Bà Thủy, Bà Hỏa, Bà Chúa Xứ hay Bà Trời, Bà Đất, Bà Nước,... và việc thờ các nữ thần được phát triển sâu, rộng trong tâm thức người Việt.

Hương án Bà Ngũ Hành tại miếu Bà Ngũ Hành (xã Long Thượng) là bảng khắc gỗ sơn son thếp vàng

Miếu Bà Ngũ Hành nằm đối diện chợ Long Thượng, được cho là hình thành vào khoảng thế kỷ thứ XIX, khi những lưu dân người Việt đến định cư tại Bến Nghé ngày càng nhiều và có xu hướng tiếp tục phát triển tới vùng Rạch Cát. Và khi một ngôi làng mới được hình thành thì chợ, đình, miếu là những yếu tố không thể thiếu. Miếu Bà Ngũ Hành được xây mới vào năm 2016 và giữ nguyên kiến trúc ngôi miếu cũ trước đây, chỉ khác là nâng cao lên theo dạng nhà sàn. Ông Công kể: “Ngôi miếu cũ ngày xưa nhỏ và xuống cấp, miếu lại nằm gần chợ, đường sá lúc đó còn chật hẹp nên không gian bị hạn chế nhiều. Chính vì vậy, lúc trùng tu, chúng tôi quyết định nâng cao ngôi miếu để không gian được cao, thoáng; đồng thời, không gian phía dưới miếu có thể dùng đón tiếp khách cũng như nấu nướng, hậu cần khi có lễ hội”.

Ông Công khẳng định, dù được xây mới nhưng tất cả kiến trúc, bài trí bên trong miếu đều được kế thừa nguyên vẹn từ ngôi miếu cũ từ những bức hoành phi, câu đối đến cách bài trí bàn thờ,... Ban Hội hương miếu Bà Ngũ Hành cũng như người dân xã Long Thượng luôn có sự trân trọng đặc biệt đối với miếu Bà Ngũ Hành và luôn có ý thức gìn giữ những giá trị tốt đẹp mà cha ông để lại. Chính vì thế, ngay cả khi xây mới hoàn toàn thì miếu Bà Ngũ Hành ngày nay vẫn mang lối kiến trúc và trang trí giống ngôi miếu cũ. Theo Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, Thạc sĩ Nguyễn Tấn Quốc, miếu Bà Ngũ Hành có nhiều hiện vật có giá trị về mặt niên đại và mỹ thuật: Bao lam, hoành phi, liễn đối, khánh thờ, ngựa trắng,... Một nét nổi bật tại miếu Bà Ngũ Hành chính là hương án. Thông thường, hương án Bà Ngũ Hành ở các nơi khác chỉ vỏn vẹn 4 chữ Ngũ Hành Nương Nương thì tại miếu Bà Ngũ Hành xã Long Thượng, hương án là bảng khắc gỗ sơn son thếp vàng. Ngoài ra, hệ thống bao lam, hoành phi chạm trổ, nhất là cặp câu đối ghép hai chữ đầu của mỗi cặp tạo thành Long Thượng và Ngũ Hành được giữ gìn cẩn thận, còn nguyên vẹn cho đến ngày nay.

Không gian bên trong miếu Bà Ngũ Hành với nhiều hiện vật có giá trị về niên đại và mỹ thuật: Hoành phi, bao lam, lỗ bộ,...

Không chỉ vậy, miếu Bà Ngũ Hành còn là nơi tổ chức Lễ hội Vía Bà Ngũ Hành đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia. Đối với người dân xã Long Thượng nói riêng và huyện Cần Giuộc nói chung, Lễ hội Vía Bà được xem như "cái tết" thứ hai. Ngoài việc thể hiện lòng tin, tín ngưỡng, lễ hội còn là nơi giao lưu, gặp gỡ của những người dân trong cộng đồng, nơi kết nối mối dây tình cảm giữa người với người trong làng, xã. Sau hơn trăm năm lưu truyền, gìn giữ, Lễ hội Vía Bà Ngũ Hành ngày nay vẫn giữ được những nghi thức cúng tế truyền thống, thể hiện nét đẹp trong đời sống tâm linh, tín ngưỡng của người dân. Mỗi năm 1 lần, người dân xã Long Thượng, huyện Cần Giuộc lại cùng nhau chung tay tổ chức "cái tết" thứ hai với những ước vọng, mong cầu một năm mới bình an, hạnh phúc./.

Quế Lâm

Chia sẻ bài viết