Nhà văn “quân hàm xanh” Nguyễn Hội
Chi hội trưởng Chi hội Văn học, Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật tỉnh - Võ Mạnh Hảo tặng hoa, chúc mừng nhà văn "quân hàm xanh" Nguyễn Văn Hội được kết nạp hội viên
Nhân chuyến đi này, Chi hội Văn học cũng tổ chức lễ kết nạp hội viên chính thức cho nhà văn “quân hàm xanh” - Trung tá Nguyễn Văn Hội - Đồn trưởng ĐBP Sông Trăng (bút danh Nguyễn Hội). Anh cũng là nhà văn đoạt giải thưởng văn học của Tạp chí Văn nghệ Quân đội (năm 2021) và có nhiều tản văn, ký, truyện ngắn in trên các báo Trung ương và địa phương. Một số tác phẩm văn học của anh như Covid-19 và cuộc chiến sinh tử, Những bông hoa núi, Những đôi môi cười, Năm tháng nhớ thương,... đã in chung trong nhiều tập sách khác.
Đặc biệt, Nguyễn Văn Hội vừa cho ra mắt tập sách Làm rể miền Tây gồm 30 bài tản văn, bút ký, do Nhà xuất bản Văn học ấn hành. Tập sách gồm 30 tác phẩm: Bông ô môi trên đường tuần tra, Mênh mang một miền chiều tím, Cái giá của độc lập tự do, Bóng chiều dần xuống mênh mông, Cơm chiều mẹ thổi khói bay, Khu vườn của mẹ, Mẹ già như chuối ba hương, Bông lục bình biêng biếc, Cây ở Sài Gòn, Mùa lúa bắp, Mùa nước nổi đang về, Mùa vàng bất tận, Mùa vịt chạy đồng, Nghĩa tình biên giới miền Tây, Nhớ điểm trường cuối đất, Nhớ hoài mùi tết quê hương, Nhớ tết Cà Mau, Những tờ lịch biên phòng, Nhớ thương những mùa gấc chín, Những trang sách cũ, Quê ngoại, Tết Trung thu quê tôi, Tôi vẫn lặng người trong nghĩa trang, Chiều biên cương mùa Covid-19, Tứ quý trên Yên Tử, Bãi bồi, Cây bàng làng tôi, Tảng đá ở Sóc Trăng, Xuân về biên giới miền Tây và Làm rể miền Tây. Đây là 30 câu chuyện hiện thực, man mác hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ mang quân hàm xanh bảo vệ bình yên biên giới.
Trong đó, tác phẩm Làm rể miền Tây vừa đoạt giải Ba - hạng mục Tản văn, Tùy bút trong Cuộc thi viết Nghĩa tình miền Tây do Báo Thanh Niên tổ chức. Trong Làm rể miền Tây, với giọng văn mộc mạc, bình dị, Nguyễn Văn Hội đã tâm tình về cuộc đời cùng câu chuyện tình của mình thật nhiều cảm xúc: “Anh lớn lên trên miền châu thổ sông Hồng. Tốt nghiệp Đại học Biên phòng, anh vào công tác ở vùng biên giới Tây Nam của Tổ quốc. Những tưởng chỉ ở đây ít năm rồi chuyển về quê Bắc ổn định cuộc sống lâu dài, nào ngờ đất Chín Rồng đã níu chân anh trụ lại đến “bén rễ xanh cây” vẫn chưa về mà bén rễ lâu dài vào một cái bến trên sông Cái Cỏ chảy qua trước đồn anh. Trên bến sông ấy là một trời thương nhớ. Ở đó, một ngôi nhà lá đơn sơ nhưng đầy ắp ân tình. Ngôi nhà “bản địa” có tới 6 cô con gái và 2 cậu con trai của đôi vợ chồng nông dân thuần phác, tháng năm cần cù cuốc cày cấy hái mà nuôi đủ 8 mặt con ăn học. Đứa con gái út sinh ra thì mẹ bệnh liên miên phải nằm viện, bé không đủ sữa, phải sống bằng nước cơm không đường, chỉ pha tí muối cho bé bú nên bị còi cọc vì suy dinh dưỡng. Vậy mà lớn lên, bé vẫn được ăn học đến trở thành bác sĩ. Dù đầu tắt mặt tối chạy ăn, chạy mặc để các con được no ấm, cha mẹ vẫn hướng đàn con vào nếp nhà gia giáo. Trong nếp nhà ấy, người cha nghiêm mà rất độ lượng dành cả một thời lực điền khai mở đất hoang ven sông Cái Cỏ hơn 30 mẫu Tây, nhưng rồi khi vợ bệnh phải nằm viện tận TP.HCM, ông đã bán lần bán hồi số ruộng chứa đầy mồ hôi nước mắt và cả máu của mình để lo chạy chữa cho vợ. Người chồng chí tình ấy luôn túc trực bên giường bệnh vợ để chăm chút từng li từng tí cho vợ. Cái bến sông trước ngôi nhà ấy là chỗ dừng chân của bộ đội biên phòng đóng ở địa phương mỗi khi đi công tác. Ngôi nhà lá đơn sơ lộng gió Đồng Tháp Mười. Hễ có các anh biên phòng ghé nhà là tiếng cha hoặc mẹ giục các con làm cá, nấu cơm cho các anh ăn. Cá nhà đánh bắt trên sông lúc nào cũng có. Chàng trai Thái Bình “kết” với cô thôn nữ nhà này từ cái bến sông này qua một bài ca vọng cổ ngợi ca dòng sông quê hương - nơi con sông Cái Cỏ “giao duyên” với sông Vàm Cỏ Tây cùng xuôi một dòng về biển. Rồi giọng Bắc, giọng Nam cùng hòa điệu theo mái chèo xuồng khi giăng câu, giăng lưới, khi hái rau rừng trên đồng nước nở rộ các loài hoa dại làm cho chàng và nàng đắm say. Hái rau xong, quay lại thăm lưới, thăm câu, gỡ cá rồi cùng chèo xuồng về nhà, cùng tíu tít chế biến món ăn đặc sản Đồng Tháp Mười. Hết mùa nước nổi sang mùa đồng khô cỏ cháy. Đám ruộng bên hông nhà nàng được be bờ giữ nước để trồng sen. Bộ đội biên phòng đến giúp dân hái gương sen, tranh thủ cắm mấy cây cần câu để bữa cơm nào cũng có món cá lóc nướng trui cuốn lá sen non chấm muối hột hay cá lóc kho tộ chấm rau dừa do chính tay người anh yêu bày ra. Từ ấy, anh hòa cả hai mùa mưa - nắng làm một: Một mùa-xuân-cuộc-đời. “Một cỗ trầu cau nên đôi chồng vợ”. Thế là chàng trai xứ Bắc chính thức làm rể miền Tây từ ấy...".
Đôi điều đặc biệt về Đồn Biên phòng Sông Trăng
Chi hội Văn học có chuyến đi thực tế tại Đồn Biên phòng Sông Trăng
ĐBP Sông Trăng có địa bàn quản lý trải dọc đường biên giới quốc gia dài gần 16km qua 3 xã: Hưng Hà, Hưng Điền và Hưng Điền B, thuộc huyện Tân Hưng. Bên kia sông Cái Cỏ là 4 xã của Vương quốc Campuchia. Đồn phối hợp các đơn vị bạn và chính quyền địa phương làm tốt công tác bảo vệ an ninh biên giới và phòng, chống dịch Covid-19. Gần dân, thân dân, giúp dân mọi việc có thể, năm qua, cán bộ, chiến sĩ ĐBP Sông Trăng còn tham gia thi công xây dựng 14 căn nhà liền kề chốt dân quân trên biên giới. Đồn trưởng học thành thạo tiếng Campuchia để giao lưu với các đơn vị nước bạn nhằm phối hợp tốt trong công tác giữ vững an ninh biên giới hữu nghị của hai bên.
Bên cổng ĐBP Sông Trăng có dựng một tảng đá to với chữ thư pháp màu đỏ là 2 câu thơ của Lê Lợi: Biên phòng hảo vị trù phương lược/ Xã tắc ưng tu kế cửu an (Lo việc biên phòng cần có phương lược tốt/ Giữ nền xã tắc nên tính kế dài lâu). Xưa, ông cha ta đã có tầm nhìn về công việc biên phòng như thế: Luôn luôn phải lo liệu trước. Đọc sử Việt, ta biết sau 10 năm kháng chiến chống giặc Minh, làm nên Bình Ngô đại cáo, vị Anh hùng giải phóng dân tộc Lê Lợi còn phải thân chinh đi tảo trừ bọn Đèo Cát Hãn toan cát cứ vùng Tây Bắc của Tổ quốc mà trước đó, y đã từng theo giặc Minh gây bao tội ác trên vùng biên viễn này. Nhà vua đi thuyền vượt 300 ghềnh thác cực kỳ hiểm trở trên sông Đà, đến Mường Lễ trên đất Lai Châu, chỉ một trận ra oai, vị vua anh hùng đã quét sạch bọn Đèo Cát Hãn. Trên đường về, nhà vua đã ứng tác thơ chữ Hán, cho khắc lên đá để lại muôn đời sau.
Nguyên văn bài thơ chữ Hán: Kỳ khu hiểm lộ bất từ nan/ Lão ngã do tồn thiết thạch can/ Nghĩa khí tảo không thiên chướng vụ/ Tráng tâm di tận vạn trùng san/ Biên phòng hảo vị trù phương lược/ Xã tắc ưng tu kế cửu an/ Hư đạo nguy than tam bách khúc/ Như kim chi tác thuận lưu khan. Có người dịch thơ: Gian nan nào ngại cách non sông/ Già cả mà ta vẫn vững lòng/ Nghĩa khí dẹp tan mù mấy lớp/ Tráng tâm san phẳng núi muôn trùng/ Phòng ngừa bờ cõi cần ra sức/ Giữ vững cơ đồ phải gắng công/ Thác suối ba trăm dù hiểm trở/ Nay xem nào khác nước xuôi dòng. Thật là khẩu khí của bậc quân vương anh hùng!
Tảng đá khắc 2 câu thơ thần của Lê Lợi
Trong Làm rể miền Tây, Nguyễn Văn Hội có viết về tảng đá ở Sông Trăng: Ngay trước cổng đồn, bộ đội đắp 3 quả núi đất. Núi, núi và núi tựa sát vào nhau tạo thành thế phòng thủ liên hoàn, vững chắc (...). Chính giữa 3 ngọn núi được đặt một tảng đá rất lớn hình cánh buồm, chắn ngang giữa luồng gió. Tảng đá có nguồn gốc từ phương Bắc, được những người tâm huyết, dày công sưu tầm, bảo đảm hội đủ các yếu tố tinh thần đại diện. Trên vách đá, người thợ tinh xảo, khéo léo khắc hình một bông sen cách điệu thật lớn, ở dưới là 2 câu thơ thần của Lê Lợi: Biên phòng hảo vị trù phương lược/ Xã tắc ưng tu kế cửu an.
Đồn trưởng ĐBP Sông Trăng cũng cho biết: Việc xây dựng cột mốc đôi 230 (1) và 230 (2) bằng đá hoa cương nguyên khối do 2 nước Việt Nam và Campuchia thực hiện để minh định ranh giới lãnh thổ giữa 2 quốc gia, tọa lạc tại đầu ngọn sông Trăng, được thực hiện vào cuối năm 2008. Nhân đây muốn nói thêm, “Trăng” là mặt trăng hay con trăn thì vẫn còn nhiều bàn cãi, tuy nhiên, theo Nguyễn Văn Hội, “Sông Trăng vẫn gợi cho người nghe một cảm giác yên bình và thơ mộng như chính mảnh đất và con người nơi đây”./.
Quang Hảo