Tiếng Việt | English

20/06/2022 - 12:24

Mùa khô 2021-2022: Sản xuất nông nghiệp được bảo đảm

Mùa khô năm 2021 - 2022, tình trạng hạn, mặn không gay gắt như năm 2019 - 2020. Với sự chủ động triển khai các giải pháp, ngành Nông nghiệp tỉnh Long An đã bảo vệ hoạt động sản xuất nông nghiệp và bảo đảm nước sinh hoạt cho người dân.

Chủ động triển khai các giải pháp

Thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tình trạng xâm nhập mặn mùa khô 2021 - 2022 trên địa bàn tỉnh được dự báo đến sớm hơn trung bình nhiều năm. Do đó, rút kinh nghiệm từ mùa khô các năm trước, năm 2022, tỉnh chủ động triển khai các giải pháp để phòng, chống hạn, mặn. Căn cứ vào dự báo của các cơ quan chuyên môn, UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 175/CT-UBND, ngày 17/01/2022 về triển khai, thực hiện các biện pháp ứng phó nguy cơ hạn, thiếu nước, xâm nhập mặn trong mùa khô 2021 - 2022 trên địa bàn tỉnh.

Từ chỉ thị trên, ngành Nông nghiệp đã thông tin, tuyên truyền phòng, chống hạn, mặn thường xuyên, liên tục ngay từ sớm nhằm giúp người dân chủ động trong việc chuẩn bị ứng phó hạn, mặn. Để bảo vệ sản xuất cho các huyện phía Nam, ngành Nông nghiệp tiếp tục chủ động thay đổi lịch gieo sạ, chuyển đổi cơ cấu mùa vụ và cây trồng. Theo đó, các địa phương tập trung vận động người dân gieo sạ vụ Đông Xuân theo lịch khuyến cáo hoặc cắt vụ để “né” mặn; theo dõi sát diễn biến của xâm nhập mặn để tăng cường tích trữ nước ngọt trên các kênh, rạch nội đồng phục vụ hoạt động sản xuất nông nghiệp.

Đồng thời, các địa phương phối hợp các ngành liên quan kiểm tra công tác quản lý, duy trì thông thoáng lòng sông, kênh, rạch. Nhờ đó, trong suốt mùa khô, nguồn nước ngọt tích trữ trong các hệ thống kênh, rạch trên địa bàn tỉnh vẫn luôn dồi dào, bảo đảm cung cấp đủ nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là vụ lúa Đông Xuân 2021 - 2022.

Đoàn công tác của UBND tỉnh kiểm tra công tác phòng, chống hạn, mặn tại huyện Thủ Thừa

Tính từ đầu năm 2022 đến nay, trên địa bàn tỉnh chưa xảy ra thiệt hại đối với cây trồng do ảnh hưởng hạn, thiếu nước, xâm nhập mặn. Tình trạng thiếu nước sinh hoạt mùa khô 2021 - 2022 cơ bản đã được khắc phục tại 3 huyện: Tân Trụ, Cần Đước, Cần Giuộc. Tuy nhiên, còn khoảng 100 hộ dân tại ấp Tân Đông và Tân Thành, xã Tân Tập, huyện Cần Giuộc vẫn có khả năng thiếu nước sinh hoạt do sinh sống phân tán xa các trạm cấp nước. Đối với giải pháp công trình, tỉnh phối hợp các đơn vị liên quan kiểm tra tình hình sửa chữa cửa số 2 - Âu tàu Rạch Chanh, kết quả đến nay, cửa số 2 cơ bản đã vận hành được; tổ chức đoàn khảo sát, kiểm tra các hệ thống công trình thủy lợi thuộc hệ thống Nhựt Tảo - Tân Trụ (cống, trạm bơm điều tiết), các cống trên Quốc lộ 62 nhằm bảo đảm ngăn mặn, trữ ngọt phục vụ sản xuất và dân sinh trong suốt mùa khô 2021 - 2022.

Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn và Thủy lợi tỉnh - Võ Kim Thuần cho biết: “Những năm gần đây, mặn có xu hướng xâm nhập sâu và khó lường nên đã ảnh hưởng đến vùng sản xuất nông nghiệp tại huyện Thạnh Hóa, Tân Thạnh. Từ thực tế trên, trong mùa khô năm nay, tỉnh tiếp tục lên kế hoạch triển khai đắp các đập tạm tại các rạch cắt ngang Quốc lộ 62 (đoạn từ cầu Bến Kè (huyện Thạnh Hóa) đến cầu Kênh 12 (huyện Tân Thạnh) khi độ mặn 1,0g/l đến cống Bà Hai Màng (huyện Thạnh Hóa) để phục vụ công tác phòng, chống hạn, mặn, bảo vệ sản xuất. Tuy nhiên, năm nay, mặn không xâm nhập sâu nên tỉnh không triển khai đắp đập tạm”.

Phát huy hiệu quả

Vụ Đông Xuân 2021 - 2022 không bị thiệt hại do hạn, mặn

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Chí Thiện, do có sự chủ động trong công tác phòng, chống hạn, xâm nhập mặn và hạn, mặn năm nay chỉ ở mức xấp xỉ, thấp hơn năm 2016 nên tỉnh đã bảo vệ thành công hoạt động sản xuất nông nghiệp, bảo đảm đủ nước sinh hoạt cho người dân trong suốt mùa khô. Đối với sản xuất nông nghiệp, vụ Đông Xuân 2021 - 2022, tỉnh bảo vệ thành công hơn 10.500ha lúa có khả năng bị ảnh hưởng bởi hạn, mặn ở các huyện: Cần Giuộc, Cần Đước, Tân Trụ, Bến Lức và Thủ Thừa.

Đồng thời, hơn 15.150ha cây ăn trái cũng được bảo vệ an toàn trong mùa hạn, mặn năm nay. Theo thống kê của Chi cục Phát triển nông thôn và Thủy lợi tỉnh, mặn năm 2021 - 2022 xâm nhập sớm hơn trung bình nhiều năm nhưng trễ hơn so cùng kỳ mùa khô năm 2020 - 2021 khoảng 15 ngày. Độ mặn trên các sông trong tỉnh dao động ở mức từ 0,3 - 14,3g/l, thấp hơn cùng kỳ năm 2021 từ 1,1 - 5,6g/l; thấp hơn cùng kỳ năm 2020 từ 0,5 - 9,9g/l và thấp hơn cùng kỳ năm 2016 từ 0,2 - 9,4g/l. Đặc biệt, chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, giảm vụ tại các huyện phía Nam đã giúp việc bố trí lịch gieo sạ được thuận lợi hơn, hoàn toàn chủ động được nguồn nước tưới để không làm ảnh hưởng đến năng suất cây trồng.

“Thời gian tới, ngành Nông nghiệp tiếp tục triển khai, thực hiện các giải pháp công trình và phi công trình để chủ động ứng phó với hạn, mặn những năm tiếp theo. Trong đó, tập trung nạo vét, tăng khả năng tích trữ nước ngọt ở các huyện phía Nam; kiểm tra hệ thống cống ngang Quốc lộ 62 và khả năng vận hành của các hệ thống thủy lợi nội đồng. Đồng thời, tăng cường khuyến cáo người dân ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, qua đó, nâng cao hiệu quả sản xuất và hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do hạn, mặn gây ra” - ông Nguyễn Chí Thiện cho biết./.

Bùi Tùng

Chia sẻ bài viết