Tiếng Việt | English

27/10/2020 - 15:00

Mỹ - Ấn liên thủ cùng đối phó với Trung Quốc

Trung Quốc đang trở thành lý do để Ấn Độ và Mỹ thắt chặt quan hệ, bất chấp New Delhi từ lâu đề cao “tự chủ chiến lược” và độc lập trong chính sách với các nước lớn.

Trung Quốc và Covid-19: Tâm điểm đối thoại Mỹ - Ấn

Đối thoại 2+2 Bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng thường niên giữa Ấn Độ và Mỹ đã bước sang năm thứ 3. Tuy nhiên, bối cảnh tình hình khu vực và thế giới trong năm nay khiến cuộc họp tại New Delhi năm nay gây được sự chú ý đặc biệt với dư luận.

Ấn Độ và Mỹ đang có những mối bận tâm chung - những thứ có thể ảnh hưởng tới chủ quyền cũng như đang thách thức vị trí của cả hai nước tại khu vực. Với Mỹ, đó là cạnh tranh chiến lược toàn diện với Trung Quốc. Căng thẳng Mỹ - Trung đã kéo dài trong gần 4 năm qua và đang tác động tới toàn bộ vành đai Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Với Ấn Độ, nước này có tranh chấp lãnh thổ kéo dài 6 tháng qua với Trung Quốc tại Đông Ladakh. Đây là lần xung đột kéo dài và có mức độ nghiêm trọng chưa từng có trong lịch sử quan hệ Ấn- Trung.

Dường như Trung Quốc đang trở thành lý do để Ấn Độ và Mỹ thắt chặt hơn quan hệ ngoại giao và quốc phòng. Cả Ấn Độ và Mỹ đều khẳng định mong muốn mở rộng hợp tác để thúc đẩy ổn định và thịnh vượng tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và trên thế giới.


Ngoại trưởng Ấn Độ Subramanyam Jaishankar và Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo trong cuộc gặp song phương tại New Delhi ngày 26/10. Ảnh: ANI

Ngoài ra, Ấn Độ và Mỹ cũng đang phải vật lộn với đại dịch Covid-19. 2 nước vẫn đang là 2 vùng dịch lớn nhất thế giới. Dự kiến, hai bên cũng sẽ bàn việc hợp tác nghiên cứu, sản xuất và phân phối vaccine Covid-19 trong cuộc họp lần này. Bên lề cuộc họp hôm nay, hai bên sẽ ký kết Thỏa thuận Hợp tác và Trao đổi Cơ bản về Hợp tác Không gian Địa lý (BECA).

Trước thềm cuộc họp, Bộ Quốc phòng Mỹ khẳng định 4 chủ đề sẽ được nêu ra tại cuộc gặp này là hợp tác an ninh khu vực, chia sẻ thông tin quốc phòng, tương tác giữa hai quân đội và thương mại quốc phòng. Phía Mỹ cũng hoan nghênh việc Ấn Độ mời Australia tham dự cuộc tập trận hải quân Malabar cùng với Mỹ và Nhật Bản vào tháng sau tại phía Tây Ấn Độ Dương. Trong khi đó, quan chức hai nước cũng sẽ bàn bạc về căng thẳng ở khu vực biên giới Trung Quốc - Ấn Độ kể từ tháng 4. 

“Mắt xích” cuối cùng trong hợp tác quốc phòng Mỹ - Ấn

Thỏa thuận Hợp tác và Trao đổi Cơ bản về hợp tác Không gian địa lý (BECA) dự kiến được ký kết sau cuộc Đối thoại 2+2 Bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng được coi là “mắt xích” cuối cùng trong bộ 3 thỏa thuận hợp tác quốc phòng song phương Ấn – Mỹ. Hai nước trước đó đã ký Thỏa thuận Hỗ trợ Hậu cần (LSA), Thỏa thuận Ghi nhớ Tương tác Thông tin liên lạc và An ninh (CISMOA).


Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh và người đồng cấp Mỹ Mark Esper tại New Delhi ngày 26/10. Ảnh: ANI

Thỏa thuận BECA cho phép Mỹ và Ấn Độ chia sẻ các dữ liệu không gian địa lý và hình ảnh vệ tinh cả hàng hải và hàng không để theo dõi, quan sát các cơ sở hạ tầng của đối phương với độ chính xác gần như tuyệt đối và độ phân giải rất cao.

Thông tin được trao đổi bao gồm bản đồ, hải đồ và dữ liệu hàng không, hình ảnh thương mại, dữ liệu trắc địa, địa vật lý, địa từ và trọng lực. Đây có thể là định dạng kỹ thuật số hoặc bản in. Mặc dù hầu hết thông tin được chia sẻ sẽ thuộc danh mục chưa được phân loại để chuẩn hóa, BECA cũng bao gồm việc cung cấp thông tin đã phân loại, với các biện pháp bảo mật. Mỹ trước đó đã ký các thỏa thuận tương tự với Hàn Quốc, Australia và Nhật Bản – 3 nước đồng minh thân thiết tại châu Á - Thái Bình Dương.

Thỏa thuận này được cho là có giá trị lớn với Ấn Độ trong bối cảnh căng thẳng biên giới với Trung Quốc vẫn tiếp tục kéo dài. Theo các thông tin trên báo chí Ấn Độ, với những dữ liệu tình báo và hình ảnh vệ tinh do Mỹ cung cấp suốt những tháng qua, Ấn Độ đã phát hiện các hoạt động di chuyển quân và ý đồ của quân đội Trung Quốc dọc theo biên giới với nước này. Với BECA, Ấn Độ sẽ có thêm công cụ để bảo vệ lãnh thổ, chủ quyền của mình, không chỉ trên đất liền mà còn trên biển, ví dụ như tại khu vực Ấn Độ Dương, nơi Trung Quốc cũng đang có những ý đồ gây dựng ảnh hưởng.

Tầm nhìn chiến lược của Ấn Độ

Lịch sử đã chứng kiến Ấn Độ luôn duy trì chính sách đối ngoại tương đối trung lập, không theo đuổi các liên minh quân sự nhằm chống lại bên thứ 3. Nhưng với các động thái thời gian qua, dường như New Delhi đang có những điều chỉnh nào đó về ngoại giao, an ninh và quốc phòng nhằm thích nghi với tình hình mới.

Trước tiên là Ấn Độ hưởng ứng và chủ động tham gia của ý tưởng Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở cùng với các đối tác như Mỹ, Nhật Bản, Australia. Ấn Độ cũng đẩy mạnh chính sách Hành động Hướng Đông trong đó tập trung quan hệ với các nước ASEAN để có tiếng nói và vai trò lớn hơn tại khu vực, tranh thủ được các quan hệ kinh tế.

Đặc biệt, kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, ý tưởng về nhóm bộ Tứ Kim Cương gồm Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ càng được đẩy nhanh. Cuộc họp của Ngoại trưởng nhóm Bộ tứ mới đây tại Nhật Bản được cho là khởi đầu quá trình thể chế hóa sự hợp tác về ngoại giao và quốc phòng nhằm vào những thách thức mới, trong đó tập trung vào thái độ và hành động của Trung Quốc. Nhiều người còn kỳ vọng đây có thể trở thành một “NATO của châu Á Thái Bình Dương”.

Tuy nhiên, xét trên nhiều tiêu chí, nhóm Bộ tứ có vẻ không hướng tới mục tiêu này. 4 quốc gia này đang từng bước xác lập các thành tố của một liên kết mới và chưa có bằng chứng cho thấy họ sẽ tập hợp lực lượng theo hình thức một “gói tổng thể” như truyền thống. Có lẽ hợp tác sẽ nhắm tới từng lĩnh vực cụ thể mà các bên tìm được đồng thuận và có chung lợi ích. Thỏa thuận song phương BECA giữa Mỹ và Ấn Độ ký kết hôm nay là ví dụ.

Với Ấn Độ, ngoài việc mở rộng và làm sâu sắc các liên kết về chính trị, an ninh quốc phòng với nhóm Bộ tứ, nước này cũng đang tích cực tham gia các liên kết khác về kinh tế, đón đầu làn sóng dịch chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc. Ví dụ như hợp tác với Australia và Nhật Bản để đa dạng hóa nguồn cung, thiết lập các chuỗi giá trị ngày càng độc lập với Trung Quốc. Điều này cũng phù hợp với quyết tâm Tự cường của Thủ tướng Narendra Modi.

Tuy nhiên, hiện tại chưa phải thời điểm khẳng định hình thái và nội hàm của các liên kết mới mà Ấn Độ đang hướng tới. Điều có thể chắc chắn là các tương tác này sẽ chỉ nhằm mục tiêu phục vụ lợi ích quốc gia của Ấn Độ./.

Theo VOV.VN

Chia sẻ bài viết