Tiếng Việt | English

12/03/2024 - 10:18

Mỹ Bình hướng đến đa dạng hóa cây trồng

Trong quá trình xây dựng nông thôn mới, xã biên giới Mỹ Bình, huyện Đức Huệ, tỉnh Long An có nhiều đổi mới, đường sá đi lại thuận tiện hơn. Đặc biệt, sau khi triển khai, thực hiện chủ trương chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, đời sống người dân xã Mỹ Bình ngày càng ổn định. Nhiều nông dân mạnh dạn chuyển đổi diện tích trồng lúa 1 vụ cho năng suất thấp sang các loại cây trồng cho năng suất cao, từng bước cải thiện kinh tế gia đình.

Vườn chanh Tứ Quý của anh Đặng Văn Hết (ấp 5, xã Mỹ Bình, huyện Đức Huệ) đang cho trái

Vài năm trở lại đây, vùng đất kinh tế mới xã Mỹ Bình ngày càng được phủ xanh bởi các loại cây ăn trái, hoa màu, nhất là những vườn chanh xanh um, trĩu quả. Hiện toàn xã Mỹ Bình có 335,5ha chanh, đạt 84% chỉ tiêu nghị quyết đề ra. Phấn đấu đến năm 2025, diện tích chanh của xã tăng lên 400ha, hoàn thành chỉ tiêu nghị quyết cả nhiệm kỳ 2020-2025.

Đây là kết quả bước đầu trong việc đưa nghị quyết vào cuộc sống, cụ thể là Nghị quyết số 09-NQ/HU của Huyện ủy về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp đối với cây chanh và con bò giai đoạn 2021-2025.

Ngoài chanh, lúa, hiện hay, nền nông nghiệp của xã đa dạng các loại cây trồng so với trước đây, còn có các loại cây ăn quả như xoài, măng cụt, chuối,...

Thực hiện chủ trương chuyển đổi cây trồng, cách đây 3 năm, anh Đặng Văn Hết (ấp 5, xã Mỹ Bình) mạnh dạn đầu tư trồng vườn chanh Tứ Quý diện tích 2,5ha, đang rộ trái và bắt đầu thu hoạch.

Anh Hết chia sẻ: “Sở dĩ tôi chọn canh tác chanh Tứ Quý vì dễ trồng, ít sâu, bệnh, lợi nhuận cũng cao. So với giống chanh khác thì giống chanh này ăn lâu dài hơn. Khi vào giai đoạn thu hoạch thì mỗi tháng thu hoạch 1 lần. Thị trường tôi chọn để tiêu thụ loại chanh này là Campuchia”. Theo ước tính của anh Hết, sau khi trừ các khoản chi phí, anh có lợi nhuận từ 400-500 triệu đồng/năm.

Không chỉ trồng chanh hiệu quả, nâng cao chất lượng cuộc sống của gia đình, anh Hết còn góp phần giải quyết việc làm cho lao động tại địa phương. Mỗi đợt thu hoạch, vườn chanh của anh Hết có từ 19-20 nhân công lao động với tiền công hái chanh 30.000 đồng/giờ. Với mức này cũng góp phần tăng thêm thu nhập cho lao động nhàn rỗi tại địa phương.

Ngoài trồng chanh, anh Đặng Văn Hết (ấp 5, xã Mỹ Bình, huyện Đức Huệ)còn mở dịch vụ câu cá giải trí

Với niềm đam mê làm giàu trên chính mảnh đất quê hương, không chỉ chuyên tâm vào trồng trọt, anh Hết còn đang mở loại hình dịch vụ câu cá giải trí để vừa thu hút khách tham quan, vừa giúp mọi người có thể trải nghiệm thực tế việc câu cá thư giãn tại một xã biên giới.

Có thể nói, hiệu quả mang lại cho thấy mô hình Trồng chanh Tứ Quý rất phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương, nhất là tình trạng xâm nhập mặn như hiện nay. Do đó, xã Mỹ Bình sẽ tập trung vận động người dân trên địa bàn nhân rộng mô hình này để mở rộng diện tích trồng, phấn đấu đến năm 2025, đạt 400ha chanh theo Nghị quyết Đảng ủy xã đề ra./.

Như Huỳnh

Chia sẻ bài viết