Giúp giới trẻ thay đổi nhận thức
Tại Việt Nam, theo thống kê của Tổng cục DS - Kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ), trung bình mỗi năm, cả nước có khoảng 250.000-300.000 ca nạo phá thai được báo cáo chính thức. Dù tỷ lệ phá thai ở Việt Nam trong 10 năm trở lại đây có giảm nhưng tỷ lệ quan hệ tình dục trước hôn nhân và nạo phá thai ở trẻ vị thành niên/thanh niên (VTN/TN) lại có dấu hiệu gia tăng. Tình trạng quan hệ tình dục sớm, không an toàn, mang thai ngoài ý muốn, nạo phá thai để lại nhiều hậu quả đáng tiếc cho giới trẻ, ảnh hưởng tâm lý, sức khỏe và cả cuộc sống, tương lai. Do đó, Trung tâm Y tế huyện Bến Lức, tỉnh Long An xác định việc định hướng, cung cấp kiến thức về sức khỏe sinh sản (SKSS) VTN/TN cho các em là việc làm cần thiết.
“Năm 2022, Trung tâm Y tế huyện tiếp tục hướng dẫn trạm y tế các xã, thị trấn phối hợp các ngành liên quan triển khai, thực hiện các hoạt động truyền thông về chăm sóc SKSS VTN/TN thông qua hệ thống loa, đài trên địa bàn. Tổ chức họp nhóm, nói chuyện chuyên đề, vãng gia tại hộ gia đình và cấp phát trên 1.000 tài liệu về kiến thức và kỹ năng cơ bản chăm sóc SKSS VTN/TN” - Trưởng phòng DS-Truyền thông giáo dục sức khỏe, Trung tâm Y tế huyện Bến Lức - Nguyễn Sanh Tài thông tin.
Tư vấn, vận động phụ nữ khám thai định kỳ và sàng lọc trước sinh theo chỉ định của bác sĩ
Ngoài ra, Trung tâm Y tế huyện Bến Lức còn triển khai mô hình Chăm sóc SKSS VTN tại 4 trường THPT trên địa bàn huyện (Trường THPT Lương Hòa, THPT Gò Đen, THPT Ischool và THPT Nguyễn Hữu Thọ) với trên 4.000 lượt học sinh tham gia các hoạt động của mô hình. Đồng thời, tổ chức 30 cuộc nói chuyện chuyên đề tại các trường THCS trên địa bàn với trên 5.000 lượt học sinh dự. Tại các cuộc tư vấn, nói chuyện chuyên đề về chăm sóc SKSS VTN/TN, báo cáo viên tập trung vào những vấn đề học sinh quan tâm; đồng thời, phân tích, giải thích những thắc mắc và hướng tới gợi mở các hành động tích cực cho các em. Các nội dung, chủ đề được quan tâm tuyên truyền, giải đáp nhiều nhất là thay đổi tâm sinh lý, tình bạn, tình yêu, tình dục an toàn, có trách nhiệm, những hậu quả khôn lường khi có thai và nạo phá thai ở tuổi VTN,...
Ngành dân số huyện Bến Lức tư vấn, nói chuyện chuyên đề về chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên/thanh niên trong trường học
Em Nguyễn Thái Anh - học sinh Trường THCS Nguyễn Trung Trực, chia sẻ: “Qua các buổi sinh hoạt, em được tiếp cận những thông tin bổ ích về chăm sóc SKSS. Với những kiến thức, kỹ năng sống cần thiết được trang bị, em biết tự bảo vệ và phòng tránh trước những điều bất lợi có thể xảy ra”.
Hạn chế dị tật bẩm sinh
Dị tật bẩm sinh là một trong những bất thường hay gặp ở thai nhi và trẻ sơ sinh khiến các bậc cha mẹ lo lắng. Sàng lọc trước sinh và sơ sinh là biện pháp hiệu quả nhằm phát hiện dị tật, can thiệp và điều trị sớm các bệnh, tật ở thai nhi và trẻ sơ sinh, giúp trẻ phát triển khỏe mạnh. Hoạt động này góp phần nâng cao chất lượng DS và hạn chế hậu quả do dị tật bẩm sinh gây ra cho trẻ, giảm nhẹ gánh nặng cho gia đình và xã hội.
Theo Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh - Đoàn Văn Ngà, việc sàng lọc trước sinh và sơ sinh không gây nguy hiểm cho trẻ, chi phí không quá cao mà mang lại hiệu quả tốt. Nếu bệnh được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, trẻ sẽ phát triển toàn diện, tránh những biến chứng nguy hiểm có thể khiến trẻ bị khuyết tật hoặc tử vong. Vì vậy, đây là một trong những hoạt động góp phần nâng cao chất lượng DS được ngành Y tế chú trọng. Thời gian qua, đội ngũ làm công tác DS, nhân viên y tế tích cực tuyên truyền về lợi ích và tầm quan trọng của việc sàng lọc trước sinh và sơ sinh. Từ đó, sàng lọc trước sinh và sơ sinh được người dân quan tâm thực hiện.
Sàng lọc trước sinh được thực hiện cho phụ nữ mang thai vào 3 tháng đầu và 3 tháng giữa thai kỳ. Đây là biện pháp nhằm phát hiện các bất thường về nhiễm sắc thể như hội chứng Down, dị tật ống thần kinh (thai vô sọ, nứt đốt sống,...) và các dị tật bẩm sinh khác. Từ đó, giúp bác sĩ có thể đưa ra hướng can thiệp hoặc điều trị kịp thời.
Lấy mẫu máu gót chân để thực hiện sàng lọc sơ sinh (Ảnh tư liệu)
Việc sàng lọc sơ sinh nhằm phát hiện trẻ sơ sinh có nguy cơ về bệnh lý bẩm sinh như thiếu men G6PD (glucose 6 phosphate dehydrogenase), suy giáp bẩm sinh, tăng sản tuyến thượng thận bẩm sinh,... ảnh hưởng đến sức khỏe, sự phát triển thể chất và tinh thần của trẻ. Một số bệnh lý được phát hiện và điều trị kịp thời có khả năng phục hồi và giúp trẻ phát triển bình thường. Bác sĩ sẽ lấy máu ở gót chân của trẻ để thực hiện xét nghiệm. Thời gian lấy máu gót chân cho trẻ trong vòng 24-72 giờ, tốt nhất là 48-72 giờ sau sinh, hoặc có thể kéo dài trong 7 ngày sau sinh, khi trẻ đã ăn sữa được trên 8 lần. Năm 2022, toàn tỉnh có 16.454/16.632 phụ nữ mang thai sàng lọc trước sinh; sàng lọc sơ sinh bằng lấy máu gót chân được 16.414/16.632 trẻ.
Chị Hồ Thị Cẩm Ly (ấp 4, xã Bình Tâm, TP.Tân An) chia sẻ: “Khi mang thai, tôi lo lắng vì không biết con có khỏe mạnh, có bị dị tật hay gặp vấn đề gì không. Để sinh con khỏe mạnh, đến các mốc thời gian quan trọng trong quá trình mang thai, tôi đến cơ sở y tế thăm khám định kỳ và làm các xét nghiệm sàng lọc. Rất may mắn, các chỉ số và kết quả của tôi và bé đều rất tốt”.
Ngoài ra, các địa phương còn triển khai nhiều mô hình, đề án về công tác DS và phát triển như Đề án chăm sóc người cao tuổi; mô hình xã, phường, thị trấn không có người sinh con thứ 3 trở lên; đồng thời, tích cực tuyên truyền, vận động các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ sinh đủ 2 con; hệ lụy của mất cân bằng giới tính khi sinh;...
Với nhiều cách làm hay, hiệu quả, các mô hình, đề án phát huy hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng DS. Từ đó, tạo nền tảng cho sự phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đóng gópvào sự phát triển KT-XH đất nước./.
Ngọc Mận