Tiếng Việt | English

16/06/2022 - 09:21

Nâng cao chất lượng nông sản góp phần bảo đảm an toàn thực phẩm

Vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) trong lĩnh vực nông nghiệp là vấn đề được nhiều người tiêu dùng quan tâm, bởi thực phẩm nông sản ảnh hưởng trực tiếp và lâu dài tới sức khỏe con người. Với mục tiêu nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp và cung cấp nguồn thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng, những năm qua, ngành Nông nghiệp tỉnh Long An thực hiện nhiều giải pháp để thay đổi tập quán canh tác của người dân và từng bước đẩy mạnh, phát triển đa dạng các sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn cho sức khỏe của người tiêu dùng.

Thực hiện truy xuất nguồn gốc nông sản

Hiện nay, nhiều sản phẩm nông, thủy sản đã và đang bán tại các thị trường lớn trong nước cũng như xuất khẩu nhưng công tác quản lý và truy xuất nguồn gốc chưa được triển khai đồng bộ. Trong khi đó, yêu cầu của thị trường ngày càng nghiêm ngặt, ATTP và việc truy xuất nguồn gốc là tiêu chí bắt buộc, nhất là đối với các sản phẩm xuất khẩu và cung ứng cho nhà phân phối lớn.

Sản xuất theo tiêu chuẩn sạch giúp nông sản tiếp cận các thị trường khó tính

Thông tin từ Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Quản lý chất lượng nông sản tỉnh, đến nay, toàn tỉnh xây dựng được 25 chuỗi rau, gạo, thịt gà, thịt heo, thủy sản an toàn. Riêng năm 2021, tỉnh đã công nhận 3 chuỗi thực phẩm an toàn cho Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ Nông nghiệp Kiến Bình (huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An), HTX Dịch vụ Nông nghiệp Bến Lức (huyện Bến Lức) và Công ty TNHH MTV Xuân Huy Thịnh (huyện Cần Giuộc), với các sản phẩm chủ lực là gạo ST, gạo tím, chanh không hạt và rau hữu cơ.

Tại huyện Bến Lức, thời gian qua, ngành Nông nghiệp thường xuyên hướng dẫn, tạo điều kiện cho các HTX trồng chanh xây dựng và mở rộng các mô hình sản xuất chanh theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Đến nay, toàn huyện có trên 1.525ha chanh sản xuất theo hướng VietGAP, GlobalGAP, với sản lượng chanh xuất khẩu sang thị trường châu Âu khoảng 15.000 tấn/năm.

Theo Giám đốc HTX Dịch vụ Nông nghiệp Bến Lức - Trần Duy Thuận, mặc dù thành viên HTX còn gặp một số khó khăn trong ghi chép thông tin, chi phí kiểm tra mẫu cũng khá cao nhưng HTX đã và đang triển khai truy xuất nguồn gốc bằng QR code. Theo đó, HTX sẽ chọn thành viên đủ điều kiện để làm trước, sau đó từng bước thực hiện trong toàn HTX nhằm nâng cao giá trị sản phẩm chanh không hạt.

Người tiêu dùng lựa chọn thực phẩm tại hệ thống siêu thị

Việc thực hiện truy xuất nguồn gốc sẽ tạo ra chuỗi cung ứng các sản phẩm nông, thủy sản đảm bảo ATTP; nâng cao năng lực cạnh tranh, giúp các nhà cung cấp, doanh nghiệp tiếp cận được thị trường có yêu cầu về nguồn gốc sản phẩm. Bên cạnh đó, việc truy xuất nguồn gốc còn góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về tình hình sản xuất, ATTP; tạo điều kiện thuận lợi cho các ngành chức năng trong việc thực hiện, kiểm tra, giám sát ATTP; giảm thiểu các thủ tục hành chính, tiết kiệm chi phí, thời gian, nhân lực trong quản lý, làm tiền đề giúp tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng giảm dần hoạt động sản xuất nhỏ, lẻ, thiếu an toàn để khuyến khích và tạo điều kiện hỗ trợ phát triển sản xuất quy mô lớn, xây dựng thương hiệu, hình thành các tổ hợp tác, HTX, doanh nghiệp sản xuất văn minh, hiện đại, an toàn.

Tại huyện Cần Giuộc, sản xuất nông nghiệp đang dần hình thành theo hướng hàng hóa với việc xây dựng một số vùng sản xuất rau chất lượng cao, vùng rau an toàn, sản xuất theo chuỗi liên kết. Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Cần Giuộc - Ngô Bảo Quốc cho biết: “Thực hiện bảo đảm ATTP trong lĩnh vực nông nghiệp, huyện xác định trọng tâm là công tác tuyên truyền, phổ biến các chính sách, quy định của pháp luật về quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và ATTP trong sản xuất, kinh doanh, sơ chế, chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản.

Đồng thời, huyện khuyến khích các tổ hợp tác, HTX và doanh nghiệp tham gia xây dựng chuỗi nông sản an toàn. Qua đó, giúp các tổ chức, cá nhân ý thức được vai trò, trách nhiệm đối với sản phẩm do mình sản xuất, kinh doanh nhằm tạo ra các sản phẩm thực sự an toàn trước khi cung ứng tới tay người tiêu dùng”.

Theo Chi cục trưởng Chi cục trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Quản lý chất lượng nông sản tỉnh - Nguyễn Văn Cường, các doanh nghiệp, HTX tham gia chuỗi cung ứng sản phẩm nông sản an toàn đã được tập huấn kiến thức về ATTP trong sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông sản an toàn. Qua đó, nâng cấp trang thiết bị, nhà sơ chế, kinh doanh đáp ứng đủ điều kiện bảo đảm ATTP; truy xuất được nguồn gốc sản phẩm, thông qua tem nhận diện quét mã QR và sản phẩm được nhận diện tham gia qua hình ảnh logo chuỗi kiểm soát an toàn để người tiêu dùng có thể nhận biết. Đến nay, Chi cục đã hỗ trợ 17 cơ sở và cấp hơn 2 triệu tem điện tử truy xuất nguồn gốc sản phẩm an toàn.

Đẩy mạnh tuyên truyền, siết chặt kiểm tra

Nhằm góp phần bảo đảm ATTP cho người tiêu dùng, Sở NN&PTNT đã chỉ đạo đơn vị chuyên môn đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân, HTX thay đổi tập quán canh tác, ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất để tạo ra sản phẩm nông nghiệp an toàn.

Tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về sản xuất sạch

Cùng với đơn vị cấp tỉnh, các huyện, thị xã, thành phố cũng tập trung đẩy mạnh tuyên truyền người dân canh tác theo tiêu chuẩn an toàn nhằm tạo ra các sản phẩm bảo đảm chất lượng. Trưởng phòng NN&PTNT huyện Cần Đước - Nguyễn Hồng Chương cho hay: “Thực hiện bảo đảm ATTP trong lĩnh vực nông nghiệp, chúng tôi xác định trước tiên là tuyên truyền, hướng dẫn người dân canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP.

Từ đầu năm 2022 đến nay, Phòng đã phối hợp Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện tổ chức 9 lớp tập huấn lồng ghép và 2 chuyến học tập kinh nghiệm cho nông dân về trồng trọt, chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP, khuyến khích các tổ chức kinh tế tham gia xây dựng chuỗi nông sản an toàn. Đến nay, toàn huyện có gần 600ha rau được người dân sản xuất theo hướng an toàn”.

Giám đốc HTX Rau an toàn Phước Hòa (huyện Cần Đước) - Kiều Anh Dũng chia sẻ: “Nắm bắt được nhu cầu của người tiêu dùng và tầm quan trọng của việc bảo đảm vệ sinh ATTP, HTX luôn thực hiện nghiêm ngặt, ghi chép sổ theo dõi từ quy trình sản xuất đến thu hoạch rau, củ. Hàng năm, các sản phẩm của HTX đều được lấy mẫu kiểm tra, giám sát chặt chẽ theo quy định”.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT - Đinh Thị Phương Khanh thông tin: Cùng với tuyên truyền, tập huấn, công tác kiểm tra, giám sát chất lượng ATTP trong lĩnh vực nông nghiệp được thực hiện thường xuyên, định kỳ tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố. Trong đó, Sở chú trọng lấy mẫu kiểm tra nhanh và lấy mẫu định lượng các nhóm sản phẩm thiết yếu, kiểm tra khâu sản xuất, chế biến,...

Từ năm 2021 đến nay, Sở lấy 908 mẫu để giám sát tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, chất bảo quản, phụ gia trong các sản phẩm. Qua kết quả kiểm tra và phân tích, có 22 mẫu không đạt ATTP. Đối với các cơ sở có mẫu không đạt, Sở tiến hành truy xuất nguồn gốc xác định nguyên nhân, yêu cầu cơ sở khắc phục theo quy định; đồng thời, cho cơ sở cam kết sản xuất an toàn và chuyển xử lý vi phạm hành chính. Với các giải pháp được triển khai đồng bộ, hiệu quả, hiện nay, nhận thức của các HTX, chủ cơ sở, cá nhân tham gia sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm về ATTP ngày càng được nâng cao.

“Thời gian tới, Sở NN&PTNT tiếp tục phối hợp các sở, ngành liên quan và các đơn vị trực thuộc tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng sản phẩm nông, lâm, thủy sản; thẩm định đánh giá, xếp loại các cơ sở chế biến, kinh doanh định kỳ, kiểm tra hậu kiểm các cơ sở tự công bố sản phẩm, xác nhận chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn. Qua đó, góp phần tạo bước chuyển tích cực trong công tác bảo đảm ATTP trong nông nghiệp, nâng cao chất lượng và năng lực cạnh tranh của các sản phẩm nông, lâm, thủy sản trên địa bàn tỉnh” - bà Khanh thông tin thêm./.

Thời gian tới, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục phối hợp các sở, ngành liên quan và các đơn vị trực thuộc tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng sản phẩm nông, lâm, thủy sản; thẩm định đánh giá, xếp loại các cơ sở chế biến, kinh doanh định kỳ, kiểm tra hậu kiểm các cơ sở tự công bố sản phẩm, xác nhận chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn. Qua đó, góp phần tạo bước chuyển tích cực trong công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trong nông nghiệp, nâng cao chất lượng và năng lực cạnh tranh của các sản phẩm nông, lâm, thủy sản trên địa bàn tỉnh”.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Đinh Thị Phương Khanh

Bùi Tùng

Chia sẻ bài viết