Nhiều diện tích chanh không hạt được bao tiêu đầu ra (ảnh tư liệu)
Ổn định đầu ra cho nông sản
Tháng 10/2018, Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ Nông nghiệp Mỹ Thạnh (xã Mỹ Thạnh, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An) được thành lập, tiền thân là Tổ hợp tác Sản xuất rau Mỹ Thạnh, với 26 thành viên tham gia, diện tích sản xuất hơn 40ha, số vốn ban đầu gần 150 triệu đồng. Thế mạnh của HTX là sản xuất rau, củ, quả như bầu, mướp, dưa leo, khổ qua,… Bình quân mỗi ngày, HTX cung cấp ra thị trường trên 2 tấn rau, củ, quả đã qua sơ chế, cá biệt lúc cao điểm lên đến 5 tấn rau, củ, quả/ngày. Để có được đầu ra ổn định như hiện nay, HTX vừa liên kết với nông dân, vừa liên kết với nhiều công ty, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.
Giám đốc HTX Dịch vụ Nông nghiệp Mỹ Thạnh - Nguyễn Quốc Cường cho biết: “Hiện nay, ngoài bao tiêu nông sản, HTX còn liên kết thêm khoảng 10 nông dân trồng trên 5ha hoa màu. Khi liên kết với HTX, nông dân sẽ được hỗ trợ vốn ban đầu trồng hoa màu và bao tiêu sản phẩm đầu ra. Cụ thể, mướp được HTX bao tiêu 7.000 đồng/kg, bí 8.000 đồng/kg,… Trường hợp rớt giá, HTX vẫn chấp nhận thu mua với giá đã cam kết để nông dân có lãi và tin tưởng vào sự liên kết của HTX với nông dân. Song, không phải nông dân nào HTX cũng liên kết mà chỉ liên kết khi bảo đảm đúng quy trình sản xuất của HTX, trong đó phải chú trọng sản xuất sạch, hạn chế phân bón, thuốc hóa học làm ảnh hưởng đến chất lượng nông sản và sức khỏe người tiêu dùng. Căn cứ nhu cầu thực tế, HTX có lịch gieo sạ rau màu phù hợp, phân chia theo vùng để bảo đảm cung ứng đủ cho đối tác, không dư, không thiếu”.
Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp Mỹ Thạnh là cầu nối giữa nông dân và doanh nghiệp
Điều đáng ghi nhận của HTX Dịch vụ Nông nghiệp Mỹ Thạnh là không chỉ liên kết chặt chẽ với nông dân mà còn chú trọng liên kết với công ty, doanh nghiệp, bếp ăn tập thể. Hiện nay, HTX liên kết cung cấp cho trên 10 công ty, doanh nghiệp và bếp ăn tập thể trong và ngoài tỉnh. Đặc biệt, hiện nay, một số bếp ăn tập thể có nhu cầu đặt hàng tại HTX nhưng HTX chưa dám nhận vì không đủ hàng để cung cấp.
Anh Đặng Tuấn An, ngụ xã Thạnh Phú, huyện Thạnh Hóa, cho biết: “Thấy trồng hoa màu mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn trồng lúa nên trước Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, tôi chuyển sang trồng bầu và ớt. Nhờ HTX Dịch vụ Nông nghiệp Mỹ Thạnh bao tiêu sản phẩm và đến tận nơi thu mua với giá cao hơn thị trường nên tôi có lãi hơn”.
Những ngày đầu chuyển đổi từ đất trồng lúa cho năng suất thấp sang trồng chanh, anh Huỳnh Hậu Tiến, ngụ xã Tân Thành, huyện Thủ Thừa, mạnh dạn liên kết với Công ty TNHH MTV The Fruit Republic Cần Thơ sản xuất chanh theo tiêu chuẩn GlobalGAP để xuất sang thị trường châu Âu. Sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP giúp vườn chanh 10ha của anh Tiến đạt năng suất cao, với 25 tấn/ha, cao hơn bên ngoài 5 tấn/ha. Giám đốc HTX Dịch vụ Nông nghiệp Thuận Bình (xã Thuận Bình, huyện Thạnh Hóa) - Bùi Văn Khắp cho biết: “Những năm gần đây, chanh không hạt trở thành loại cây trồng chính của nhiều nông dân trên địa bàn xã. Thời gian đầu trồng chanh, người dân gặp nhiều khó khăn, nhất là kỹ thuật trồng và vấn đề đầu ra. Xuất phát từ nhu cầu tìm đầu ra cho trái chanh, tôi tập hợp người trồng chanh lại và thành lập HTX như ngày nay. Hiện HTX có 33 thành viên trồng hơn 76ha chanh không hạt”.
Cũng theo ông Khắp, HTX hiện có 40ha chanh không hạt được chứng nhận đạt chuẩn VietGAP và được Công ty TNHH MTV The Fruit Republic Cần Thơ ký hợp đồng thu mua toàn bộ sản phẩm. Năm 2020, HTX cung cấp khoảng 600 tấn chanh và được công ty thu mua với giá từ 8.000 đồng/kg trở lên. Sau khi trừ chi phí đầu tư, mỗi thành viên lãi khoảng 200 triệu đồng/ha. “Hiện nay, những diện tích còn lại của HTX cũng được đầu tư sản xuất theo hướng sạch để thực hiện hợp đồng liên kết với các công ty thu mua. Nhiều công ty đã liên hệ để bao tiêu nhưng do chưa thỏa thuận được giá cả thu mua nên chưa thể ký kết hợp đồng. Việc ký kết sẽ sớm được thực hiện để nông dân an tâm sản xuất, không còn lo lắng về giá cả và đầu ra” - ông Khắp chia sẻ thêm.
Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Thạnh Hóa - Nguyễn Kinh Kha thông tin: “Toàn huyện có trên 560ha chanh, chủ yếu tập trung ở xã Thuận Bình. Những năm gần đây, cây chanh trở thành một trong những cây mũi nhọn kinh tế của huyện. Hiện huyện có 2 HTX chanh không hạt và hầu hết diện tích chanh đều có đầu ra ổn định. Ngành Nông nghiệp huyện đang tích cực vận động người trồng chanh tham gia các tổ hợp tác, HTX; đồng thời, vận động người trồng chanh canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP để bảo đảm đầu ra bền vững”.
Tiếp tục đẩy mạnh liên kết
Theo thông tin từ Sở NN&PTNT, vụ lúa Hè Thu năm 2021, toàn tỉnh có 18 doanh nghiệp và 1 HTX tham gia liên kết thực hiện xây dựng mô hình Cánh đồng lớn, với tổng diện tích trên 8.200ha. Khi tham gia mô hình Cánh đồng lớn, nông dân được hưởng nhiều lợi ích: Tiêu thụ sản phẩm với giá ổn định, không gặp tình trạng “được mùa, mất giá” hoặc ngược lại; công ty, doanh nghiệp đầu tư giống, vật tư nông nghiệp với lãi suất thấp, thậm chí không có lãi nhưng chất lượng bảo đảm; chuyển giao khoa học - kỹ thuật;… Qua đó, giúp nông dân an tâm sản xuất và tăng lợi nhuận trên cùng diện tích canh tác.
Ông Trần Văn Đa, ngụ xã Hưng Điền, huyện Vĩnh Hưng, phấn khởi: “Trước đây chưa tham gia mô hình Cánh đồng lớn, cứ đến mùa vụ là tôi phải chạy đi tìm ít nhất 10 “cò” lúa mới bán được. Làm lúa mà cứ bị “cò” lúa ép giá thì khổ lắm! Nhiều lúc lúa chín vàng ngoài đồng mà giá giảm là thương lái kêu phải hạ giá mới chịu mua. Còn từ khi tham gia mô hình Cánh đồng lớn, tôi không còn lo đầu ra, cứ đến mùa vụ là có người đến báo giá cao hơn hoặc bằng thị trường”.
Mô hình Cánh đồng lớn góp phần tạo đầu ra ổn định cho nông sản
Việc đẩy mạnh liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm tạo ra những chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn là cần thiết để hướng đến nền sản xuất hàng hóa hiện đại mang lại giá trị cao. Thông qua các mô hình liên kết sản xuất, các sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh ngày càng có năng suất và chất lượng cao hơn. Qua đó, góp phần tăng giá trị sản phẩm và nâng cao thu nhập cho người dân”.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT - Nguyễn Chí Thiện
|
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT - Nguyễn Chí Thiện cho biết, việc đẩy mạnh liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm tạo ra những chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn là cần thiết để hướng đến nền sản xuất hàng hóa hiện đại mang lại giá trị cao. Thông qua các mô hình liên kết sản xuất, các sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh ngày càng có năng suất và chất lượng cao hơn. Qua đó, góp phần tăng giá trị sản phẩm và nâng cao thu nhập cho người dân. Tuy nhiên, việc xây dựng và phát triển các chuỗi liên kết trên địa bàn tỉnh vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, người dân còn sản xuất nhỏ, lẻ, manh mún; sự liên kết giữa người dân và doanh nghiệp chưa chặt chẽ; nhận thức của một bộ phận nông dân còn hạn chế, chưa thật sự tuân thủ những ràng buộc trách nhiệm với doanh nghiệp, vẫn có tâm lý bán hàng ra ngoài, phá vỡ cam kết khi giá thị trường lên cao,...
Ông Thiện cho biết thêm, thời gian tới, ngành Nông nghiệp tỉnh tiếp tục triển khai mạnh mẽ việc tái cơ cấu ngành; phát triển cơ cấu sản xuất, trong đó ưu tiên phát triển những cây, con chủ lực của tỉnh, các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh của địa phương gắn với triển khai chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”. Bên cạnh đó, ngành thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao ứng dụng khoa học và công nghệ; triển khai các giải pháp tận dụng tối đa cơ hội của cách mạng công nghiệp 4.0; phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ; tăng cường sản xuất theo quy chuẩn, chuỗi an toàn, vệ sinh thực phẩm, có thể truy xuất được nguồn gốc sản phẩm nhằm tạo được sức hút trong liên kết tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, ngành sẽ kêu gọi, thu hút doanh nghiệp xây dựng vùng nguyên liệu gắn với tiêu thụ nông sản; khuyến khích các doanh nghiệp xây dựng các mô hình chuỗi, đầu tư xây dựng siêu thị nông sản, cửa hàng tiện ích, các chợ đầu mối,… để thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của tỉnh./.
Kim Ngọc - Bùi Tùng