Tiếng Việt | English

08/11/2023 - 09:58

Nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Chi bộ là tế bào của Đảng, hạt nhân chính trị ở cơ sở, “cầu nối” giữa Đảng với nhân dân. Chi bộ là nơi trực tiếp giáo dục, quản lý, rèn luyện đảng viên (ĐV). Phát huy dân chủ, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ chính là nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định “Chi bộ là gốc rễ của Đảng”, “Chi bộ mạnh tức là Đảng mạnh”. Chất lượng của các tổ chức cơ sở Đảng phụ thuộc vào hoạt động của chi bộ. Sinh hoạt chi bộ có vai trò rất quan trọng bảo đảm cho chi bộ và mỗi ĐV thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình.

Xây dựng và nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ là vấn đề thường xuyên, cấp bách, quyết định đến năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng và ĐV. Chính vì vậy, mỗi ĐV phải nhận thức đúng vị trí, vai trò, tầm quan trọng của sinh hoạt chi bộ thì tính Đảng mới được phát huy ở mức cao nhất. Để xây dựng chi bộ thật sự trong sạch, vững mạnh, cần phải xây dựng và phát huy dân chủ rộng rãi, trong đó có tự phê bình và phê bình để mỗi kỳ sinh hoạt chi bộ thật sự là dịp để ĐV nói lên chính kiến, trình bày tâm tư, nguyện vọng; phát huy phẩm chất, năng lực, từ đó cống hiến tài năng, trí tuệ cho Tổ quốc, cho Đảng và nhân dân.

Thực hành dân chủ trong Đảng cần gắn liền với tăng cường kỷ luật, kỷ cương của Đảng, đi đôi với nâng cao chất lượng tự phê bình và phê bình. Tự phê bình và phê bình là quy luật phát triển của Đảng, là phương pháp để giáo dục, rèn luyện ĐV, là vũ khí sắc bén để đấu tranh chống lại các tư tưởng sai trái, lệch lạc; ngăn chặn suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống; làm rõ khuyết điểm, hạn chế, yếu kém, sai phạm của tổ chức Đảng, ĐV. Từ đó, đề ra các biện pháp khắc phục hạn chế, khuyết điểm nhằm tăng cường, củng cố sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng; xây dựng chi bộ trong sạch, vững mạnh, nâng cao đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân.

Để làm được việc đó, mỗi chi bộ cần phải nâng cao chất lượng sinh hoạt, phát huy dân chủ, làm tốt công tác tự phê bình và phê bình. Đồng thời, mỗi chi bộ cần quán triệt và thực hiện nghiêm túc Kết luận số 18-KL/TW, ngày 22/9/2017 của Ban Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 10-CT/TW của Ban Bí thư khóa X “Về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ”; Nghị quyết Trung ương 5 (khóa XIII) về tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức và nâng cao chất lượng đội ngũ ĐV trong giai đoạn mới.

Thường xuyên mở rộng dân chủ trong sinh hoạt Đảng là biện pháp quan trọng nhằm bảo đảm mọi ĐV phát huy trí tuệ và thực hiện đầy đủ quyền, trách nhiệm trong thực hiện nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt Đảng. Phát huy dân chủ, đề cao tự phê bình và phê bình chính là phát huy tối đa việc thực hiện nhiệm vụ của ĐV. Mở rộng dân chủ sẽ giúp ĐV trong chi bộ cởi mở hơn, gần gũi hơn, khi đó sẽ thoải mái bày tỏ quan điểm, tâm tư, nguyện vọng, ý tưởng sáng tạo, đột phá, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Mở rộng dân chủ là động lực thúc đẩy để nâng cao chất lượng tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt Đảng nói chung và sinh hoạt chi bộ nói riêng, từ đó nâng cao sức đề kháng của mỗi cán bộ, ĐV và trong từng tổ chức cơ sở Đảng, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới./.

Ths. Nguyễn Tấn Hải (Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy)

Chia sẻ bài viết