Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là một trong những nhiệm vụ quan trọng hiện nay. Nghị quyết số 35-NQ/TW, ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị xác định rõ: “Bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng là một nội dung cơ bản, sống còn của công tác xây dựng Đảng; là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, trong đó cán bộ tuyên giáo các cấp là nòng cốt; là công việc tự giác, thường xuyên của cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, MTTQ Việt Nam và đoàn thể chính trị - xã hội các cấp; của từng địa phương, cơ quan, đơn vị và của từng cán bộ, đảng viên (CBĐV)”.
“Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là việc sử dụng tổng hợp các lực lượng và các biện pháp kiên quyết, củng cố bản chất cách mạng và khoa học, phát huy, phát triển sáng tạo giá trị cốt lõi của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Đồng thời, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, lệch lạc về nhận thức cũng như bản chất sai lầm, phản khoa học; vạch trần tính chất sai trái, thù địch trong các luận điệu của các thế lực thù địch, phản động và những phần tử cơ hội; sử dụng các biện pháp để ngăn chặn, phản bác quan điểm sai trái, thù địch nhằm củng cố niềm tin của CBĐV và nhân dân, làm cho nền tảng tư tưởng của Đảng ngày càng thấm sâu, đóng vai trò chủ đạo trong đời sống tinh thần của nhân dân”.
Những năm gần đây, tình hình thế giới, khu vực có nhiều diễn biến vô cùng nhanh chóng, phức tạp, khó lường. Hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế chủ yếu, song thế giới đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức: “Chủ nghĩa dân tộc cực đoan, chủ nghĩa dân túy đang nổi lên”, các vấn đề an ninh phi truyền thống, xung đột vũ trang giữa một số quốc gia vẫn tiếp diễn,... Đặc biệt, sự chống phá của các thế lực thù địch, tổ chức phản động ngày càng tinh vi hơn. Chúng tận dụng tuyệt đối những ưu thế của Internet và mạng xã hội để phục vụ công cuộc chống phá và xuyên tạc của chúng. Điều này tiếp tục gây nên những khó khăn, cản trở rất lớn đối với công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Thực tế thời gian qua, liên tục xuất hiện một số cá nhân, đối tượng phản động, cơ hội chính trị thường xuyên đăng tải, chia sẻ, bình luận trên mạng xã hội những thông tin phiến diện, thiếu chính xác hòng bôi nhọ, xúc phạm lãnh tụ và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước của ta; đưa ra những lập luận, dẫn dắt phiến diện, thiếu căn cứ nhằm hướng lái dư luận. Các vấn đề mà các thế lực thù địch thường tập trung xuyên tạc, gồm: Nhân quyền, dân tộc, tôn giáo, các vụ án tham nhũng, giải quyết chính sách của chính quyền địa phương,... tạo phản ứng trái chiều trong dư luận xã hội, kích động chống phá, gây hoang mang cho người dân.
Thực hiện âm mưu thâm độc của mình, các thế lực thù địch, phản động đã dùng nhiều phương thức, thủ đoạn khác nhau; tận dụng tối đa phương tiện truyền thông như Internet, mạng xã hội cùng với hệ thống phát thanh, báo chí, xuất bản ở hải ngoại để phát tán các bài viết tuyên truyền sai sự thật về Việt Nam; đồng thời, đăng tải nhiều video clip với nội dung xấu, độc lên Facebook, YouTube;... Sự chống phá ngày càng tinh vi, quyết liệt của các thế lực thù địch, phản động đã tác động không nhỏ đến nhận thức, tâm lý, thái độ của một bộ phận nhân dân, trong đó, có cả những CBĐV thiếu ý thức tu dưỡng, rèn luyện.
Để tiếp tục góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác những quan điểm sai trái của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị trong điều kiện hiện nay, mỗi CBĐV cần thực hiện tốt những nhiệm vụ cụ thể sau:
Thứ nhất, mỗi CBĐV cần tiếp tục học tập, nghiên cứu lý luận của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và quan điểm, đường lối của Đảng, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Nâng cao nhận thức về lý luận chính trị, nhất là trong công tác xây dựng Đảng, gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Thường xuyên rèn luyện đạo đức cách mạng, xây dựng bản lĩnh chính trị vững vàng, khả năng miễn nhiễm với những luồng thông tin độc hại, đúng như tư tưởng của Bác về đạo đức cách mạng là: “Nhận rõ phải trái, giữ vững lập trường, tận trung với nước, tận hiếu với dân”. Mỗi CBĐV cần tiếp tục phát triển, vận dụng những giá trị ưu việt của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và quan điểm, đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam vào trong công tác nhằm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Làm được việc này cũng chính là sự khẳng định mạnh mẽ, góp phần thiết thực bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Thứ hai, mỗi CBĐV cần thực hiện tốt việc nêu gương trong mọi hoạt động, tăng cường tuyên truyền những giá trị ưu việt của chủ nghĩa xã hội, những thành quả đã đạt trong thực tiễn đời sống xã hội; tăng cường những thông tin tích cực nhằm “pha loãng”, giảm tác động của những thông tin tiêu cực và định hướng dư luận theo chiều hướng tích cực. Qua đó, giúp nâng cao nhận thức trong mỗi người dân, khẳng định lòng tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, để mỗi người dân tự giác góp phần vào sự nghiệp đấu tranh chung, bảo vệ lẽ phải, chống lại những luồng tư tưởng lệch lạc, thói hư, tật xấu trong đời sống xã hội, thực hiện đúng theo lời dạy của Bác là phải biết dựa vào dân, vì “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”.
Thứ ba, sáng suốt, nhạy bén, kịp thời phát hiện, đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, thù địch ngay từ những biểu hiện nhỏ nhất trong mọi mặt của đời sống xã hội với những phương thức linh hoạt, phù hợp thực tiễn; bám sát tình hình, cập nhật thông tin chính thống, nắm bắt tư tưởng, dư luận xã hội để kịp thời chấn chỉnh, định hướng dư luận, xác định đây là nhiệm vụ của mỗi CBĐV trong tình hình hiện nay. Mỗi cơ quan, đơn vị thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ chính trị nội bộ, giải quyết kịp thời các khiếu nại, tố cáo (nếu có); tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, nhất là kỷ luật phát ngôn trong quá trình công tác, trước hết trong cơ quan, đơn vị và rộng ra ngoài xã hội. Tăng cường công tác bảo vệ chính trị nội bộ; tỉnh táo, cân nhắc kỹ trước khi phát ngôn, chia sẻ nhận định, đánh giá vấn đề, sự kiện, hiện tượng nào đó. Chú trọng nâng cao ý thức tự giác, kỷ luật khi tiếp xúc thông tin; nắm vững và chấp hành tốt các quy định về quyền thông tin, phạm vi thông tin theo quy định của Hiến pháp, Luật Tiếp cận thông tin và Luật An ninh mạng.
Chủ động đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng đối với cấp ủy, tổ chức Đảng, của cả hệ thống chính trị và trước hết là của mỗi CBĐV. Thực hiện tốt những nhiệm vụ nêu trên, mỗi CBĐV sẽ góp phần đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, thù địch, ngăn chặn hiệu quả, giảm tác hại từ những âm mưu, chiêu trò, thủ đoạn của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị, góp phần ổn định tư tưởng xã hội./.
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy