Tiếng Việt | English

08/11/2019 - 16:45

Nâng cao đời sống nhân dân theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Nhớ lời dặn của Bác: “Đảng phải có kế hoạch thật tốt để nâng cao đời sống cho nhân dân”, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An ra sức phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, không ngừng nâng cao đời sống nhân dân theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

1. Con đường dẫn vào các ấp của xã Phước Hậu nay được nhựa hóa, đal hóa. Hai bên đường là những hàng cây xanh được người dân chung tay trồng, chăm sóc. Xa xa, những ruộng rau bạt ngàn, những ngôi nhà mới mọc lên,... minh chứng cho sự no ấm của một vùng quê. Chúng tôi tìm gặp ông Trần Tiết Giao, ngụ ấp Long Giêng, một trong những nông dân tiên phong trồng rau ứng dụng công nghệ cao. Nhờ chịu khó, nghiên cứu, mạnh dạn ứng dụng khoa học - kỹ thuật tiên tiến, ông trồng rau trong nhà lưới mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Nhớ lời dạy của Bác, huyện Cần Giuộc thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp để nâng thu nhập cho người dân (Trong ảnh: Khu công nghiệp Long Hậu góp phần giải quyết việc làm cho nhiều công nhân, lao động)

Ông chia sẻ, trước đây gia đình vừa trồng rau, vừa chăn nuôi gà. Sau đó, nhận thấy lợi nhuận từ nuôi gà không được bao nhiêu nên ông chuyển sang trồng rau. Trồng rau theo cách truyền thống, ông vất vả chăm sóc nhưng hiệu quả mang lại không cao, còn bị thương lái ép giá, đầu ra sản phẩm không ổn định. Trong những lần tham gia tập huấn ở địa phương và cùng với đoàn huyện đi học tập kinh nghiệm mô hình trồng rau trong nhà lưới ở Lâm Đồng, TP.HCM, ông quyết định trồng rau ứng dụng công nghệ cao.

“Ban đầu, mượn thêm từ bạn bè cùng với nguồn vốn từ gia đình, tôi xây dựng hệ thống nhà lưới có diện tích hơn 4.000m2, kinh phí 400 triệu đồng. Gia đình tôi chủ yếu trồng rau ăn lá, đặc biệt là rau cải. Tôi cho rằng, lợi nhuận từ việc trồng rau trong nhà lưới cao gấp 2 lần so với trồng như trước đây”. 

Theo UBND huyện Cần Giuộc, thực hiện chủ trương của tỉnh, huyện tổ chức cho nông dân hàng chục chuyến tham quan học tập các mô hình sản xuất tiên tiến, ứng dụng công nghệ cao ở nhiều địa phương trong và ngoài huyện. Mời gọi nhà đầu tư hỗ trợ thiết bị cho nông dân thực hiện nhiều mô hình nhà màng, nhà lưới, và hướng dẫn nông dân đầu tư, sử dụng hệ thống tưới tự động, tiết kiệm hoặc cách ủ, sử dụng phân hữu cơ, sinh học đạt hiệu quả tối ưu,... Sau hơn 3 năm thực hiện, đến nay, huyện có 960ha rau và 209ha nuôi tôm có ứng dụng một phần hoặc toàn bộ các kỹ thuật, công nghệ mới (vượt chỉ tiêu tỉnh giao 900ha rau). Giá bán rau tương đối ổn định, góp phần ổn định sản xuất, nâng cao thu nhập cho nông dân.

2. Đến nay, toàn huyện có 8 khu, cụm công nghiệp đi vào hoạt động, thu hút gần 350 nhà đầu tư trong và ngoài nước. Nhiều nhà máy, xí nghiệp hoạt động ổn định, thu hút một lượng khá lớn công nhân đến làm việc. Nổi bật trong số đó có các nhà máy: Xi măng Fu-I, Phúc Sơn, xưởng giày Fuluh, Sheen Bridge,... có số công nhân làm việc lên đến hàng ngàn người. Đặc biệt, cầu cảng số 1, Cảng Quốc tế Long An đưa vào khai thác, sử dụng hệ thống dịch vụ bốc dỡ hàng hóa, kho bãi, điều phối vận chuyển và đang tiếp tục xây dựng cầu cảng số 2 chiều dài 210m kết nối với cầu cảng số 1 đang hoạt động,... Tất cả đã tạo việc làm cho hơn 40.000 lao động trong và ngoài huyện, tăng thu nhập bình quân đầu người từ 40 triệu đồng/năm 2015 lên 50 triệu đồng/người/năm vào năm 2018.

Huyện thường xuyên phối hợp các sở, ngành tỉnh tập trung cho công tác xúc tiến thương mại để tìm kiếm đầu ra cho các mặt hàng nông sản

Thương mại và dịch vụ cũng nhờ đó mà tiếp tục phát triển. Hệ thống chợ từng bước được chỉnh trang nâng cấp. Các cửa hàng tiện ích như San Hà Foodstore, Bách Hóa Xanh, Trung tâm thương mại Co.op Mart được đầu tư xây mới, bảo đảm cung ứng nguồn hàng phong phú, đa dạng. 

Song song đó, huyện huy động nguồn lực đầu tư nâng cấp kết cấu hạ tầng trên địa bàn. Từ đầu năm đến nay, huyện triển khai thi công 73 công trình cầu, đường giao thông, điện, nước, trường học, trạm y tế, chợ, nạo vét kênh, mương, nâng cấp cống tiêu thoát nước,... phục vụ nhu cầu sản xuất, sinh hoạt của người dân.

Phát huy ý thức tôn trọng nhân dân, huyện chỉ đạo Trung tâm Hành chính công cấp huyện và bộ phận tiếp nhận và trả thủ tục hành chính cấp xã nâng cao chất lượng phục vụ, giảm bớt phiền hà cho người dân và doanh nghiệp. Đối với những trường hợp chậm trễ giải quyết hồ sơ, huyện yêu cầu người đứng đầu cơ quan phải xin lỗi công dân. Đến nay, qua khảo sát có trên 98% người dân hài lòng khi đến liên hệ làm thủ tục hành chính ở huyện.

Cầu cảng số 1, Cảng Quốc tế Long An đưa vào khai thác, sử dụng

3. Chủ tịch UBND huyện Cần Giuộc - Nguyễn Tuấn Thanh cho biết, thực hiện theo Di chúc của Bác, huyện không chỉ ra sức phát triển kinh tế mà còn chăm lo công tác an sinh xã hội. Trong đó, huyện chú trọng xây dựng nhà tình nghĩa, vận động các nhà hảo tâm xây dựng nhà tình thương, phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng, tổ chức nhiều đợt khám bệnh từ thiện miễn phí và tặng hàng chục ngàn phần quà cho gia đình chính sách, hộ nghèo, cận nghèo, các đối tượng cơ nhỡ, khó khăn. Qua rà soát, trong 3 năm, huyện đã giảm gần 500 hộ nghèo, giảm tỷ lệ hộ nghèo năm 2018 của huyện còn 2,16%. Công tác văn hóa, giáo dục, y tế,... được địa phương quan tâm hàng năm. Từ đó, đáp ứng nhu cầu dạy và học cũng như chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Tuy đạt một số kết quả nổi bật nhưng huyện cũng gặp những vướng mắc, khó khăn. Đó là việc cung cấp nước sinh hoạt cho người dân các xã vùng hạ và cải tạo chất lượng cấp nước sinh hoạt cho người dân thị trấn chưa đạt tiến độ, yêu cầu đề ra. Cơ sở vật chất, trang thiết bị và đội ngũ giáo viên đáp ứng nhu cầu chăm sóc, giáo dục bán trú ở cấp mầm non, tiểu học còn thiếu. Công tác định hướng phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS và THPT còn nhiều bất cập. Chưa nhận được sự đồng thuận của một số hộ dân trong diện thu hồi đất, giải phóng mặt bằng các khu vực sạt lở ven sông, rạch và các dự án phát triển KT-XH. Tình hình tai nạn giao thông, tệ nạn xã hội có chiều hướng diễn biến phức tạp./.

Thanh Nga

Chia sẻ bài viết