Tiếng Việt | English

18/07/2023 - 12:30

Nâng cao nhận thức, trách nhiệm về bảo đảm an toàn thực phẩm

Nhằm bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP), bảo vệ sức khỏe người dân, các cấp, các ngành tăng cường kiểm tra, quản lý đối với các hoạt động sản xuất, chế biến, kinh doanh, tiêu thụ thực phẩm. Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, tạo sự chuyển biến trong nhận thức, trách nhiệm về bảo đảm ATTP của người sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng.

Mỗi người dân cần nâng cao nhận thức, trách nhiệm về bảo đảm an toàn thực phẩm

Bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm

An ninh (AN), ATTP là vấn đề hệ trọng, vừa cấp bách, vừa lâu dài; tác động, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân. Tại Chỉ thị số 17-CT/TW, ngày 21/10/2022 về tăng cường bảo đảm AN, ATTP trong tình hình mới, Ban Bí thư đã chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và đoàn thể tổ chức, triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm về vấn đề này.

Theo đó, các cấp ủy, tổ chức Đảng tăng cường lãnh, chỉ đạo, triển khai, thực hiện nghiêm các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác bảo đảm AN, ATTP; đưa các mục tiêu, chỉ tiêu về AN, ATTP vào chương trình, kế hoạch phát triển KT-XH của địa phương, đơn vị; đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, xác định trách nhiệm và hành động của các cấp ủy, tổ chức Đảng, cán bộ, đảng viên và nhân dân; người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp chịu trách nhiệm cao nhất về công tác bảo đảm AN, ATTP trên địa bàn do mình phụ trách; tăng cường thanh, kiểm tra, giám sát công tác bảo đảm AN, ATTP; xây dựng các chuỗi giá trị cung ứng thực phẩm an toàn, chất lượng; sớm kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý nhà nước theo hướng thống nhất chỉ một đầu mối thực hiện nhiệm vụ bảo đảm AN, ATTP từ Trung ương tới địa phương;...

Nhằm thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 17-CT/TW, ngày 21/10/2022 của Ban Bí thư về tăng cường bảo đảm AN, ATTP trong tình hình mới, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chương trình số 30-CTr/TU, ngày 30/01/2023. Mục tiêu của chương trình nhằm tổ chức phổ biến, quán triệt Chỉ thị số 17-CT/TW và chương trình của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đến 100% đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục và phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo đảm AN, ATTP.

Đồng thời, chủ động triển khai, thực hiện Chỉ thị số 17-CT/TW và chương trình của Ban Thường vụ Tỉnh ủy bảo đảm thiết thực, hiệu quả, phù hợp từng cơ quan, đơn vị, địa phương. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp chịu trách nhiệm cao nhất về công tác bảo đảm AN, ATTP trên địa bàn do mình phụ trách.

Ngộ độc botulinum và cách phòng, tránh

Để phòng, chống ngộ độc do botulinum, trong sản xuất, chế biến phải dùng những nguyên liệu bảo đảm an toàn thực phẩm, tuân thủ theo đúng yêu cầu quy định về vệ sinh trong quy trình sản xuất (Ảnh minh họa)

Ngộ độc do độc tố botulinum là ngộ độc nặng, nguy cơ tử vong cao hoặc ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe. Theo các chuyên gia, độc tố botulinum được sinh ra do vi khuẩn Clostridium botulinum trong môi trường kỵ khí (môi trường thiếu không khí). Các sản phẩm từ rau, củ, quả, thịt, hải sản lên men, đóng hộp không bảo đảm điều kiện ATTP có nguy cơ bị nhiễm vi khuẩn Clostridium botulinum và sinh độc tố botulinum.

Người bị ngộ độc do độc tố botulinum có biểu hiện buồn nôn, nôn, chướng bụng, đau bụng, liệt theo trình tự liệt bắt đầu từ vùng đầu, mặt, cổ lan xuống 2 tay, sau đó tới 2 chân, liệt các cơ hô hấp; liệt nặng có thể gây suy hô hấp là nguyên nhân gây tử vong. Thời gian qua, trong nước xảy ra một số trường hợp bệnh nhân nghi ngờ ngộ độc do độc tố botulinum khiến người dân lo lắng.

Theo Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Long An - Đoàn Thanh Chiến, để phòng, chống ngộ độc do botulinum, trong sản xuất, chế biến phải dùng những nguyên liệu bảo đảm ATTP, tuân thủ theo đúng yêu cầu quy định về vệ sinh trong quy trình sản xuất. Trong sản xuất đồ hộp, phải chấp hành chế độ khử khuẩn một cách nghiêm ngặt. Chỉ sử dụng các sản phẩm thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, tuyệt đối không sử dụng các sản phẩm đóng hộp đã hết hạn sử dụng, bị phồng, bẹp, biến dạng, hoen gỉ, không còn nguyên vẹn hoặc có mùi vị, màu sắc thay đổi khác thường. Thực hiện ăn chín, uống sôi. Ưu tiên ăn các thực phẩm mới chế biến, mới nấu chín.

Không nên tự đóng gói kín các thực phẩm và để kéo dài trong điều kiện không phải đông đá. Với các thực phẩm lên men, đóng gói hoặc che đậy kín theo cách truyền thống (như dưa muối, măng, cà muối,...) cần bảo đảm phải chua, mặn. Khi thực phẩm hết chua thì không nên ăn. Khi xuất hiện các triệu chứng ngộ độc botulinum, cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Thực phẩm an toàn không chỉ cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng mà còn mang lại cho mỗi người cuộc sống khỏe mạnh. Để bảo đảm AN, ATTP đòi hỏi phải tăng cường hơn nữa vai trò lãnh đạo của Đảng, sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của toàn xã hội. Có như vậy mới được ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng mất ATTP./.

Huỳnh Hương

Chia sẻ bài viết


những dấu hiệu bé bị thiếu kẽm Thức ăn dinh dưỡng Pate cho mèo