Tiếng Việt | English

02/06/2024 - 06:05

Nâng cao tay nghề để doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển

Nâng cao tay nghề cho người lao động (NLĐ) là cách thức hữu hiệu giúp các công ty, doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) gia tăng năng suất, cải thiện vị thế trên thị trường tiêu dùng. Với nguồn nhân lực có kiến thức, kỹ năng vững vàng, nhiều DNVVN đáp ứng tốt nhu cầu người tiêu dùng và trở thành những cái tên uy tín trên thị trường.

Công nhân Cty Cổ phần Sản xuất Thương mại Thép Sunrise (huyện Bến Lức) đang kiểm tra, vận chuyển vật liệu

Đào tạo công nhân trước khi làm việc

Việc nâng cao tay nghề cho NLĐ góp phần giúp doanh nghiệp (DN) phát triển bền vững. Với đội ngũ nhân viên, NLĐ, công nhân (CN) được trang bị kiến thức đầy đủ, kỹ năng vận hành máy móc thuần thục, các thao tác sẽ nhanh chóng, chính xác, giảm thiểu sai sót, lãng phí và nâng cao hiệu quả công việc. Từ đó, giúp rút ngắn thời gian sản xuất, tăng sản lượng và tiết kiệm chi phí. Đặc biệt, đối với các DNVVN, nếu đội ngũ nhân viên bảo đảm trình độ chuyên môn cao thì DN có thể yên tâm đầu tư vào máy móc, thiết bị hiện đại mà không lo ngại các vấn đề về an toàn, hiệu quả sử dụng.

Công ty (Cty) Cổ phần Sản xuất Thương mại Thép Sunrise (xã Lương Bình, huyện Bến Lức, tỉnh Long An) có 200 nhân viên; sử dụng nhiều thiết bị, máy móc như cần cẩu, máy cán, máy cắt, máy hàn,... Do đó, các khâu liên quan đến máy móc đều yêu cầu người vận hành, thực hiện có trình độ hiểu biết nhất định, kỹ năng vững vàng để tránh xảy ra tai nạn LĐ.

Chị Đoàn Thị Tuyết Nhung (Phòng Hành chính - Nhân sự Cty Cổ phần Sản xuất Thương mại Thép Sunrise) là người trực tiếp quản lý LĐ, bảo đảm chế độ phúc lợi cho CN. Theo chị Nhung, hoạt động sản xuất sắt thép tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn do sử dụng máy móc, thiết bị hạng nặng và vận hành ở nhiệt độ cao nên phải đào tạo bài bản cho nhân viên.

Chị Nhung cho biết: “Cty áp dụng chương trình đào tạo cho nhân viên mới, bao gồm đào tạo an toàn LĐ, kỹ năng vận hành máy móc, quy trình hoạt động của từng bộ phận và nội quy, chính sách Cty. Cty thường xuyên liên kết với các đơn vị uy tín bên ngoài để mở các lớp tập huấn, đào tạo tay nghề trước và trong thời gian làm việc.

Thông thường, các khóa đào tạo chia thành 2 loại, đào tạo chuyên sâu (2-3 tháng) cho các vị trí chuyên môn cao và đào tạo ngắn hạn (2 ngày, 8 buổi) cho các vị trí khác”. Đối với CN mới vào làm, Cty chú trọng đào tạo quy trình hoạt động và nội quy, chính sách của Cty và giao cho trưởng bộ phận của CN trực tiếp hỗ trợ, giúp nhân viên mới nhanh chóng hòa nhập môi trường làm việc.

Anh Nguyễn Thoại Minh (xã Long Hiệp, huyện Bến Lức) gắn bó hơn 2 năm tại Công ty Cổ phẩn Sản xuất Thương mại Thép Sunrise, là công nhân chạy máy cán

Anh Nguyễn Thoại Minh (SN 1998, ngụ xã Long Hiệp, huyện Bến Lức) gắn bó hơn 2 năm tại Cty Cổ phần Sản xuất Thương mại Thép Sunrise, là CN chạy máy cán. Anh Minh chia sẻ: “Ngoài giờ làm việc, tôi tranh thủ học hỏi thêm kiến thức, kỹ năng để nâng cao tay nghề. Cty rất quan tâm đến CN, thường xuyên tổ chức các lớp học về sử dụng máy móc, an toàn LĐ, phòng, chống cháy, nổ tại nơi làm việc. Qua đó, tôi biết nhiều kiến thức hơn, có ý thức trong LĐ để bảo vệ sức khỏe, tính mạng”.

Chủ doanh nghiệp cũng phải “lên tay nghề”

Không chỉ có nhân viên, CN, các chủ DNVVN cũng đang đầu tư phát triển tay nghề của mình. Điều này không chỉ mang lại lợi ích cho bản thân NLĐ mà còn góp phần không nhỏ trong việc nâng cao tay nghề cho toàn DN.

Chị Lưu Thị Kim Châu - chủ Cơ sở sản xuất Lạp xưởng tươi Cô Châu (thị trấn Cần Đước, huyện Cần Đước) đang từng bước khẳng định vị thế thương hiệu của mình. Kế thừa bí quyết làm lạp xưởng gia truyền từ 3 đời, chị Châu luôn trăn trở nâng cao chất lượng sản phẩm để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Nhận thấy người dùng ưa chuộng sản phẩm mới, chất lượng hơn, chị mạnh dạn tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm và đầu tư nguyên liệu cao cấp, kiểm soát quy trình chặt chẽ và áp dụng máy móc hiện đại.

Lời cảm ơn từ người lao động

 

Lời cảm ơn từ người lao động 

Nhân dịp Tháng Công nhân, Liên đoàn Lao động tỉnh Long An phối hợp các tổ chức, doanh nghiệp thực hiện nhiều chuyến thăm, tặng quà nhằm tri ân người lao động.

Hiện cơ sở sản xuất của chị có khoảng 5 nhân công. Để phát triển DN, chị Châu hiểu rằng việc nâng cao tay nghề cho bản thân và nhân viên là vô cùng quan trọng. Chị dành thời gian tìm hiểu nguồn gốc máy móc, chế độ bảo hành để lựa chọn thiết bị phù hợp nhất. Đặc biệt, chị được hỗ trợ đắc lực từ người chồng am hiểu về điện tử, máy móc. Sau thời gian mày mò, học hỏi, gia đình chị đưa vào sử dụng các máy móc tiên tiến như máy sấy lạnh lạp xưởng do Trường Đại học Bách khoa TP.HCM hỗ trợ lắp đặt. NLĐ tại xưởng sản xuất cũng được hướng dẫn kỹ năng vận hành máy, sử dụng hiệu quả thiết bị.

Chị Châu chia sẻ: “Hiện tại, lạp xưởng Cô Châu đã đạt chứng nhận OCOP 3 sao. Tôi đang ấp ủ dự định nâng cấp quy trình, xây dựng nhà xưởng đạt chuẩn và máy móc, dây chuyền hiện đại để đưa thương hiệu lạp xưởng của gia đình vươn xa hơn nữa”.

Anh Phạm Ngọc Anh Tuấn - Giám đốc Công ty TNHH Vườn Nhà Mình, giới thiệu sản phẩm cho khách hàng tại Triển lãm Quốc tế ngành Lương thực thực phẩm TP.HCM lần thứ 3 năm 2024

Nhờ nỗ lực nâng cao tay nghề, thường xuyên cập nhật các kiến thức mới, anh Phạm Ngọc Anh Tuấn - Giám đốc Cty TNHH Vườn Nhà Mình, gặt hái nhiều thành công với các sản phẩm chăm sóc sức khỏe từ cây chùm ngây. Xuất phát từ sự quan tâm đến các chế phẩm từ thiên nhiên, anh Tuấn chọn cây chùm ngây giàu dinh dưỡng để phát triển DN.

Hiện nay, Cty có trang trại trồng và quy trình máy móc hiện đại. Tuy nhiên, các công đoạn sơ chế nguyên liệu vẫn còn thủ công. Nhận thấy được hạn chế này, anh Tuấn chủ động tham gia các khóa học tại TP.HCM và các chương trình đào tạo do Sở Công Thương tỉnh tổ chức để cập nhật kiến thức, nâng cao tay nghề của mình.

Anh Tuấn cho biết: “Tôi đang áp dụng công nghệ sấy, nghiền nguyên liệu hiện đại trong sản xuất. Để hạn chế rủi ro, tôi đi nghiên cứu thị trường và học hỏi kinh nghiệm từ những người thành công với công nghệ này, sau đó đem về, ứng dụng thêm khoa học - kỹ thuật, cải tiến hệ thống để tăng năng suất cho Cty”. Hiện sản phẩm của Cty TNHH Vườn Nhà Mình gồm bột chùm ngây, bánh, trà chùm ngây,... được xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc và Úc.

Nâng cao tay nghề là trách nhiệm chung của cả DN và NLĐ. DN cần tạo điều kiện và có chính sách hỗ trợ phù hợp để NLĐ học tập, rèn luyện, trau dồi kiến thức và kỹ năng. NLĐ cũng cần ý thức được tầm quan trọng của việc nâng cao tay nghề để không ngừng phát triển bản thân và góp phần vào sự thành công chung của DN./.

Hoàng Lan

Chia sẻ bài viết