Tiếng Việt | English

29/05/2017 - 11:02

Nét chữ, nết người

Rèn cho học sinh (HS) tiểu học viết đúng, viết đẹp, giữ gìn tập sạch sẽ, giúp các em tiếp thu bài hiệu quả, rèn tính kiên trì, cẩn thận ngay từ khi còn nhỏ.


Em Nguyễn Tâm Như - học sinh lớp 3/2, Trường Tiểu học Long Trạch 1, xã Long Trạch, huyện Cần Đước, đang tập viết chữ

Rèn chữ - Kỹ năng cần gìn giữ

Ngày nay, khi công nghệ thông tin phát triển, các văn bản, tài liệu đa phần được đánh máy để dễ dàng sử dụng, lưu trữ thì chữ viết tay không còn được chú trọng nhiều như trước.

Tuy nhiên, trong nhà trường, nhất là ở cấp tiểu học, việc rèn chữ đẹp trong giáo viên (GV) và HS luôn được duy trì nhằm gìn giữ, tôn vinh giá trị, vẻ đẹp của chữ Việt. Đồng thời, tạo cho các em tính cẩn thận, nền nếp, góp phần vào việc phát triển nhân cách cho trẻ khi trưởng thành.

Nhiều năm qua, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) triển khai nhiều hoạt động phát triển phong trào “Vở sạch, chữ đẹp” trong nhà trường.

Cụ thể, chương trình “Giao lưu hoạt động trải nghiệm, sáng tạo giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa địa phương cấp tiểu học” được tổ chức thường niên. Bên cạnh thiết kế bảng trưng bày hình ảnh, bài viết về Bác Hồ, truyền thống quê hương; thuyết trình về truyền thống lịch sử địa phương, kể chuyện về Bác thì phần thi trưng bày tập theo từng khối lớp cũng là cách để các em tích cực hưởng ứng rèn chữ ngay từ đầu năm học.

Đây là hoạt động triển khai từ cấp tỉnh đến huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh, góp phần thúc đẩy phong trào rèn chữ của GV, HS tiểu học, giúp HS biết quý trọng và giữ gìn tiếng nói, chữ viết của dân tộc.

Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Cần Đước, tỉnh Long An - Đặng Minh Tấn cho biết: “Chúng tôi luôn khuyến khích các trường tích cực hưởng ứng phong trào “Vở sạch, chữ đẹp” cho cán bộ, GV và HS tham gia dưới nhiều hình thức. Đồng thời, thường xuyên kiểm tra việc giữ gìn tập vở HS, tuyên dương các gương điển hình nhằm nhân rộng phong trào, góp phần nâng cao chất lượng dạy học”.

Trường Tiểu học Long Trạch 1, xã Long Trạch, huyện Cần Đước là một trong những đơn vị có nhiều HS đoạt giải cao trong các cuộc thi hưởng ứng phong trào “Vở sạch, chữ đẹp”. Năm học qua, với nhiều giải thưởng tại sự kiện “Giao lưu hoạt động trải nghiệm, sáng tạo giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa địa phương cấp tiểu học”, 2 em HS Nguyễn Tâm Như (lớp 3/2) và Nguyễn Thị Bích Ngọc (lớp 2/2) đoạt giải Nhất cấp huyện và giải Khuyến khích cấp tỉnh trong phần thi “Vở sạch, chữ đẹp”.

Theo Chủ nhiệm Câu lạc bộ “Vở sạch, chữ đẹp” của trường - cô Quách Thị Chính, tại trường, mỗi phòng học đều có bảng trưng bày bài văn hay, chữ đẹp trong tuần để các bạn khác noi gương, phấn đấu. Buổi chiều, các em có một tiết học rèn chữ. Nhà trường cũng tuyển chọn thành viên cho Câu lạc bộ “Vở sạch, chữ đẹp” ngay từ đầu năm học để GV hướng dẫn tham gia các cuộc thi. Trong dịp hè, các GV cũng căn dặn HS thường xuyên rèn chữ để không bị “cứng tay”, viết khó trước năm học mới. Viết chữ cẩn thận, giữ gìn vở sạch, đẹp cũng là cách rèn cho các em nếp sống sạch sẽ, ngăn nắp. Do đó, phong trào này được sự ủng hộ nhiệt tình từ các phụ huynh”.


Viết chữ cẩn thận, giữ gìn vở sạch đẹp cũng là cách rèn cho các em nếp sống sạch sẽ, ngăn nắp

Rèn chữ, rèn người

Bên cạnh phong trào “Vở sạch, chữ đẹp” tại nhà trường, việc rèn chữ cũng được rất nhiều người quan tâm. Tại TP.Tân An, lớp luyện viết chữ đẹp của thầy Quách Ngọc Hoàn - nguyên Trưởng phòng Giáo dục chuyên nghiệp-Giáo dục thường xuyên, Sở GD&ĐT Long An, thu hút đông đảo học viên ở đủ mọi độ tuổi, ngành nghề đến học.

Năm 2005, khi là Hiệu trưởng trường THCS&THPT Hà Long (TP.Tân An), nhận thấy chất lượng đầu vào của HS không cao, các em viết chữ xấu,... nên thầy quyết định dạy miễn phí cho các em. Hoạt động này nhận được sự hưởng ứng của rất nhiều HS, GV và phụ huynh.

Năm 2007, thầy mở lớp dạy kèm tại nhà. Đối tượng của lớp học rất đa dạng, từ HS lớp 1 cho đến những người trung niên, thậm chí những người ngoài lục tuần vẫn tích cực đến đây rèn chữ.

Lớp học này đặc biệt ở chỗ, HS đóng một lần học phí và học đến khi nào thành công thì thôi. Do đó, có em nhỏ học từ lớp 1 đến tận năm lớp 4, có người siêng năng luyện tập thì chỉ sau 15 buổi là có thể thành thạo, nét chữ bay bướm, mượt mà. Giờ học tại đây rất linh hoạt, ai rảnh giờ nào thì đến học chứ chẳng cần thời gian cố định, nhưng đông nhất là thời điểm nghỉ hè. Hàng năm, vào dịp hè, thầy còn dạy viết chữ đẹp tại Nhà Văn hóa Thiếu nhi Long An.

Thầy Hoàn chia sẻ: “Không phải bất kỳ ai viết chữ đẹp là có thể dạy người khác. Việc rèn chữ là một kỹ năng, do đó, muốn thành công thì phương pháp là quan trọng nhất. Với từng đối tượng, tùy độ tuổi mà tôi có những cách dạy khác nhau nhưng phải theo nguyên tắc từ đơn giản đến phức tạp, nhất là không đặt nặng mục tiêu chỉ để đi thi vở sạch, chữ đẹp. Ngày nay, người ta thường không coi trọng việc rèn chữ vì thường sử dụng máy tính để nhập văn bản. Thế nhưng, không máy móc, công nghệ nào có thể thay thế được đôi tay, khối óc của con người. Ông bà ta có câu “Nét chữ, nết người”. Do đó, rèn chữ không chỉ để viết đẹp mà còn giúp mỗi người rèn luyện tính kiên trì, sự cẩn thận, tỉ mỉ. Và, viết chữ đẹp cũng là cách tôn trọng người đọc, nâng cao giá trị bản thân”.

Chị Kim Thủy (ngụ khu phố Bình Yên Đông 3, phường 4, TP.Tân An) cho biết: “Khi con trai lên lớp 3, tôi đăng ký cho cháu tham gia lớp luyện viết chữ đẹp của thầy Hoàn rồi học cùng con. Không chỉ luyện chữ, thầy còn dạy tư thế ngồi, cách cầm viết, vị trí đặt vở đúng cách để chữ đẹp, thanh thoát. Hiện tại, cháu học lớp 11, là con trai nhưng chữ rất đẹp, vở sạch sẽ. Theo tôi, học chữ cũng là cách rèn luyện nhân cách, rèn chữ cũng là rèn người”.

Quả thực, bất kỳ ai cũng thích thú, ấn tượng với những quyển vở sạch sẽ, chữ viết ngay hàng, thẳng lối hơn là những quyển vở được viết cẩu thả cùng những nét chữ “gà bới, cua bò”. “Nét chữ, nết người” cho thấy tầm quan trọng của việc rèn chữ. Không đơn thuần chỉ là một kỹ năng, rèn chữ góp phần giúp trẻ hình thành thói quen cẩn thận, kiên nhẫn, sự tỉ mỉ, gọn gàng - tiền đề của những phẩm chất cần thiết để trở thành người thành công trong tương lai./.

Phạm Ngân

Chia sẻ bài viết