Xin chữ, cho chữ đầu năm là một phong tục đẹp của người Việt từ xưa, thể hiện tinh thần hiếu học, tôn sư trọng đạo, sự trân quý giá trị của chữ nghĩa. Xin chữ đầu năm cũng là ước vọng may mắn, tốt lành cho cả năm, là sự răn dạy con người sống đúng với ý nghĩa của mỗi chữ xin được.
Ông đồ bên giấy đỏ, mực Tàu ngày xuân
Sự nối kết văn hóa giữa người cho chữ và người xin chữ
Theo TS.Trần Trọng Dương (Viện nghiên cứu Hán Nôm), xin chữ có hai dạng, người ta đến xin những câu đối, bài văn có nghĩa lý sâu sắc của những người có khoa bảng, văn hay chữ tốt để đem về treo trong nhà mừng xuân mới. Người xưa cho chữ là dựa vào hoàn cảnh, cái tâm, cái tình, gia cảnh của người xin mà cho chữ.
Xin chữ là do ý nguyện của người muốn xin, xem họ dự định làm những việc gì, ý hướng ra sao. Tùy theo mỗi người mà có chữ khác nhau. Đây chính là đặc điểm rất quan trọng của văn hóa xin chữ. Không phải chỉ có mấy chữ thông dụng, "đức", "nhẫn", "đạt", "tâm", mà để xin được một chữ, thì cả người xin lẫn người cho đang thực hành một hoạt động giao tiếp văn hóa: hiểu người mình xin, và thể hiện tri thức hàm chứa của người cho chữ thông qua nội dung phù hợp.
Xin chữ đầu xuân là một tập tục đẹp, xin chữ nhưng thực ra là xin cái nghĩa lý, xin cái đạo hạnh của người cho, xin tài hoa, tài lộc, cái phúc, cái thọ của người viết chữ. Xin đầu năm là để cả năm được hưởng cái khởi đầu hanh thông. Xin chữ không chỉ là hành động xin cho, mà là biểu tượng thể hiện sự kết nối văn hóa giữa người xin và người cho, giữa quá khứ và hiện tại.
Có những câu chuyện văn chương chữ nghĩa, điển tích thánh hiền, hay những ca dao tục ngữ, cách ngôn của cổ nhân vẫn được dẫn dùng để phát dương tinh thần, đạo đức và học thức của người xin chữ. Thế mới biết, xin chữ còn là xin văn hóa vậy, TS.Trần Trọng Dương chia sẻ.
Ông đồ Nguyễn Mạnh Hùng (CLB Hương Nam) hàn huyên cùng người xin chữ
Tục cho chữ, xin chữ xưa và nay
Từ xa xưa, cứ mỗi dịp Tết đến xuân về, hình ảnh ông đồ già bên bút nghiên, giấy đỏ là một biểu tượng của ngày Tết. Với nhiều gia đình Việt, trong nhà dù bày biện thế nào nhưng thiếu câu đối đỏ thì chưa phải là Tết.
Ông đồ Nguyễn Mạnh Hùng (CLB Hương Nam) chia sẻ, cách đây vài chục năm, mối quan hệ xã hội thuần tuý, mang đậm tính chất tình cảm. Khi cho chữ xong, người xin chữ không trả bằng tiền mà gửi lại một ít nông sản như cân khoai, nải chuối, nhánh cau, cân gạo nếp. Người xin chữ muốn gì và người cho chữ đáp ứng được gì đều từ tâm chứ không mang tính thương mại như bây giờ.
Để đáp ứng người xin chữ, người cho chữ phải nắm bắt nhiều thông tin của xã hội ở mọi khía cạnh, phải có tố chất nhanh nhạy. Khi nói chuyện, người viết chữ phải hiểu người xin chữ cần gì, chọn phương án nào để đáp ứng nhu cầu của người xin, tức là phải thu lượm, sàng lọc, phân tích, xử lý, phản hồi thông tin. Đấy là lộ trình mà trong những khoảnh khắc nhất định, người cho chữ phải nắm bắt được ý định, mong muốn của người xin chữ, ông đồ Hùng nói.
Theo TS.Trần Trọng Dương, ngày nay nhiều người đơn giản hóa việc xin chữ. Mình cần cái "tài", cái "đăng khoa", cái "lộc", cái "phúc" thì đến xin thẳng người viết. Sự xin cho hơi giản tiện và đôi khi đơn chiều khiến cho chữ nghĩa cũng ít sâu sắc hơn. Sự giản tiện tuy ăn nhịp với nhịp độ cuộc sống hiện đại, nhưng không làm con người gần nhau hơn.
TS.Trần Trọng Dương chia sẻ thêm, học trò xưa xin chữ hay vào khấn trong nhà Giám, trong đền Ngọc Sơn, đem con chữ vào khấn ở bàn thờ. Đó là một hình thức thông linh, là một nghi lễ mang tính biểu tượng. Cái chữ "thiêng" có chút hương khói kia nếu đúng mực thì chỉ là một lễ nghi văn hóa. Nhưng nếu lạm dụng sẽ trở thành mê tín và phản văn hóa.
Ông đồ hàn huyên cùng các bạn trẻ tại Hồ Văn
Cho chữ là một truyền thống đẹp nhưng về cách tổ chức cho chữ, hay quan niệm của người xin chữ hiện nay thì còn chưa đẹp. Hiện nay, nhiều người chạy theo trào lưu mà không mấy người quan tâm đến ý nghĩa đích thực của việc xin chữ đầu năm.
"Có người quan niệm xin chữ để quyết định số mệnh của mình trong cả năm, thế nên, họ sẵn sàng bỏ ra hàng triệu đồng để xin chữ như ý rồi chen lấn, xô đẩy để mua được chữ như ở Văn Miếu năm ngoái. Điều này làm xấu đi ý nghĩa của một phong tục đẹp bởi nó giống như cái chợ mua và bán", anh Tuệ (Hà Nội) bày tỏ.
Tết đã về. Một năm mới lại đến. Người người lại rủ nhau đi xin chữ cầu may đầu năm. Cùng với thời gian và sự chuyển biến của xã hội, mọi người vẫn nhớ tới nét đẹp văn hóa này là một điều đáng mừng. Tuy nhiên, việc xin chữ và cho chữ cần được trân trọng, bảo tồn và phát huy theo đúng với ý nghĩa nhân văn của phong tục này./.
Hồng Minh/VOV.VN