Tiếng Việt | English

24/07/2024 - 10:43

Nét đẹp giỗ xưa

Nhà tôi thờ tổ họ nên vào những ngày cúng giỗ ông bà quá cố, con cháu về rất đông. Má tôi nói thời nào theo thời ấy nên dần dà, nhiều sự chuẩn bị được giản lược cho phù hợp với đời sống mới khi ai nấy đều bận rộn và phần đông là đi làm ăn xa.

Minh họa: NLD.com.vn

Ngày giỗ bây giờ được tổ chức gọn hơn. Bánh trái đặt hàng làm sẵn, mâm cỗ cũng đơn giản hơn. Điều này giúp giảm bớt áp lực cho người phụ nữ trong gia đình so với trước đây khi mà vào những ngày cúng giỗ, họ thường phải tất bật lo lắng chuẩn bị từ nhiều ngày.

Ngày nay, cuộc sống bận rộn nên không còn nhiều người đến phụ giúp. Còn ngày trước, mỗi lần đến giỗ, họ hàng, xóm giềng đều đến giúp. Tôi nhớ, mỗi lần nhà sắp có đám thì anh em, con cháu tụ họp để cùng lo việc. Đàn ông, con trai tát mương bắt cá, gánh nước, làm heo. Đàn bà, con gái thì làm vịt, gà, gói bánh. Con nít được sai đi mượn ghế, chén, dĩa,... Trước giỗ một ngày gọi là tiên thường, gia chủ thường làm mâm cơm sớm để trước cúng sau anh em trong nhà, ai đến sớm thì cùng ăn sum họp.

Buổi tối, anh em họ hàng lấy chồng, lấy vợ ở xứ khác về dự thường ngồi lại trà nước, tâm tình với nhau. Mọi người hỏi chuyện cuộc sống, việc làm, chuyện ruộng nương, sức khỏe. Ngày giỗ như một dịp để anh em họ hàng tề tựu, xích lại gần nhau hơn, thắt chặt thân tình.

Buổi sáng ngày lễ chính, phụ nữ dậy từ khuya để lo nấu nướng, soạn mâm cỗ. Anh em, cháu con, hàng xóm được mời ít khi đi tiền mà mỗi nhà thường góp gà, vịt, trái cây, có người mua nước ngọt đem đến lễ giỗ. Cốt yếu ở tấm lòng. Có khi gà, vịt, trái cây là do mỗi nhà tự nuôi, trồng, đem dâng cúng ông bà càng thể hiện sự thành tâm.

Mâm cỗ được soạn xong thì gia chủ cùng cháu con người quá cố xúm lại cùng dọn lên bàn thờ tổ tiên. Ngoài mâm cúng người quá cố, còn có mâm riêng dành cho cửu huyền thất tổ, mâm cúng đất đai viên trạch và thường còn có thêm một mâm ngoài trời cúng người "khuất mặt khuất mày". Vì vậy, số mâm cúng tối thiểu của một đám giỗ cũng từ 4 mâm.

Cúng vái xong, mâm được dọn xuống, con cháu quây quần cùng ăn bữa cơm thân tình, nhắc nhớ về chuyện cũ, người xưa. Kết thúc tiệc với chung trà và bánh ngọt, trái cây mà mọi người mang đến. Khi khách về, gia chủ cũng gửi cho ít bánh, trái ăn lấy thảo cho các cháu ở nhà.

Những hình ảnh đó có lẽ dần phai nhạt nhưng lòng biết ơn tiên tổ của cháu con thì tin rằng ở thời nào vẫn hoài vẹn nguyên./.

Nghĩa Hành

Chia sẻ bài viết