Tiếng Việt | English

06/03/2024 - 11:30

Tìm về những giá trị xưa cũ

Theo dòng chảy hối hả của cuộc sống hiện đại, nhiều người vẫn âm thầm giữ lại những vật dụng xưa cũ. Với họ, mỗi món đồ là một kỷ niệm và mang giá trị văn hóa khác nhau.

Anh Đặng Tấn Ân (xã Phước Hậu, huyện Cần Giuộc) sưu tầm những món đồ xưa từ nội thất bằng gỗ, chén đĩa, tu hú bằng gốm sứ đến đôn bằng đất nung, cối đá,...

Đến thăm nhà của anh Đặng Tấn Ân (SN 1986, ngụ xã Phước Hậu, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An), chúng tôi khá ấn tượng bởi mẫu nhà 3 gian, 2 mái, một trong những kiểu nhà Nam bộ thường được thiết kế nhiều ở vùng nông thôn vào thập niên 60, 70 của thế kỷ trước.

Cùng với đó là sự hiện hữu của những món đồ xưa, từ nội thất bằng gỗ, chén đĩa sứ đến đôn bằng đất nung, cối đá,... Khoảng 250 hiện vật đều mang theo dấu ấn thời gian làm cho căn nhà như một bảo tàng thu nhỏ lưu giữ ký ức qua bộ sưu tập đồ xưa.

Chia sẻ với chúng tôi, anh Ân cho biết, niềm đam mê sưu tầm những món đồ xưa này được hun đúc từ nhỏ nhưng mãi đến năm 2009, khi điều kiện kinh tế cho phép, anh mới có thể thực hiện. Những món đồ đầu tiên trong bộ sưu tập là những chiếc đĩa tàu giả đá, đến nay có niên đại hơn 100 năm.

Hiện tại, bộ sưu tập của anh Đặng Tấn Ân (xã Phước Hậu, huyện Cần Giuộc) có khoảng 250 món đồ xưa

“Đối với tôi, giá trị của những món đồ xưa không chỉ ở vẻ đẹp bên ngoài mà còn bởi giá trị lịch sử và nét văn hóa ẩn chứa bên trong. Ví dụ, những chiếc đĩa, tu hú tôi đang sưu tập, nhìn vào thấy nước men của chúng thể hiện dấu ấn thời gian khiến tôi cảm thấy thích và muốn lưu giữ chúng. Hiện tại, những món đồ sưu tầm, tôi đều nhớ xuất xứ, niên đại và giá trị của từng món" - anh Ân chia sẻ.

Việc sưu tầm những món đồ xưa của anh Ân dựa trên sở thích cá nhân. Anh thường sưu tầm qua những người có chung đam mê hoặc trong cuộc sống thường nhật. Với anh, việc sưu tầm chúng là "tùy duyên" và quan trọng nhất là bản thân phải có cảm xúc với món đồ đó.

Chia sẻ về kinh nghiệm chơi đồ xưa, anh Ân ví như học nấu ăn: "Có công thức nấu nhưng không phải ai cũng nấu được, nấu được cũng không phải ai nấu cũng ngon và sẽ tùy khẩu vị mỗi người. Sưu tập những món đồ xưa cũng vậy, bên cạnh việc học hỏi từ những người đi trước và bạn bè đồng sở thích, còn phụ thuộc vào trải nghiệm cá nhân và "gu" thẩm mỹ của từng người”.

Với kinh nghiệm hơn 15 năm sưu tầm những món đồ xưa, đối với anh Ân, những món đồ này không chỉ là vật trưng bày mà còn là một phần của lịch sử, là nét đẹp văn hóa truyền thống cần được gìn giữ. Anh mong muốn lan tỏa niềm đam mê đến các bạn trẻ để họ hiểu và trân trọng giá trị của những món đồ xưa.

Hiện nay, anh Trần Xuân Duy (xã Mỹ Lệ, huyện Cần Đước) sưu tầm hơn 300 chiếc đĩa than thu âm các giọng ca vang bóng một thời như Hoàng Oanh, Thanh Tuyền, Ngọc Giàu,...

Tương tự như anh Ân, trong dòng chảy hối hả của cuộc sống hiện đại, vẫn còn đó những người âm thầm gìn giữ ký ức thời gian qua niềm đam mê sưu tầm những món đồ xưa. Anh Trần Xuân Duy (SN 1994, ngụ xã Mỹ Lệ, huyện Cần Đước), một thanh niên 9X tìm thấy niềm vui trong thế giới của những món đồ xưa mang theo dấu ấn thời gian.

Niềm đam mê sưu tầm đồ xưa của anh Duy được nhen nhóm từ khi còn nhỏ. Từ khi còn là học sinh tiểu học, anh đã thích sưu tầm tiền cổ, lên THCS, anh chuyển sang sưu tầm đồng hồ vì mê tiếng chuông của chúng và đến THPT là đĩa nhạc than,... Sau này, khi kinh tế ổn định, anh tiếp tục tìm mua thêm máy phát nhạc xưa để hoàn thiện bộ sưu tập. Anh Duy cho biết, anh sưu tầm chúng từ những nơi bán đồ cũ, những người bạn có cùng đam mê hoặc mua lại của người dân.

Hiện nay, bộ sưu tập đồ xưa của anh Duy vô cùng phong phú, gồm tiền (nhiều thời kỳ khác nhau), đồng hồ, máy ảnh, máy cassette, đĩa nhạc, máy phát nhạc, tờ nhạc,...Mỗi món đồ đều mang câu chuyện riêng, là minh chứng cho một giai đoạn lịch sử đã qua. Cầm từng món đồ trên tay, anh Duy có thể kể chi tiết về xuất xứ, niên đại và giá trị lịch sử của từng hiện vật.

Anh Trần Xuân Duy (giữa) và những người bạn tại không gian nghệ thuật “Xuân - Trong nhà ngoài phố” vào dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024 do Trung tâm Lưu trữ quốc gia II tổ chức

Dù còn trẻ nhưng anh rất yêu nhạc xưa, thích đắm chìm trong những âm thanh từ máy phát đĩa than, băng cối. Tuy nhiên, với anh Duy, sưu tầm đồ xưa không chỉ đơn thuần là sở thích cá nhân mà còn là mong muốn lưu giữ nét đẹp văn hóa.

Anh Duy bộc bạch: "Mỗi món đồ cổ đều là một phần của lịch sử, là minh chứng cho sự phát triển của xã hội. Việc sưu tầm và bảo tồn những món đồ bên cạnh thỏa mãn niềm đam mê của bản thân còn góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc cho thế hệ sau". Niềm đam mê của anh Duy không chỉ được gia đình và bạn bè ủng hộ mà còn nhận được sự đánh giá cao từ cộng đồng. Anh thường xuyên cùng những người bạn tham gia các sự kiện liên quan đến đồ xưa để chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm với những người có cùng sở thích.

Qua đó, truyền cảm hứng để các bạn trẻ hiểu và trân trọng giá trị của những món đồ xưa. Gần đây nhất, anh được Trung tâm Lưu trữ quốc gia II mời tham dự trang trí không gian nghệ thuật “Xuân - Trong nhà ngoài phố” vào dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024 vừa qua tại TP.HCM.

Giữa sự hối hả của cuộc sống hiện đại, có những người giữ riêng cho mình nét trầm mặc xưa cũ. Đó không chỉ là đam mê, sở thích mà còn là cách họ lưu giữ giá trị văn hóa một thời./.

Khánh Duy

Chia sẻ bài viết