Tiếng Việt | English

23/10/2023 - 09:32

Nét xưa giữa nhịp sống hiện đại

Trong dòng chảy của nhịp sống hiện đại, nhiều người vẫn giữ những thói quen xưa cũ. Với họ, đó không chỉ là thói quen mà còn là ký ức đầy yêu thương của những ngày xa xưa...

Bà Lý Thị The (72 tuổi, ngụ ấp Chánh, xã Bình Hòa Bắc, huyện Đức Huệ) vẫn giữ tục ăn trầu

Bà Lý Thị The (72 tuổi, ngụ ấp Chánh, xã Bình Hòa Bắc, huyện Đức Huệ) vẫn giữ tục ăn trầu

“Quả cau nho nhỏ, miếng trầu hôi”

Xã hội phát triển, tục ăn trầu của người Việt dần bị lãng quên theo thời gian. Thế nhưng, một số phụ nữ cao niên, nhất là ở vùng nông thôn vẫn giữ thói quen ăn trầu. Bà Lý Thị The (72 tuổi, ngụ ấp Chánh, xã Bình Hòa Bắc, huyện Đức Huệ, tỉnh Long An) chia sẻ: “Khi về làm dâu ở xứ này, tôi thấy phụ nữ xung quanh ai cũng ăn trầu, trong đó, có mẹ chồng tôi nên tôi tập ăn thử rồi nghiện lúc nào không hay.

Hồi đó, như những nhà hàng xóm, nhà tôi cũng trồng vài dây trầu, cây cau để ăn. Không ai biết tục ăn trầu có tự bao giờ, chỉ thấy ông bà mình ăn thì ăn theo. Thời đó, “miếng trầu là đầu câu chuyện”, khách tới là cứ mang trầu cau ra mời”.

Ăn trầu cũng khá cầu kỳ. Ngoài trầu còn có cau, vôi tôi, vỏ cây,... Thông thường, người ta dùng lá trầu không cuộn nhiều vòng lại, cài cuống lá vào cánh lá để giữ chặt miếng trầu. Cau tươi hoặc khô bổ thành miếng, thêm một chút vỏ cây, quệt ít vôi tôi rồi cho tất cả vào miệng nhai. Gọi là ăn trầu nhưng người ta chỉ nuốt nước cốt và nhả bã trầu.

Vị chát, cay, hơi đắng và say say từ miếng trầu mang lại cảm giác thú vị khiến người ăn dễ thích, dễ say rồi thành nghiện. Ngày nay, ít người biết ăn trầu, thế nhưng, trầu cau vẫn xuất hiện trong lễ cúng, nhất là lễ cưới, hỏi bởi trầu cau được xem là biểu tượng của tình yêu, nghĩa vợ chồng. Dù trải qua bao tháng năm, trong tâm thức của người Việt, trầu cau vẫn là món không thể thiếu, là nét văn hóa truyền thống, giàu triết lý nhân sinh, hướng con người tới chân, thiện, mỹ.

Dây đủng đỉnh - nét đẹp cổng cưới miền Tây

“Mâm trầu xanh với buồng cau. Bước qua đủng đỉnh bạc đầu thủy chung”. Hai câu thơ trong bài Đủng đỉnh à ơi của tác giả Hà Thu Thủy nói về nét riêng độc đáo của đám cưới miền Tây và ý nghĩa của cây đủng đỉnh. Ông Trần Văn Ba (xã Nhơn Ninh, huyện Tân Thạnh) bộc bạch: “Ngày trước, đám cưới vui nhất là ngày nhóm họ.

Dịp này, dòng họ tề tựu, phụ nữ lo chuyện bếp núc, còn đàn ông thì dựng rạp. Ai khéo tay thì được phân công làm cổng cưới. Cổng cưới xưa được làm bằng lá dừa nước, cây đủng đỉnh. Cổng cưới được xem như cái cổng bước vào đời sống hôn nhân, đủng đỉnh quấn chặt thể hiện tình yêu bền chặt không thể tách rời”.

Cổng cưới đủng đỉnh, lá dừa nước mộc mạc là sự lựa chọn của nhiều bạn trẻ trong ngày trọng đại (Ảnh: Internet)

Cổng cưới đủng đỉnh, lá dừa nước mộc mạc là sự lựa chọn của nhiều bạn trẻ trong ngày trọng đại (Ảnh: Internet)

Đủng đỉnh là loại cây leo dại, mọc nhiều ở miền Tây sông nước nhưng theo thời gian cũng không còn nhiều. Thế nhưng với nhiều người, đủng đỉnh chính là ký ức gắn liền với văn hóa của người miền Tây.

Ông Lưu Hoàng Lâm (xã Mỹ Thạnh Bắc, huyện Đức Huệ) cho biết: “Tôi giữ lại mấy cây đủng đỉnh trước cửa nhà vì muốn lưu giữ một phần ký ức của đám cưới miền Tây và tặng cho ai cùng sở thích”.

Dù cuộc sống ngày càng hiện đại, nhiều phong tục, nét đẹp truyền thống của người miền Tây dần mai một nhưng đâu đó trong nhịp sống hối hả ấy vẫn còn nhiều người giữ gìn hồn cốt dân tộc, nét đơn sơ, mộc mạc của người miền quê, trong đó có tục ăn trầu, làm cổng cưới bằng cây đủng đỉnh./.

Lê Ngọc

Chia sẻ bài viết