Đại dịch HIV/AIDS đã và đang là mối quan tâm lớn trên toàn cầu, hiểm họa chung của cả loài người. Dịch HIV/AIDS đang diễn biến phức tạp, gây hậu quả nghiêm trọng và ngày càng có xu hướng lan rộng, tác động tiêu cực đến phát triển KT-XH, an ninh chính trị trên thế giới và trong từng quốc gia; đáng quan tâm hơn là đại dịch này có dấu hiệu lan rộng trong cộng đồng và có xu hướng trẻ hóa.
Nhằm ngăn chặn, tiến tới đẩy lùi đại dịch HIV/AIDS, các nước trên thế giới chú trọng đầu tư nguồn lực tài chính, mở rộng khả năng tiếp cận dự phòng HIV; điều trị, chăm sóc và hỗ trợ làm giảm các tác động của AIDS, bước đầu mang lại những kết quả khả quan. Việt Nam là một trong những thành viên tham gia thực hiện “Tuyên bố cam kết về phòng, chống HIV/AIDS”, những năm qua, nước ta có nhiều nỗ lực trong việc thực hiện các điều khoản nhằm ngăn chặn sự lây lan HIV. Nhiều chính sách, chế độ hỗ trợ chăm sóc người nhiễm HIV/AIDS; quyền lợi của người tham gia phòng, chống HIV/AIDS được xây dựng và ban hành, tạo môi trường thuận lợi cho công tác phòng, chống HIV/AIDS. Ngày 30/11/2005, Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị số 54/CT-TW về “Tăng cường công tác phòng, chống HIV/AIDS trong tình hình mới” và Luật Phòng, chống nhiễm vi-rút gây hội chứng suy giảm miễn dịch ở người đã được Quốc hội thông qua tháng 6/2006, khẳng định quyết tâm của Đảng và Nhà nước ta trong việc kiên trì đẩy mạnh cuộc đấu tranh nhằm ngăn chặn, tiến tới đẩy lùi đại dịch này.
Ngày Thế giới phòng, chống HIV/AIDS (1/12) năm nay, cùng với thế giới, Việt Nam hưởng ứng bằng những việc làm thiết thực, cụ thể, hiệu quả, nhằm đẩy nhanh, đạt kết quả vững chắc trong việc phòng, chống HIV/AIDS. Cụ thể là tiếp tục quán triệt Chỉ thị số 54/CT-TW, ngày 30/11/2005 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường lãnh đạo công tác phòng, chống HIV/AIDS trong tình hình mới và Luật Phòng, chống HIV/AIDS một cách sâu, rộng, thiết thực nhằm thu hút sự quan tâm của cộng đồng dân cư, mỗi gia đình, cơ quan, đơn vị, trường học và từng người dân,... tạo nhận thức sâu sắc của các thành viên trong xã hội, nhất là thế hệ trẻ trước hiểm họa của đại dịch HIV/AIDS. Gắn phòng, chống HIV/AIDS với xây dựng gia đình văn hóa; xã, phường, khu phố, ấp, cơ quan, đơn vị văn hóa; xây dựng lối sống lành mạnh, phù hợp chuẩn đạo đức xã hội. Tiếp tục ban hành chính sách, chế độ hỗ trợ hợp lý đối với việc chăm sóc người nhiễm bệnh. Đồng thời, củng cố, kiện toàn bộ máy, nâng cao năng lực cán bộ làm công tác này từ Trung ương đến địa phương, góp phần thiết thực vào việc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe, tính mạng con người, trật tự, an toàn xã hội,... bảo đảm sự phát triển bền vững của đất nước và tương lai giống nòi./.
Võ Thanh Nghị