Tiếng Việt | English

28/08/2020 - 08:36

Ngành Thông tin và Truyền thông: Tiếp nối truyền thống, vững vàng hướng đến tương lai

Ngành Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Việt Nam gắn liền với lịch sử dân tộc, sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ngày 19/02/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 258/QĐ-TTg lấy ngày 28/8 hàng năm là Ngày Truyền thống ngành TT&TT.

Những bước tiến vững chắc

Trải qua 75 năm xây dựng, phát triển và trưởng thành, ngành TT&TT luôn gắn liền với đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ và xây dựng Tổ quốc. Suốt thời gian qua, ngành TT&TT đã gặt hái được nhiều thành tựu to lớn trong tất cả lĩnh vực: Báo chí, xuất bản, bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin (CNTT) tạo động lực cho phát triển KT-XH, bảo đảm quốc phòng, an ninh và đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Nguyễn Văn Được (thứ 5, phải qua) chúc mừng Báo Long An nhân kỷ niệm 95 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam

Phát huy truyền thống vẻ vang của ngành TT&TT Việt Nam, các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành TT&TT tỉnh Long An đã đoàn kết, chung sức, đồng lòng khắc phục khó khăn, không ngừng rèn luyện, giữ vững bản lĩnh chính trị, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, chủ động, tích cực tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh nhiều giải pháp đầu tư kỹ thuật, công nghệ mới, hiện đại hóa nền hành chính, đưa ngành TT&TT nổi bật toàn diện trên tất cả lĩnh vực của tỉnh, xứng tầm là ngành mũi nhọn, phương tiện hiệu quả của Đảng, Nhà nước về thông tin, tuyên truyền chủ trương, đường lối, chính sách đến người dân trong và ngoài tỉnh.

Hơn 12 năm xây dựng và trưởng thành, Sở TT&TT đã từng bước khẳng định vai trò, vị trí của mình và có nhiều đóng góp quan trọng cho sự nghiệp phát triển KT-XH, bảo đảm quốc phòng, an ninh của tỉnh, được thể hiện trên các lĩnh vực:

Về thông tin, tuyên truyền: Báo chí trên địa bàn tỉnh đóng góp tích cực trong việc thông tin, tuyên truyền, quảng bá hình ảnh tỉnh Long An; quán triệt, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, Nghị quyết Đại hội X Đảng bộ tỉnh. Báo chí tỉnh bám sát các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, các chương trình, kế hoạch của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh để tuyên truyền. Tỉnh có 4 cơ quan báo chí: Báo Long An, Đài Phát thanh và Truyền hình Long An, Tạp chí Văn nghệ Long An, Tạp chí Kinh tế - Công nghiệp và 12 bản tin nội bộ, 43 cổng/trang tin điện tử của cơ quan hành chính nhà nước, hàng ngàn trang thông tin điện tử của các doanh nghiệp, công ty; 48 phóng viên thuộc 39 cơ quan báo chí ngoài tỉnh thường xuyên tác nghiệp trên địa bàn tỉnh; nhiều doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền như: VNPT, Viettel, FPT, SCTV, VTVcab,... không ngừng phát triển về thuê bao và hạ tầng.

Về xuất bản - in - phát hành: Toàn tỉnh hiện có 142 cơ sở in được Sở TT&TT cấp phép hoạt động hoặc xác nhận đăng ký hoạt động, doanh thu tăng trưởng bình quân hàng năm trên 19%; 89 cơ sở phát hành xuất bản phẩm, doanh thu tăng trưởng hàng năm trên 23%; hoạt động xuất bản trên địa bàn tỉnh bảo đảm đúng chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và quy định của Luật Xuất bản năm 2012.

Về thông tin cơ sở: Được triển khai đồng bộ từ tỉnh đến xã, phường, thị trấn, với lực lượng chủ công là hệ thống truyền thanh cấp huyện, đặc biệt là với 1.356 trạm truyền thanh ấp/khu phố ở cấp xã đáp ứng nhu cầu hưởng thụ thông tin của nhân dân.

Về thông tin đối ngoại: Công tác thông tin đối ngoại được triển khai thực hiện đồng bộ, đa dạng và đổi mới về hình thức, nội dung và đã đạt kết quả khá toàn diện. Điểm nhấn là triển khai thực hiện Đề án Truyền thông hình ảnh tỉnh Long An giai đoạn 2019-2020, định hướng đến năm 2025.

Về bưu chính, viễn thông: Với sự tham gia thiết lập mạng và cung cấp dịch vụ của các doanh nghiệp: VNPT, Viettel, MobiFone, FPT, SCTV, VTVcab,... đã cung cấp các dịch vụ viễn thông, Internet, truyền hình từ thành thị đến tận vùng sâu, vùng xa của tỉnh. Có 14 chi nhánh doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bưu chính; có khoảng 767.531 thuê bao Internet, 1.724.423 thuê bao di động, 59.282 thuê bao điện thoại cố định hữu tuyến, 6.605 thuê bao cố định vô tuyến; 106.381 thuê bao truyền hình trả tiền trên địa bàn tỉnh; 4.770 trạm BTS với 1.819 vị trí.

Về CNTT: Hạ tầng kỹ thuật CNTT trong các cơ quan nhà nước đã được đầu tư và cải thiện (có 97% cán bộ, công chức các cấp được trang bị máy tính và có kết nối mạng nội bộ, Internet phục vụ công tác); hoàn thành đầu tư nâng cấp Trung tâm dữ liệu cơ bản đảm đương triển khai các nhiệm vụ xây dựng chính quyền điện tử, đáp ứng tiêu chuẩn bảo đảm an toàn thông tin theo mô hình “4 lớp”; mạng truyền số liệu chuyên dùng được triển khai đồng bộ. Ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước được triển khai đồng bộ từ tỉnh đến xã. 8 tháng năm 2020, các chỉ số ứng dụng CNTT đều tăng so cùng kỳ năm 2019: Hồ sơ giải quyết đúng hạn đạt 99%; văn bản được trao đổi dưới dạng điện tử đạt 95,6%; văn bản đi được ký số đạt 95,7%; sử dụng thư điện tử thường xuyên đạt 97%; cung cấp 644 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 (đạt 35%) và 312 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 (đạt 17 %), với 9.952 hồ sơ được nộp qua mạng, tăng 5.938 hồ sơ so cùng kỳ năm 2019,...

Góp phần vào quá trình phát triển của tỉnh

Là một ngành rất lớn về kinh tế và truyền thông, kỹ thuật và công nghệ, ngành TT&TT xác định: Báo chí truyền thông phải bảo vệ được chủ quyền quốc gia về thông tin, phải phản ánh trung thực dòng chảy chính của xã hội, khơi dậy khát vọng hùng cường thịnh vượng; chuyển đổi từ ứng dụng CNTT sang chuyển đổi số; chuyển đổi bưu chính từ chuyển phát thư báo thành hạ tầng của dòng chảy vật chất của nền kinh tế số; chuyển đổi hạ tầng viễn thông thành hạ tầng của nền kinh tế số; chuyển đổi từ Chính phủ điện tử thành Chính phủ số,... Cụ thể hóa định hướng lớn của ngành, thời gian tới, ngành TT&TT tỉnh xác định các:

Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Phạm Văn Cảnh phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị góp ý Dự thảo Đề án phát triển dịch vụ đô thị thông minh trên địa bàn tỉnh

Một là, ứng dụng công nghệ mới, hiện đại hóa cơ sở vật chất, đổi mới phương thức, nội dung, qua đó làm tốt vai trò là “binh chủng” chủ lực trong công tác thông tin, tuyên truyền và nâng cao hiệu quả trong quảng bá hình ảnh tỉnh Long An ra bên ngoài.

Hai là, tham mưu lãnh đạo tỉnh ban hành và tổ chức thực hiện các quyết sách thu hút và tạo điều kiện thúc đẩy phát triển công nghiệp ICT.

Ba là, thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững lĩnh vực bưu chính trong nền kinh tế số theo hướng thương mại điện tử, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ số với trọng tâm là xây dựng và phát triển mạnh mẽ hạ tầng bưu chính.

Bốn là, chuyển đổi hạ tầng viễn thông thành hạ tầng ICT để thực hiện chuyển đổi số, với mục tiêu mỗi người dân một điện thoại thông minh, mỗi hộ gia đình một đường truyền Internet cáp quang.

Năm là, tham mưu lãnh đạo tỉnh triển khai ứng dụng CNTT, tập trung triển khai các nhiệm vụ, giải pháp xây dựng thành công Chính quyền điện tử tỉnh Long An, phát triển đô thị thông minh, từng bước chuyển đổi số theo đúng tinh thần chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy tại Nghị quyết số 70/NQ-TU, ngày 13/2/2020 và các Nghị quyết, chỉ đạo của Chính phủ.

Tự hào truyền thống vẻ vang và thành tựu đã đạt trong thời gian qua, chúng ta hy vọng và tin tưởng ngành TT&TT hoàn thành tốt trọng trách của mình trước vận hội mới, giai đoạn phát triển mới của đất nước.

Phòng Báo chí - Truyền thông (Sở Thông tin và Truyền thông)

Chia sẻ bài viết