Tiếng Việt | English

28/08/2019 - 13:25

Xây dựng và phát triển ngành Thông tin và Truyền thông ngày càng vững mạnh

Lịch sử ngành Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Việt Nam gắn liền với công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ngày 19/02/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 258/QĐ-TTg lấy ngày 28/8 hàng năm là Ngày truyền thống ngành TT&TT.

Đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đến thăm và làm việc với tỉnh Long An

Đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đến thăm và làm việc với tỉnh Long An

Phát huy truyền thống 

Trải qua 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, nhân dân ta đã giành được độc lập dân tộc, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, ngành TT&TT Việt Nam luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần vào sự nghiệp cách mạng vĩ đại do Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo. Tháng 8-2007, tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XII đã quyết định thành lập Bộ TT&TT trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của Bộ Bưu chính - Viễn thông, tiếp nhận thêm chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về báo chí, xuất bản từ Bộ Văn hóa - Thông tin.

Trải qua 74 năm xây dựng, phát triển và trưởng thành, ngành TT&TT luôn gắn liền với đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ, xây dựng Tổ quốc và gặt hái được nhiều thành tựu to lớn trong tất cả lĩnh vực: Báo chí, xuất bản, bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin (CNTT),… tạo động lực cho phát triển KT-XH, bảo đảm quốc phòng, an ninh và đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Trải qua các giai đoạn phát triển, đến nay, ngành TT&TT trở thành một ngành vững về chính trị, mạnh về kinh tế, kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, bắt kịp xu thế phát triển của thế giới; có tốc độ phát triển cao cả về quy mô, doanh thu và thị trường; được Đảng, Nhà nước và nhân dân ghi nhận là một trong những ngành đi đầu trong công cuộc đổi mới. 

Đến tháng 6/2019, cả nước có 844 cơ quan báo, tạp chí in; 67 đài phát thanh, truyền hình trung ương và địa phương; 279 kênh chương trình phát thanh, truyền hình trong nước được (gồm: 87 kênh phát thanh, 192 kênh truyền hình); 1.575 trang thông tin điện tử, 455 mạng xã hội trong nước; 59 nhà xuất bản; 1.827 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực in; 2.500 cơ sở phát hành; 673 cơ sở truyền thanh - truyền hình cấp huyện và 9.595 đài truyền thanh cấp xã. Có 440 doanh nghiệp bưu chính với 18.387 điểm phục vụ bưu chính; 93 doanh nghiệp viễn thông,....

Ngành Thông tin và Truyền thông Long An không ngừng phát triển và lớn mạnh

Từ ngày 07/4/2008, Sở TT&TT Long An được thành lập (trên cơ sở Sở Bưu chính, Viễn thông, đồng thời tiếp nhận nhiệm vụ quản lý báo chí, xuất bản từ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch), công tác quản lý nhà nước về TT&TT cũng như việc gắn kết giữa các lĩnh vực trong ngành, giữa ngành với các ngành khác và toàn xã hội ngày càng được tăng cường, khẳng định vị trí ngày càng quan trọng trong phát triển KT-XH của tỉnh nhà. Sau hơn 10 năm xây dựng và trưởng thành, Sở TT&TT từng bước khẳng định vai trò, vị trí của mình và có nhiều đóng góp quan trọng cho sự nghiệp phát triển KT-XH, bảo đảm quốc phòng - an ninh của tỉnh, được thể hiện trên các lĩnh vực:

Về thông tin tuyên truyền: Báo chí trên địa bàn tỉnh đóng góp tích cực về công tác thông tin tuyên truyền, quảng bá hình ảnh tỉnh; tích cực quán triệt, học tập, thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, Nghị quyết Đại hội X Đảng bộ tỉnh. Hiện trên địa bàn tỉnh, có 4 cơ quan báo chí: Báo Long An, Đài Phát thanh và Truyền hình Long An, Tạp chí Văn nghệ Long An, Tạp chí Kinh tế - Công nghiệp và 15 bản tin nội bộ, 43 cổng, trang tin điện tử của cơ quan hành chính nhà nước, hàng ngàn trang thông tin điện tử của các doanh nghiệp, công ty đóng trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh đó, hiện có 44 phóng viên thuộc 35 cơ quan báo chí ngoài tỉnh thường xuyên tác nghiệp trên địa bàn tỉnh. Hệ thống dịch vụ truyền hình trả tiền phát triển không ngừng, với sự tham gia của các doanh nghiệp cung cấp như VNPT, Viettel, FPT, SCTV, VTVcab,... nhiều kênh chương trình truyền hình phong phú, đa dạng ở nhiều lĩnh vực: Thời sự, thông tin tổng hợp, giải trí, thể thao, phim truyện,…

Hoạt động báo chí trên địa bàn tỉnh hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích, thông tin kịp thời các sự kiện, thực hiện tốt chức năng vừa là cơ quan ngôn luận của Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội, các đoàn thể quần chúng, vừa là diễn đàn của nhân dân, góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đồng thời còn quảng bá hình ảnh của Long An ra bên ngoài nhằm thu hút đầu tư, du lịch. 

Về xuất bản - in - phát hành: Toàn tỉnh hiện có 114 cơ sở in và xác nhận hoạt động in được Sở TT&TT cấp phép hoạt động, doanh thu 6 tháng đầu năm 2019 đạt gần 4.583 tỉ đồng, nộp ngân sách hơn 589 tỉ đồng; 90 cơ sở phát hành xuất bản phẩm, doanh thu 6 tháng đầu năm 2019 đạt gần 133 tỉ đồng, nộp ngân sách hơn 1,9 tỉ đồng; hoạt động xuất bản trên địa bàn tỉnh bảo đảm đúng tôn chỉ, mục đích xuất bản, đúng chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định của Luật Xuất bản năm 2012. 

Về thông tin cơ sở: Được triển khai đồng bộ từ tỉnh đến xã, phường, thị trấn, với lực lượng chủ công là hệ thống truyền thanh cấp huyện, đặc biệt là với 1.439 trạm truyền thanh ấp, khu phố ở cấp xã đáp ứng nhu cầu hưởng thụ thông tin của nhân dân. Sở TT&TT kịp thời chỉ đạo hoạt động thông tin tuyên truyền ở địa phương theo từng chủ đề, chủ điểm và các sự kiện quan trọng của tỉnh và đất nước. Chủ động tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, địa phương tổ chức thực hiện tốt công tác thông tin đối ngoại trên địa bàn tỉnh.

Về bưu chính, viễn thông: Với sự tham gia thiết lập mạng và cung cấp dịch vụ của tất cả các doanh nghiệp hàng đầu như VNPT, Viettel, MobiFone, FPT, SCTV, VTVcab,… cung cấp đầy đủ các dịch vụ viễn thông, Internet, truyền hình và các dịch vụ giá trị gia tăng rộng khắp từ thành thị đến tận vùng sâu, vùng xa với chất lượng cao và giá thành hợp lý làm thỏa mãn nhu cầu người sử dụng dịch vụ.

Sở TT&TT hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp viễn thông triển khai xây dựng hạ tầng và phát triển mạng lưới (xây dựng trạm BTS, ngầm hóa cáp viễn thông, chuyển đổi cột ăng ten,..) bảo đảm theo Quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động tỉnh Long An đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 (Quyết định 2996/QĐ-UBND ngày 19/7/2016) và Quy định về quản lý cơ sở hạ tầng viễn thông trên địa bàn tỉnh Long An (Quyết định số 13/2016/QĐ-UBND ngày 11-3-2016). Đến nay, đã hoàn thành ngầm hóa cáp viễn thông trên 15 tuyến đường với tổng chiều dài 19.300 mét, tạo mỹ quan đô thị, triển khai chuyển đổi cột ăng-ten đúng tiến độ, phân kỳ.

Về công nghệ thông tin: Hạ tầng kỹ thuật CNTT trong các cơ quan nhà nước đã được đầu tư và cải thiện (đến nay, có trên 97% cán bộ, công chức các cấp được trang bị máy tính và có kết nối mạng nội bộ, Internet phục vụ công tác), mạng truyền số liệu chuyên dùng được triển khai đồng bộ tạo nền tảng quan trọng cho ứng dụng CNTT.

Ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước được triển khai đồng bộ từ UBND tỉnh đến các sở, ngành, UBND cấp huyện, cấp xã, đã và đang có những chuyển biến tốt qua từng năm, mang lại hiệu quả rất tích cực. Cụ thể: Hội nghị truyền hình trực tuyến; trao đổi văn bản điện tử; ký số; giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính trên môi trường mạng; cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 2, 3, 4; các ứng dụng chuyên ngành;.... 

Đóng góp quan trọng vào quá trình phát triển của tỉnh

Bước vào giai đoạn phát triển mới, ngành TT&TT tỉnh Long An sẽ triển khai các mục tiêu cụ thể như sau:

Một là, ứng dụng công nghệ mới, hiện đại hóa cơ sở vật chất, đổi mới phương thức, nội dung, qua đó làm tốt vai trò là “binh chủng” chủ lực trong công tác thông tin, tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tạo đồng thuận trong xã hội; đổi mới và năng cao hiệu quả trong quảng bá hình ảnh tỉnh Long An ra bên ngoài.

Hai là, tham mưu lãnh đạo tỉnh ban hành các quyết sách thu hút và tạo điều kiện thúc đẩy phát triển công nghiệp ICT.

Ba là, thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững lĩnh vực bưu chính trong nền kinh tế số theo hướng thương mại điện tử, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ số.

Bốn là, chuyển đổi hạ tầng viễn thông thành hạ tầng ICT để thực hiện chuyển đổi số, chuyển dịch ngành viễn thông từ thoại sang dữ liệu. Mở rộng mạng lưới viễn thông, cùng với tỉnh hoàn hiện hạ tầng kỹ thuật, dịch vụ, qua đó góp phần quan trọng trong thu hút đầu tư.

Năm là, làm tốt công tác tham mưu lãnh đạo tỉnh trong triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, tập trung triển khai các nhiệm vụ, giải pháp xây dựng thành công Chính quyền điện tử tỉnh Long An, tiến tới phát triển đô thị thông minh.

Tự hào truyền thống vẻ vang và thành tựu đã đạt trong thời gian qua, chúng ta hy vọng và tin tưởng rằng ngành TT&TT hoàn thành tốt trọng trách của mình trước vận hội mới, giai đoạn phát triển mới của đất nước./.

Phòng Báo chí - Truyền thông (Sở Thông tin và Truyền thông Long An)

Chia sẻ bài viết