Tiếng Việt | English

28/01/2017 - 14:59

Ngày xuân, nhớ Giáo sư Trần Văn Giàu

Giáo sư Trần Văn Giàu sinh năm 1911 trong một gia đình có truyền thống đấu tranh yêu nước ở xã An Lục Long, huyện Châu Thành, tỉnh Tân An (Long An ngày nay). Trong di sản của ông, bên cạnh bộ sách Miền Nam giữ vững thành đồng gồm 5 tập, gần 2.500 trang, có tập sách Long An 21 năm đánh Mỹ.

Giáo sư Trần Văn Giàu trong dịp sinh nhật lần thứ 95.  Ảnh: Hữu Lý

Ông là nhà cách mạng tiêu biểu, nhà triết học, sử học lớn, Nhà giáo nhân dân có những học trò trở thành nhà khoa học có tên tuổi.

Ông từ trần ngày 16-12-2010, để lại cho đời một khối lượng tác phẩm đồ sộ về triết học, lịch sử, văn hóa - xã hội và một tấm gương sáng về lòng trung hiếu, về tình yêu quê hương, đất nước, về tinh thần lao động trong nghiên cứu khoa học và về những hành động cao cả trong cuộc sống đời thường.

Là nhà hoạt động chính trị đầy tâm huyết, ông rong ruổi khắp mọi miền đất nước, từng đến đất nước Chùa Tháp láng giềng, Vương quốc Thái Lan và sang tận trời Âu - thành phố Paris hoa lệ, thủ đô Matxcơva cổ kính, vậy mà trước sau, lòng ông vẫn yêu tha thiết và tự hào về quê hương, nơi chôn nhau cắt rốn của mình.

Mấy mươi năm xa quê, trở về sau ngày đất nước giải phóng, ông viết về quê hương mình: “Tôi mê đồng lúa mênh mông và gạo Nàng Thơm Chợ Đào, tôi thích rừng tràm bát ngát với chim, rùa, tôm, cá, tôi hãnh diện với sông Vàm Cỏ mà ít con sông nào ở đồng bằng ta được ca ngợi bằng bởi các thi nhân, nhạc sĩ. Nhưng tôi kính phục nhất là con người - con người Việt Nam quê hương tôi... đặc biệt là lịch sử 21 năm chống Mỹ, tôi kinh ngạc một cách tự hào với tinh thần chiến đấu bền bỉ vô song của nhân dân nơi mảnh đất “trung dũng, kiên cường”. Ở đây, không có núi cao, rừng già. Nhưng thay cho núi cao, rừng già là lòng người, lòng của toàn dân đánh giặc. Từ 1861 đến 1975, hơn 100 năm, quê hương tôi không ngớt là một chiến trường quyết liệt, vì nó án ngữ cửa ngõ của trung tâm sào huyệt địch là Sài Gòn. Chính vì thế, nó bị thiên trùng khủng bố, ít nơi nào dữ dội như thế! Trong tình hình đó, hoặc lòng người nát như tương, hoặc lòng người rắn như thép. Mà lòng người Long An không nát, nó thành thép, một thứ thép đặc biệt, mà thép đặc biệt nào cũng bị nung chảy ở nhiệt độ cao, còn lòng dân Long An vì độc lập Tổ quốc, vì lý tưởng cách mạng không bao giờ tan chảy cả. Lớp người này ngã xuống thì lớp người khác lại đứng lên tiếp tục cuộc chiến đấu ngày càng quyết liệt hơn. Tôi tiếc mình không phải là một nhà thơ để viết một bản trường ca Long An nhân kiệt mà nhiều thế hệ đồng bào tôi đã viết bằng hành động rồi”.

Trong di sản của ông, bên cạnh bộ sách Miền Nam giữ vững thành đồng gồm 5 tập, gần 2.500 trang, có tập sách Long An 21 năm đánh Mỹ.

Viết về lịch sử kháng chiến chống Mỹ, cứu nước ở tỉnh nhà là ý tưởng của ông từ những ngày sống trên đất Bắc, nhưng mãi đến khi trở về miền Nam, và ở tuổi “xưa nay hiếm” mới được thực hiện. Tập sách này dày 380 trang, gồm 4 phần, phản ánh lịch sử chiến tranh ở tỉnh Long An diễn ra trong 4 giai đoạn theo chiến lược chung của địch ở miền Nam: Chiến tranh một phía, chiến tranh đặc biệt, chiến tranh cục bộ, chiến tranh Việt Nam hóa, và cuối cùng là Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975, giải phóng quê hương, giải phóng đất nước.

Phản ánh chân thực diễn biến ở chiến trường qua các giai đoạn, những sự kiện và con người ở Long An trong 21 năm đánh Mỹ, tập sách kết thúc bằng những dòng đúc kết của tác giả về chiến tranh nhân dân: “Trong một đợt tiến công thần tốc của những phương tiện, vũ khí hiện đại, ta dễ trông thấy binh hùng, những đơn vị xe tăng, tên lửa đánh chiếm một dinh Tổng thống, một trụ sở Bộ Tổng tham mưu, mà thường ít chú ý đến những hành động đuổi một ban tề, làm tan rã một đơn vị lính ngụy, cũng thường không quan tâm lắm đến việc “người dân ấp, dân lân” chặt cây trong vườn mình để lót đường cho xe pháo qua bãi lầy, đem xuồng mình để chở bộ đội qua sông suốt ngày đêm không nghỉ. Nhưng nếu không có những cái nhỏ này thì sao thành cái lớn kia? Trước sau Long An vẫn là tỉnh “trung dũng, kiên cường” mà đặc điểm là “toàn dân đánh giặc”. Lịch sử 21 năm đánh Mỹ, ngụy ở Long An chủ yếu là lịch sử toàn dân đánh giặc, cứu nước, cứu nhà, là một thiên anh hùng ca vĩ đại mà cốt tủy là sự nhất trí và tình thương giữa Quân, Dân, Đảng”.

Sau ngày đất nước thống nhất, ông cùng gia đình sống và làm việc ở TP.HCM, có nhiều đóng góp xây dựng thành phố mang tên Bác. Hàng năm, đến độ xuân về, những người con của quê hương Long An luôn trông chờ và vui mừng đón tiếp ông - Giáo sư Trần Văn Giàu, bác Sáu Giàu - về họp mặt “đại gia đình” để tiễn đưa năm cũ và đón chào năm mới. Trong không khí rộn ràng mà ấm cúng của ngày xuân, ông luôn là trung tâm của những câu chuyện về “ôn cố tri tân”, về xây dựng và phát triển tỉnh nhà. Ngoài ra, lúc còn khỏe, ông còn về thăm nguyên quán và trao học bổng cho học sinh nghèo hiếu học ở Trường Tiểu học Tầm Vu, huyện Châu Thành.

Độc giả đọc sách tại Thư viện Trần Văn Giàu, được đặt tại Thư viện tỉnh Long An.  Ảnh: Thùy Hương

Nghĩa tình với quê hương còn được biểu hiện: Khi bán căn nhà ở thành phố, ngoài tặng 1.000 lượng vàng thành lập Giải thưởng khoa học Trần Văn Giàu, ông bà còn dành một phần để xây dựng ngôi trường mẫu giáo ở xã Phú Ngãi Trị, huyện Châu Thành.

Đặc biệt, khi chuẩn bị cho ngày đi xa, ông còn quyết định tặng toàn bộ số sách trong thư viện của mình cho tỉnh nhà; đây là tài sản mà ông rất quý, trong đó có thành quả hơn 50 năm lao động của ông. Ngày 19-8-2006, lãnh đạo tỉnh Long An tiếp nhận tượng trưng sách từ tay ông tại nhà riêng ở TP.HCM. Và sau khi ông qua đời, ngày 28-8-2011, Thư viện Long An chuyển toàn bộ số sách quý ấy - gần 3.000 quyển - về đặt trang trọng, sắp xếp ngăn nắp tại Phòng Đọc để phục vụ nhân dân tỉnh nhà.

Có một câu chuyện nhỏ mà hàm chứa cả tấm lòng của ông đối với nơi chôn nhau cắt rốn: Năm 2006, ở tuổi 95, khi biết tin cầu thủ Phan Văn Tài Em - Quả bóng vàng Việt Nam 2005 - có hành động chống tiêu cực trong bóng đá, ông cho gọi Tài Em đến nhà để ngợi khen và căn dặn: “Bác không chuộng cái tài đá bóng của cháu, mà rất chuộng cái đức mà cháu từng thể hiện tại SEA Games vừa rồi. Là người có tài nhưng không có đức thì vứt. Bác có lời ngợi khen cháu, mong cháu ráng giữ cái đức ấy để làm rạng danh tỉnh Long An. Bác rất vui mừng khi hai bác cháu ta lại cùng sinh ra ở xã An Lục Long, huyện Châu Thành, tỉnh Long An”.

Tại cuộc gặp mặt thân mật này, ông tặng Tài Em 5 triệu đồng và quyển sách Bản lĩnh Việt Nam có dòng chữ ghi ở trang đầu quyển sách “Tài Em, cháu đã giữ vững bản sắc dân tộc Việt Nam và danh dự của Long An. Bác tặng cháu quyển sách”.

Trong hồi ký của mình, phần tự bạch, ông kể lại lần về nhà gặp mẹ sau 5 năm bị giam cầm ở nhà tù thực dân Pháp: “Mẹ con ôm nhau khóc, chỉ biết khóc, không nói được lời nào ngoài 2 chữ: Má! Con! Mọi người đều khóc. Má tôi già đi nhiều, tóc đã bạc phơ, răng cửa còn hai chiếc. Mặt, cổ, vai đều ướt vì nước mắt của má. “Con về lần này ở nhà với má, tía con chết rồi, má hiu quạnh quá con ơi!”. Nghe mà đứt ruột. Tôi và vợ tôi xuống ruộng, đi đến mộ tía, thắp hương quỳ lại tạ tội bất hiếu. Nhớ ngày nào tía tôi có bảo “Tận trung là chí hiếu rồi đó”, biết vậy nhưng vẫn thấy mình lỗi đạo làm con”.

Và với vợ, khi cuộc kháng chiến chống Pháp ở Nam bộ bắt đầu: “Nhớ hồi tháng 4 năm 1941, vợ tôi lên trước cửa Khám Lớn đón tôi về nhà, hai đứa chỉ được ở chung nhau 9 ngày thì tôi lại bị bắt lần nữa, đày lên Tà Lài; rồi tôi vượt ngục, xa nhà mãi cho tới Cách mạng Tháng Tám. Nay lại xa nhà nữa, biết đến chừng nào sum họp... Bổn phận làm trai, làm dân, tôi làm được, giỏi dở tùy đồng bào và lịch sử phán cho... Còn bổn phận làm con, làm chồng thì tôi hoàn toàn không làm được gì. “Được cái này thì mất cái kia”, có nhất thiết phải như vậy không?

Mà tôi chắc rằng, kháng chiến dù gian lao mấy cũng sẽ thắng lợi và sẽ có ngày tôi gặp lại mẹ cùng người vợ rất đỗi chung thủy, yêu thương”.

Đối với ông, trong tình yêu quê hương, đất nước, có tình yêu gia đình; gia đình gắn liền với quê hương, đất nước, chữ hiếu gắn liền với chữ trung.

Vì yêu nước, ông dấn thân làm cách mạng, đặt việc nước trước việc nhà.

Vì yêu quê hương, ông sống hết mình với quê hương. Và cũng vì yêu quê hương, yêu gia đình, ước nguyện sau cùng của ông là khi chết được an táng trong lòng đất mẹ ở quê nhà. Đời không phụ tấm lòng của ông. Ngày 25-12-2010, hàng ngàn người con của thành phố mang tên Bác và của tỉnh Long An - quê hương ông ngậm ngùi đưa tiễn ông về yên giấc ngàn thu tại nơi ông chào đời, bên cạnh song đường và người bạn đời thủy chung, son sắt.

Ngày xuân, nhìn đất nước thanh bình, nhìn quê hương đổi mới, lại càng nhớ đến ông - Giáo sư Trần Văn Giàu, anh Sáu Giàu - nhà cách mạng kiên cường, nhà giáo mẫu mực, nhà khoa học lớn của đất nước,... và trên hết, ông là người con của quê hương Long An “trung dũng, kiên cường”. /.

Nguyên Tổng Biên tập Báo Long An - Trần Văn Kính

Chia sẻ bài viết