Tiếng Việt | English

29/06/2024 - 11:11

Nghề báo - Nghề của sự trải nghiệm

Đối với những người làm báo, mỗi lần đi cơ sở đều để lại những cảm xúc, kỷ niệm khó quên. Đó là những trải nghiệm đáng quý, động lực để mỗi nhà báo thực hiện tốt hơn nhiệm vụ được giao.

Nghề báo được xác định là nghề khó, nhất là trong thời đại công nghệ 4.0

Đi để trải nghiệm

Hơn 10 năm làm báo đã giúp nhà báo Phạm Văn Định (bút danh Kiên Định - Báo Long An) đi nhiều nơi, biết nhiều người, tiếp xúc với nhiều câu chuyện. Anh Định cho biết, từ một người quê ở tỉnh Thái Bình, bản thân chưa hiểu hết văn hóa vùng, miền, đến nay, anh cũng như một người Long An.

Theo anh, đặc trưng của nghề báo là những chuyến đi để kịp thời nắm bắt thông tin, tuyên truyền về cuộc sống muôn màu trên các phương tiện truyền thông. Mỗi chuyến đi mang đến cho các phóng viên, nhà báo những cảm nhận khác nhau; đúc kết nhiều kiến thức, bài học kinh nghiệm. Từ đó, giúp đội ngũ những người làm báo nuôi dưỡng cảm xúc, rèn sự kiên trì, bồi đắp thêm kỹ năng nghề và trưởng thành hơn trong cuộc sống.

Từ ngày làm báo, anh may mắn được các anh, chị đồng nghiệp hướng dẫn và gắn bó với mảng pháp luật - bạn đọc. Đó là một lĩnh vực mới với anh và cũng khó trong số các mảng đề tài báo chí hiện nay, đòi hỏi mỗi người làm báo phải nỗ lực, học tập. “Nếu có người hỏi tôi thích điều gì nhất trong nghề nghiệp của mình, tôi sẽ chẳng do dự mà nghĩ ngay đến những chuyến đi đã mang đến cho mình nhiều trải nghiệm thú vị.

Mỗi chuyến đi với tôi là một trải nghiệm mới, được gặp gỡ các nhân vật không trùng lặp. Đặc biệt, với đặc thù phóng viên phụ trách lĩnh vực nội chính, chúng tôi thường xuyên tiếp nhận các đơn, thư, điều tra, phản ánh nhiều khía cạnh phức tạp. Quá trình tác nghiệp khiến chúng tôi gặp không ít khó khăn và nguy hiểm. Nhưng với mong muốn mang lại những trang báo phản ánh chân thật "hơi thở" cuộc sống, là "cầu nối" của Đảng và Nhân dân, chúng tôi nỗ lực vượt qua và không ngừng nâng cao nghiệp vụ từng ngày” - nhà báo Kiên Định nói.

Với nhà báo Kiên Định (Báo Long An), mỗi một chuyến đi cho anh thêm kinh nghiệm để làm nghề được tốt hơn

Nhà báo Kiên Định cho rằng, bản thân tiếp tục học hỏi nhiều hơn nữa ở các đồng nghiệp để hoàn thiện mình. “Kể về kỷ niệm làm nghề thì nhiều nhưng với tôi, đó là những lần tác nghiệp trong đợt dịch Covid-19. Trong một lần đi viết bài về các chốt kiểm soát dịch bệnh tại các vùng giáp ranh TP.HCM trong đêm mưa, sau khi đi hơn 10 chốt kiểm soát dịch trên tuyến quốc lộ, đường tỉnh và đường liên xã giáp TP.HCM, tôi trở về đã hơn 22 giờ. Cả tuyến Quốc lộ 1 vắng lặng như tờ, cứ vài phút lại có một chuyến xe cấp cứu nháy đèn lao đi vun vút... Cảm giác lúc đó khó tả lắm, vừa buồn, lo lắng, vừa ấm áp khi thấy mọi người lo lắng, yêu thương nhau. Đó là những kỷ niệm mà chắc chắn trong cuộc đời làm báo tôi không thể nào quên!" - nhà báo Kiên Định kể.

Bản thân anh cũng là người làm việc nhóm, đó là sự kết hợp với nhà báo Trần Văn Đát (Báo Long An) để có những tác phẩm ở miền biên giới. Với đề tài này, nhiều bài viết của anh được chọn để trao giải trong những năm tổ chức Giải Báo chí tỉnh.

Nghề của đam mê

Gần 30 năm công tác tại Đài Phát thanh và Truyền hình Long An, với nhà báo Võ Văn Huy (Phòng Chuyên đề), nghề báo cũng như bất kỳ công việc lao động chân chính nào. Công việc của những người làm báo tạo nên những sản phẩm thông tin có giá trị đối với đời sống xã hội. Sự lao động chăm chỉ, nghiêm túc của đội ngũ những người làm báo góp phần làm nên một nền báo chí với thực tiễn sinh động, ngày càng hướng tới sự “chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại”.

Anh Huy nhận định: “Nghề báo là nghề khó, nếu không muốn nói là rất khó. Nếu không có đam mê thì sẽ không có sự gắn bó hoặc muốn làm giàu từ nghề làm báo cũng không được, thậm chí giỏi cũng chưa chắc có thể bám trụ được với nghề, nhất là ở báo, đài tỉnh. Nhưng đến giờ này, mình vẫn còn làm nghề thì đó không phải là mình giỏi mà vì mình thích và sống với đam mê”.

Nhà báo Võ Văn Huy (Đài Phát thanh và Truyền hình Long An) trong một lần đi công tác ở Hoa Kỳ

Vốn quý nhất trong ngần ấy năm công tác mà nghề mang lại đối với nhà báo Võ Văn Huy là anh có điều kiện đi được nhiều nơi. Đó là anh có dịp trải nghiệm ở những nơi mà không dễ gì ai cũng có thể đến được như Trường Sa, Nhà giàn DK1,... Không chỉ được đặt chân đến các vùng đất trong tỉnh mà anh Huy còn tháp tùng cùng Đoàn công tác của tỉnh đến những đất nước ở khu vực Đông Nam Á, châu Á, châu Âu, châu Mỹ,... “Chính nhờ đi như vậy làm mình bớt “ảo tưởng”. Những vùng đất mới giúp mình nhận ra những gì mình biết thật là nhỏ nhoi... Tôi có dịp đi thực tế một số nước trên thế giới mà đặc biệt là quê hương cách mạng Fidel Castro, Che Guevara, Hemingway,...Những chuyến đi đó cho tôi thêm những cảm xúc mới mẻ để làm một số tác phẩm mà mình yêu thích” - anh Huy cười nói.

Những năm gần đây, nhà báo Võ Văn Huy là cây bút khá quen thuộc với các ký sự truyền hình trên sóng LA34. Gần đây nhất là phim tài liệu mang tên Kỳ tích Đồng Tháp Mười. “3 tập đầu tôi làm trong vòng 1,5 tháng dù những tập này đi quay hình chưa nhiều. Với thể loại phim kiểu này, càng làm càng khó do những đặc thù riêng. Những câu chuyện hay, độc đáo,... thì nhiều nhưng để đưa nó lên phim thì không phải dễ” - anh Huy bộc bạch.

Nhà báo Võ Văn Huy hiện chủ yếu tập trung vào những loạt ký sự ở nước ngoài. Ở mảng đề tài này, anh cũng có những tác phẩm đã phát sóng như Nhật Bản đẹp từ cái nhìn đầu tiên, Một thoáng Tân Gia Ba, Một góc Âu châu, Hương sắc Caribe, Dọc đường Cali,... Anh đang thực hiện ký sự Ghi chép từ Manila,...

Anh Huy cho biết, dạng ký sự hành trình này phải thực hiện nhiều tập mới chuyển tải được hết nội dung. Song những chuyến đi nước ngoài là phải tác nghiệp độc lập nên ngoài việc lên ý tưởng, kịch bản, chương trình,... nhà báo Võ Văn Huy còn viết kịch bản, quay phim và kể cả hậu kỳ (dựng phim). Anh Huy chia sẻ: “Làm một mình đôi khi cũng có cái lợi. Đó là ghi chép gì, quay được gì thì khi về viết cảm xúc cũng không có sự thay đổi”.

Trong bối cảnh hiện nay, khi quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế diễn ra mạnh mẽ, sự phát triển vượt bậc, nhanh chóng của khoa học, công nghệ, truyền thông hiện đại, sức ảnh hưởng của các nền tảng mạng xã hội đặt ra những yêu cầu, đòi hỏi cao hơn về công tác báo chí. Trước rất nhiều cơ hội và thách thức của thời đại 4.0, nhiều nhà báo không ngại thay đổi, tích cực, say mê học hỏi để trau dồi thêm kiến thức lý luận, kỹ năng nghiệp vụ và đặc biệt là tiếp cận với các công nghệ mới, xu hướng mới của báo chí hiện đại để nâng cao chất lượng các sản phẩm báo chí của mình./.

Những phóng viên, nhà báo tiêu biểu

 

Những phóng viên, nhà báo tiêu biểu 

Trong không khí rộn ràng lễ 99 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam của những người làm báo, chúng tôi có dịp gặp gỡ, trò chuyện với một số phóng viên, nhà báo để nghe họ kể về chuyện làm nghề.

Như Nguyệt

Chia sẻ bài viết


Đơn vị cung cấp Du Lịch Đỉnh - Khám Phá Trải Nghiệm uy tínTìm hiểu exp là gì