Tiếng Việt | English

20/01/2022 - 13:55

Nghề làm chậu kiểng tất bật những ngày cận tết

Ngày tết, bên cạnh những nhà vườn tất bật vun bón cây trồng cho đợt kinh doanh lớn nhất năm thì những cơ sở làm chậu kiểng cũng hối hả để đáp ứng nhu cầu của khách hàng.

Do ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh Covid-19, năm nay, việc tiêu thụ hoa, kiểng dự đoán sẽ giảm so với mọi năm. Tuy nhiên, khi đến một vài cơ sở sản xuất chậu kiểng, không khí sản xuất vẫn rất nhộn nhịp, hối hả. Anh Lê Thanh Hiệp (xã Long Sơn, huyện Cần Đước, tỉnh Long An) cho biết, nghề làm chậu kiểng đắt hàng nhất là vào dịp tết, còn ngày thường thì tiêu thụ tương đối chậm. Trước đây, anh chỉ làm một vài chậu để dùng trong gia đình, sau đó bán thử rồi khách hàng giới thiệu nhau, các đơn hàng của anh ngày càng nhiều. Cứ thế, anh duy trì công việc này đã hơn 2 năm nay.

Cơ sở của anh Lê Thanh Hiệp tất bật những ngày tết để hoàn thành kịp đơn đặt hàng của khách

Sản phẩm của anh Hiệp chủ yếu bán cho các nhà vườn trồng cây kiểng trong tỉnh. Giá mỗi chiếc từ vài chục ngàn đến hơn 2 triệu đồng, tùy loại. Trung bình mỗi ngày, cơ sở của anh làm ra từ 20-40 chậu kiểng. Thời điểm gần tết, số lượng tăng gấp đôi ngày thường. Để đáp ứng nhu cầu khách hàng, gia đình anh phải huy động lực lượng làm việc cật lực cả ngày. Hiện nay, chậu kiểng xi măng được nhiều nhà vườn ưa chuộng vì độ bền cao, khó vỡ, có nhiều kiểu dáng mà giá thành lại phải chăng. Để làm ra một chiếc chậu thành phẩm phải trải qua nhiều công đoạn, từ pha trộn nguyên liệu, quay chậu theo khuôn, đổ khuôn đến trang trí họa tiết. Tùy vào tay nghề, kỹ thuật và kinh nghiệm của người thợ mà sản phẩm bảo đảm cả về chất lượng, độ bền lẫn sự tinh xảo, kiểu dáng.

Cũng vừa “bén duyên” với nghề làm chậu kiểng được một thời gian ngắn nhưng anh Phạm Tuấn Cường - chủ vườn cây kiểng Cường Béo (phường 7, TP.Tân An), được nhiều khách hàng tin tưởng và đặt hàng. Sản phẩm của anh Cường khá sắc sảo, đặc biệt hơn so với một số sản phẩm truyền thống hiện có trên thị trường. Để có được những chiếc chậu tinh xảo, dùng cho cây bonsai hoặc những cây kiểng có giá trị, anh phải đặt khuôn silicon mềm từ các tỉnh phía Bắc vận chuyển vào. Đặc điểm của loại khuôn này là giá thành khá cao so với khuôn cứng nhưng sản phẩm sẽ có độ sắc nét, nhiều kiểu dáng cho khách hàng lựa chọn.

Để có được những chiếc chậu tinh xảo, đặc biệt dùng cho cây bonsai hoặc những cây kiểng có giá trị, sản phẩm của anh Phạm Tuấn Cường phải đặt khuôn silicon mềm từ các tỉnh phía Bắc vận chuyển vào

Anh Cường chia sẻ, do tự học qua các video hướng dẫn trên mạng, khi làm thực tế thì khó hơn nhiều nên thời gian đầu, anh cũng làm hư gần chục chiếc chậu rồi rút kinh nghiệm mới có được những sản phẩm như hôm nay. Ngày thường, cơ sở của anh có từ 3-4 nhân công nhưng dịp tết phải thuê thêm người mới kịp hoàn thành đơn hàng của khách. Chậu kiểng của cơ sở anh Cường có giá thành từ 500.000-8.000.000 đồng.

“Ngày 15 tháng Chạp, tôi sẽ đem cây kiểng và các sản phẩm chậu cây tham gia chợ hoa xuân. Tôi tham gia chợ hoa đã được 4 năm. Hy vọng năm nay, sức mua ổn định để nhà vườn đón tết no ấm hơn sau một năm vất vả vì dịch bệnh” - anh Cường kỳ vọng.

Đơn đặt hàng liên tục, không khí làm việc hăng say, khẩn trương là những tín hiệu đáng phấn khởi cho những cơ sở làm chậu kiểng ngày giáp tết. Công việc tuy vất vả nhưng đây là dịp mà những người thợ làm chậu có nguồn thu khá hơn để gia đình có một mùa xuân sung túc./.

Cát Tường

Chia sẻ bài viết


Danh mục hộp quà tặng doanh nghiệp nhập khẩu giám sát an toàn là gìTìm hiểu genz là gì